Cán bộ sai một li, doanh nghiệp ‘đi’ trăm tỉ
Khu công nghiệp Amata ở Đồng Nai - Ảnh: TUYẾT MAI
Tháng 4-2011, Công ty CP Amata Việt Nam được nhà nước cho thuê đất trả tiền hằng năm, và được Sở TN&MT, tỉnh Đồng Nai cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất GCN (QSDĐ), quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại thửa đất số 12, phường Long Bình, TP.Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai.
Lao đao vì cấp rồi lại thu hồi
Sau đó, Công ty TNHH ôtô Tuyết Tấn Phát (nay là Công ty Tấn Đạt Phát) thuê lại, và 6 tháng sau, Tấn Đạt Phát được cấp GCN QSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, đồng thời chỉnh lý nội dung cho thuê trên giấy chứng nhận của Amata.
Tấn Đạt Phát sau đó xây dựng phòng trưng bày và xưởng sửa chữa trị giá 30 tỉ đồng và đã đầu tư vào dự án 133 tỉ đồng. Tuy nhiên, tháng 12-2015, Sở TN&MT tỉnh Đồng Nai bất ngờ ra quyết định thu hồi GCN đã cấp với lý do thửa đất đó nằm trong quy hoạch dự án Khu thương mại, dịch vụ và nhà ở Amata, không thuộc quy hoạch KCN Amata.
Căn cứ theo quy định của Luật đất đai năm 2013, Amata thuê đất trả tiền hàng năm thì không được thực hiện quyền cho Công ty Tấn Đạt Phát thuê lại đất.
Trong cuộc họp giữa Amata và Công ty Tấn Đạt Phát, hai bên thoả thuận Tấn Đạt Phát sẽ giao lại GCN QSDĐ cho Amata để Amata nộp lại cho Sở TN&MT. Sau khi Amata hoàn tất nghĩa vụ thanh toán tiền thuê đất thô, Amata sẽ được cấp lại GCN mới và hai bên sẽ ký lại hợp đồng thuê bất động sản.
Cuối năm 2016, Amata được Sở TN&MT tỉnh Đồng Nai cấp GCN QSDĐ mới nên sau đó hai bên tiến hành ký hợp đồng thuê đất như cam kết.
Amata xin cấp GCN QSDĐ, tuy nhiên, Sở TN&MT tỉnh Đồng Nai chỉ cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình trên đất cho Tấn Đạt Phát.
"Chúng tôi trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê đất 50 năm nhưng không được cấp chứng nhận quyền thuê đất và không được thế chấp tại ngân hàng, ảnh hưởng rất lớn tới việc vay vốn đầu tư phát triển kinh doanh", ông Trần Tấn Phát - giám đốc công ty Tấn Đạt Phát - nói.
Cấp sai do nhân viên ngộ nhận
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Hoàng Văn Dung, Chi cục trưởng Chi cục quản lý đất đai (Sở TN&MT tỉnh Đồng Nai) cho biết trước đây, khi cấp GCN QSDĐ cho Tấn Đạt Phát, nhân viên tiếp nhận hồ sơ của sở "ngộ nhận", tưởng rằng phần đất công ty này thuê nằm trong Khu công nghiệp Amata.
Tuy nhiên, qua rà soát sở thấy cấp GCN QSDĐ sai nên đã thu GCN QSDĐ và chỉ cấp GCN công trình gắn liền với đất cho Tấn Đạt Phát.
Hiện Amata đã trả tiền thuê đất một lần nhưng theo điều 99 Luật Đất đai hiện hành thì Tấn Đạt Phát cũng không được cấp GCN QSDĐ.
Sở TN&MT cũng đã có đề xuất để điều chỉnh khi sửa đổi Luật đất đai theo hướng trường hợp thuê đất làm khu công nghiệp Amata thì người thuê lại đất cũng được cấp GCN QSDĐ.
