Cần có các chính sách ‘tiếp sức' cho doanh nghiệp Việt
Sáng 4/11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về Đánh kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.
Tham gia thảo luận tại phiên họp, đại biểu Trần Hoàng Ngân, Đoàn ĐBQH TP HCM khẳng định, Việt Nam tiếp tục duy trì ổn định chính trị - xã hội.
“Chúng ta duy trì lạm phát ở mức tốt trong 10 năm qua, bình quân lạm phát từ năm 2015 đến nay chỉ 3%, cán cân thương mại thặng dư và xuất siêu liên tục từ năm 2016 đến nay tích luỹ được hơn 100 tỷ USD, nợ công/GDP kéo giảm để chúng ta tiếp tục đầu tư các dự án lớn, kinh tế ước cả năm trên 7%”, đại biểu nêu.
Về ba động lực tăng trưởng trong các nhóm giải pháp để hoàn thành mục tiêu của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, mặc dù xuất khẩu 9 tháng đầu năm tăng trưởng là 15,4% nhưng tỷ trọng xuất khẩu trong nước còn chiếm tỷ lệ thấp, khoảng 28%.
Vì vậy, ông Ngân cho rằng cần có chính sách kết nối doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước và có chiến lược phát triển công nghiệp cơ khí, công nghiệp dịch vụ phụ trợ, công nghiệp vật liệu, phụ kiện. Đặc biệt, cần quan tâm hơn nữa đến các sản phẩm nông sản, thuỷ sản mang thương hiệu Việt.
Bên cạnh đó, đại biểu TP HCM cũng đề nghị Chính phủ cần quan tâm phát triển xuất khẩu tại chỗ thông qua việc khuyến khích du lịch.
Ông Ngân thông tin thêm, gần đây, các sản phẩm mang trí tuệ Việt Nam, sản phẩm công nghệ số, công nghệ thông tin được xuất khẩu thị trường quốc tế. Cụ thể, có 1.500 doanh nghiệp công nghệ số đã đi ra nước ngoài, với doanh thu ngày càng tăng.
Thứ hai, tổng vốn đầu tư xã hội tiếp tục tăng lên nhưng khu vực dân doanh tăng thấp, trong khi khu vực vốn đầu tư nước ngoài tăng cao. Do đó, đại biểu cho rằng cần có chính sách tổng thể tiếp sức cho doanh nghiệp Việt, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Theo ông Ngân, việc chuẩn bị thống nhất thông qua các dự án Luật, các Nghị quyết tại Kỳ họp này cũng là một trong những biện pháp quan trọng để cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế để giúp các doanh nghiệp Việt Nam có điều kiện huy động các nguồn lực xã hội cho phát triển kinh tế.
Thứ ba, tiêu dùng nội địa tuy có sự phục hồi mạnh với mức tăng trưởng đạt 8,8% trong 9 tháng nhưng vẫn còn thấp so với trước dịch COVID-19. Do đó, đại biểu TP HCM đề nghị cần phải có chính sách hỗ trợ cho tiêu dùng, nhất là giảm thuế, khuyến khích người Việt dùng hàng Việt.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân cũng đề nghị Chính phủ ngoài khuyến khích phát triển các động lực mới như khoa học công nghệ, chuyển đối số, xanh, cần đánh thức ba động lực nội sinh là nông nghiệp, văn hóa và du lịch bởi đây là những thế mạnh của Việt Nam.
Nhận định nhu cần của nền kinh tế còn yếu, vẫn phụ thuộc nhiều vào bên ngoài, đại biểu Trần Thị Quỳnh, Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định cũng đề xuất duy trì giảm thuế VAT, tiếp tục tháo gỡ nút thắt để hỗ trợ nền kinh tế.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục nới lỏng có thực chất chính sách tài khóa, nghiên cứu hỗ trợ mạnh hơn cho những gia đình, doanh nghiệp bị thiệt hại bởi bão lũ, thiên tai.
Theo đại biểu Quỳnh, ngân hàng Nhà nước nên có các gói tín dụng cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp ở một số ngành cần đẩy mạnh như: nông nghiệp và thủy sản, du lịch, chế biến xuất khẩu.
Mặt khác, lạm phát tăng trong 4 năm qua nhưng mức thu nhập chịu thuế không tăng. Do đó, đại biểu cũng đề nghị nghiên cứu nới mức thu nhập chịu thuế nhằm tăng thu nhập khả dụng cho người chịu thuế, góp phần cải thiện chi tiêu, tiếp tục tháo gỡ nút thắt để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.