Cán bộ ngân hàng đã giúp sức trong vụ chuyển 30.000 tỷ ra nước ngoài ra sao?
Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) TP Hà Nội vừa hoàn tất cáo trạng truy tố 13 bị can trong vụ án vận chuyển trái phép hơn 30.000 tỷ đồng qua biên giới. Cụ thể, VKSND truy tố Nguyễn Thị Nguyệt (37 tuổi, trú ở quận Tây Hồ, Hà Nội) cùng 12 đồng phạm về tội Vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới, theo Người lao động.
Theo cáo trạng, từ năm 2016 đến năm 2020, Nguyễn Thị Nguyệt cấu kết cùng Phạm Hữu Thuật (sinh năm 1981, ở Quảng Ninh) và các bị can khác hợp thức hồ sơ tạm nhập, tái xuất để nhiều lần chuyển trái phép hàng hoá và tiền ra nước ngoài.
Thuật đã mở 49 tờ khai tạm nhập tái xuất hàng hóa với tổng giá trị hàng hóa nhập khẩu là hơn 52,3 triệu USD, tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu là hơn 52,3 triệu USD. Sau đó sử dụng pháp nhân là Công ty Đại Phát để thanh toán quốc tế 48/49 hợp đồng tại ba ngân hàng, chuyển số ngoại tệ ra nước ngoài tương ứng số tiền hơn 2.513 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Thuật còn sử dụng pháp nhân Công ty TNHH MTV Thương mại và Du lịch Xuất nhập khẩu BDA (công ty do Thuật nhờ người đứng tên thành lập) để hợp thức hợp đồng tạm nhập, tái xuất là IC điện tử làm hồ sơ thanh toán quốc tế, nhằm chuyển tiền trái phép từ Việt Nam ra nước ngoài.
Theo sự thỏa thuận giữa các đối tượng, Thuật sẽ chịu trách nhiệm làm thủ tục tái xuất hàng hóa sang Trung Quốc qua cửa khẩu Móng Cái. Mỗi lượt, đối tượng được hưởng lợi 10 triệu đồng. Bằng thủ đoạn trên, Thuật và Nguyệt đã chuyển hơn 3.875 tỷ đồng ra nước ngoài và hưởng lợi 152 triệu đồng.
Cơ quan tố tụng xác định Nguyệt đã chuyển trái phép ra nước ngoài hơn 30.498 tỷ đồng, thu lợi bất chính hơn 30,4 tỷ đồng. Tại cơ quan điều tra, đối tượng cho biết số tiền hưởng lợi được chi trả cho hoạt động công ty, mua hàng, vận chuyển hàng hóa và chi tiêu cá nhân hết.
Ngoài ra, theo hồ sơ vụ án, vợ chồng Nguyệt đã liên hệ với các ngân hàng ở Quảng Ninh, Lào Cai để chuyển tiền dưới hình thức thanh toán quốc tế.
Các nhân viên ngân hàng thuộc chi nhánh Móng Cái bị cáo buộc liên quan hành vi của các bị can gồm: Phạm Thị Minh Ngân (Ngân hàng TMCP Quân Đội - MB Bank), Hoàng Thị Phương Anh và Nguyễn Thu Hoa (Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín - Sacombank)...
Tại MB Móng Cái, VKSND Hà Nội xác định nhân viên Phạm Thị Minh Ngân được giao thực hiện thanh toán quốc tế cho 6 công ty do Nguyệt thành lập. Cục Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng đã khởi tố bị can đối với Phạm Thị Minh Ngân về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Còn tại Sacombank Móng Cái, Nguyễn Thị Nguyệt và các bị can đã nhiều lần chuyển hồ sơ thanh toán quốc tế của 4 công ty tại chi nhánh, hai nhân viên là Hoàng Thị Phương Anh và Nguyễn Thu Hoa đã tiếp nhận. VKSND xác định bà Nguyệt nhiều lần bồi dưỡng cho hai nhân viên này khoảng 80 triệu đồng.
Đến năm 2018, nghi ngờ việc chuyển tiền cho Công ty Hải Bối của bà Nguyệt là trái phép nên các cá nhân nêu trên và ngân hàng Sacombank đã dừng giao dịch, không thực hiện thanh toán quốc tế cho bà Nguyệt nữa.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/