|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Cần cơ chế phù hợp để quản lý có hiệu quả vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp

08:43 | 30/11/2024
Chia sẻ
Đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng cần thiết phải sửa căn bản Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp để tạo ra một cơ chế quản lý mới, phân định rõ quyền, trách nhiệm giữa quản lý của cơ quan đại diện chủ sở hữu với quản trị của doanh nghiệp.

Chiều 29/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Tại phiên thảo luận, đề cập về việc quản lý doanh nghiệp Nhà nước, đại biểu Hoàng Văn Cường, Đoàn ĐBQH TP Hà Nội khẳng định: "Doanh nghiệp Nhà nước đang nắm giữ một khối lượng tiền, tài sản rất lớn trong các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế. Tuy nhiên, hoạt động thì kém hiệu quả hơn so với các doanh nghiệp tư nhân.

Một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng trên là cơ chế quản lý đối với doanh nghiệp Nhà nước hiện nay còn chưa phù hợp, chồng chéo và trói buộc. Nguồn vốn đầu tư vào doanh nghiệp Nhà nước bị thất thoát vẫn không được phát hiện kịp thời. Khi phát hiện thì cũng không quy được trách nhiệm và khi có quy trách nhiệm xử lý được cá nhân thì tiền cũng đã bị thất thoát".

Vì vậy, đại biểu Hoàng Văn Cường khẳng định, cần thiết phải sửa căn bản Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp để tạo ra một cơ chế quản lý mới, phân định rõ quyền, trách nhiệm giữa quản lý của cơ quan đại diện chủ sở hữu với quản trị của doanh nghiệp. Điều này nhằm tạo ra một cơ chế thông thoáng cho các doanh nghiệp Nhà nước, đồng thời tạo một cơ chế phù hợp để quản lý có hiệu quả vốn của Nhà nước đã đầu tư vào doanh nghiệp. 

Đại biểu Hoàng Văn Cường, Đoàn ĐBQH TP Hà Nội. (Ảnh: Quốc hội).

Đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, phải có cơ chế quản lý và theo dõi nguồn vốn tại doanh nghiệp. Theo đó, phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng chỉ đối với doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ là chưa phù hợp, chưa đáp ứng được yêu cầu là tiền Nhà nước đầu tư đến đâu thì phải quản lý đến đó.

Vị này đề nghị cần mở rộng đối tượng, đưa các yêu cầu có tính nguyên tắc và quản lý, giám sát với cả các doanh nghiệp có được vốn đầu tư dưới 50% và cả những doanh nghiệp F2, F3 là những doanh nghiệp mà do doanh nghiệp Nhà nước đầu tư vốn.

Ngoài ra, tại khoản 9, Điều 4 quy định người đại diện phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp gồm một nhóm người là chưa phù hợp. Vì như thế sẽ không phát huy được vai trò của người đứng đầu; đồng thời cũng không xác định được trách nhiệm cá nhân nếu như tiền vốn đầu tư vào doanh nghiệp bị thất thoát. Do vậy, đại diện phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chỉ nên là một người.

Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh lấy ví dụ minh chứng cho thấy việc quy định "phạm vi áp dụng cho các đối tượng có vốn Nhà nước nắm giữ trên 50%" chưa phù hợp.

Cụ thể, nếu một công ty cổ phần có phần vốn Nhà nước chiếm 49%, số còn lại chia cho 5 cổ đông lớn khác, mỗi người sở hữu chưa đến 10% cổ phần. Như vậy vốn Nhà nước sẽ chiếm ưu thế, nếu không quy định sẽ không rõ ai sẽ chịu trách nhiệm quản lý, thi hành, theo dõi.

Phần vốn Nhà nước trong các doanh nghiệp này sẽ được quản lý, sử dụng như thế nào; phần lợi nhuận thu được từ đầu tư vốn sẽ được xử lý hay chế tài xử lý vi phạm sẽ ra sao? 

Do vậy, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ đề nghị cần mở rộng phạm vi quản lý đối với doanh nghiệp có dưới 50% vốn Nhà nước và quy định về nguyên tắc quản lý dòng tiền của Nhà nước là dòng tiền Nhà nước đi tới đâu thì Nhà nước theo dõi và quản lý tới đó và chỉ quản lý dựa theo tỷ lệ sở hữu vốn cổ phần. Theo bà như vậy mới đảm bảo được nguyên tắc quản trị tài chính.

Ngoài việc quản lý nguồn vốn của Nhà nước, dự án Luật cũng quy định nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của doanh nghiệp quy định tại Điều 12. Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ cho biết, dự án luật liệt kê 15 nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của doanh nghiệp trong quản lý điều hành, tuân thủ các quy định của pháp luật và một số nhiệm vụ về công tác thực thi.

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, cần bổ sung quy định về doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về đầu ra từ việc sử dụng vốn Nhà nước để kinh doanh.

Theo đó, loại trừ doanh nghiệp thực hiện mục tiêu công ích của Nhà nước thì các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh phải chịu trách nhiệm về việc sử dụng hiệu quả vốn Nhà nước, đảm bảo đạt lợi ích kinh tế (có loại trừ trường hợp rủi ro do nguyên nhân khách quan như thiên tai, địch hoạ, hay cú sốc từ kinh tế, chính trị, xã hội). Nếu không có quy định về trách nhiệm này thì doanh nghiệp chỉ cần bảo toàn đủ vốn là đạt yêu cầu.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng khẳng định, trong phiên thảo luận, một số ĐBQH đề nghị bổ sung các doanh nghiệp có vốn đầu tư của Nhà nước từ 50% vốn điều lệ trở xuống và việc đầu tư vốn tại các doanh nghiệp khác có vốn đầu tư F2, F3 để quy định nguyên tắc quản lý.

Với biện pháp, mức độ phù hợp, Bộ Tài chính tiếp thu ý kiến của các ĐBQH để nghiên cứu, đề xuất báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định bổ sung vào đối tượng áp dụng và quy định nguyên tắc, nội dung quản lý cho phù hợp với phần vốn góp cũng như là tính chất, quy mô vốn của doanh nghiệp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp. (Ảnh: Quốc hội).

Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh qua thảo luận, các ĐBQH nhất trí về sự cần thiết sửa đổi, ban hành Luật Quản lý đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp để khắc phục bất cập của Luật hiện hành, thể chế hóa chủ trương của Đảng, đảm bảo nguyên tắc Nhà nước là chủ sở hữu vốn, đầu tư vốn nhưng không can thiệp hành chính vào hoạt động kinh doanh, quản trị của doanh nghiệp.

Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tạo chủ động phát huy tính năng động, sáng tạo của doanh nghiệp Nhà nước, cùng với việc có cơ chế quản lý chặt chẽ, tránh lạm dụng làm thất thoát tài sản Nhà nước.

Đồng thời phải gắn trách nhiệm của đơn vị, người đại diện vốn Nhà nước, tăng cường tính công khai, minh bạch về thực trạng tài chính, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp có vốn Nhà nước để đảm bảo việc kiểm tra, giám sát, kiểm toán của Nhà nước và của nhân dân đối với vốn của Nhà nước.

Lai Phong