Do dự án Khu thương mại, dịch vụ và nhà ở Amata được phép cho thuê lại QSDĐ giống như hình thức sử dụng đất các khu cụm công nghiệp, nên Sở TN&MT đề nghị Amata ký hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ cho Công ty Tấn Đạt Phát, thay cho hợp đồng thuê lại QSDĐ.
Tuy nhiên, để có thể chuyển nhượng QSDĐ cho Tấn Đạt Phát, giữa năm 2018, Amata gửi văn bản nói rằng công ty này sẽ phải trả thêm cho Amata 54 tỉ đồng cho việc chuyển nhượng một phần dự án, cũng như thanh toán tất cả các chi phí liên quan.
Cho rằng Amata không thực hiện đúng cam kết nên Tấn Đạt Phát đã khởi kiện Amata ra tòa.
Thửa đất có diện tích 8.420 m2 công ty Tấn Phát Đạt thuê lại của Amata - Ảnh: TUYẾT MAI
Liên quan đến vụ việc này, tỉnh Đồng Nai đề xuất 2 phương án để tháo gỡ vướng mắc. Theo đó, phương án 1 giao Sở Kế hoạch Đầu tư chủ trì, đề nghị hai đơn vị điều chỉnh từ hợp đồng cho thuê lại đất thành hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ, thuê đất trả tiền một lần.
Trong khi đó, phương án 2 là xin ý kiến Thủ tướng cho phép bổ sung dự án Khu thương mại, dịch vụ và nhà ở Amata vào dự án khu công nghiệp Amata, sau đó sẽ cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho Công ty Tấn Đạt Phát theo quy định.
Tuy nhiên, đến nay vấn đề này vẫn còn đang bỏ ngỏ.
Ai chịu trách nhiệm?
Theo luật sư Huỳnh Công Thư (Đoàn luật sư tỉnh Long An), điều khoản "bao sổ - tức GCN QSDĐ" trong hợp đồng cho thuê đất giữa Amata và Tấn Đạt Phát là vô hiệu vì việc cấp GCN QSDĐ thuộc về cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai. Amata không có quyền cam kết sẽ có CGN QSDĐ.
Theo luật sư Thư, năm 2011 Công ty Tấn Đạt Phát được UBND tỉnh Đồng Nai cấp GCN QSDĐ theo quy định của Luật đất đai 2003.
Tuy nhiên, năm 2015 Sở TN&MT tỉnh Đồng Nai căn cứ vào Luật đất đai năm 2013 để thu hồi GCN QSDĐ là không phù hợp vì luật không có giá trị hồi tố. Theo quy định hiện hành, nếu có tranh chấp, Tòa án sẽ hủy bỏ quyết định trái pháp luật của cơ quan quản lý mà không căn cứ vào thời hiệu.
Luật sư Hoàng Tư Lượng (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng nguồn gốc thửa đất này, ngày 27-4-2011, Sở TN&MT đã cấp GCN QSDĐ cho Amata. Theo điều 106 Luật đất đai 2003, Amata có quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại …
Sau khi Amata cho Tấn Đạt Phát thuê lại thửa đất trên và thực tế công ty này đã sử dụng được 4 năm, thì sở TN&MT lại đưa ra lý do Amata sử dụng đất thuê trả tiền hàng năm thì không được thực hiện quyền cho thuê lại.
Theo quy định của luật đất đai, thẩm quyền cấp GCN QSDĐ cho tổ chức là UBND cấp tỉnh. Nhưng khi chưa có kết luận của cơ quan thanh tra cùng cấp, chưa có phán quyết có hiệu lực của toà án thì sở TN&MT lại tự mình thu hồi GCN đã được UBND tỉnh Đồng Nai cấp là trái thẩm quyền.
Theo một chuyên gia tố tụng tại TP.HCM, trước khi thu hồi Sở TN&MT không có kết luận thanh tra và không có văn bản thông báo cho người sử dụng đất biết trước 30 ngày ra quyết định thu hồi GCN nên việc thu hồi này không đúng trình tự, thủ tục theo quy định tại khoản 4 Điều 87, Nghị định 43/2014/NĐ-CP.