|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Cải cách nhiều quy định pháp luật thúc đẩy thị trường BĐS Việt Nam giàu sức sống hơn

07:39 | 06/03/2017
Chia sẻ
Đó là nhận định của GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, về kết quả 8/30 quy định pháp luật do doanh nghiệp bình chọn tốt nhất thuộc về lĩnh vực BĐS được Phòng Thương mại và Công nghiệp (VCCI) công bố mới đây.

Liên quan đến thông tin VCCI công bố kết quả cuộc bình chọn những quy định pháp luật tốt và chưa tốt năm 2016, trong đó lĩnh vực BĐS chiếm 8/30 quy định pháp luật được bình chọn tốt, nhiều chuyên gia cho rằng đây những tín hiệu tốt thể hiện vai trò sát sao của các cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này, cụ thể là Bộ Xây dựng và các tổ chức chính trị xã hội liên quan, hướng tới mục tiêu kiến tạo, phục vụ mà Chính phủ đã đề ra và đang quyết liệt thực hiện.

Đồng ý với quan điểm này, GS. Đặng Hùng Võ - Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng kết quả bình chọn của đại diện các doanh nghiệp thể hiện sự phản hồi của thị trường về cách nhìn nhận trong việc xây dựng khung pháp luật của các cơ quan quản lý Nhà nước. Điều này chứng tỏ rằng Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh BĐS cũng như các Nghị định hướng dẫn thi hành thời gian qua đã hướng tới thị trường nhiều hơn, hướng tới tính chặt chẽ, tính bảo đảm trong công tác quản lý của Nhà nước.

“Chúng ta đã bỏ qua được nhiều yếu tố nặng nề trong quản lý để mở rộng thị trường, mở rộng phạm vi họat động của doanh nghiệp. Tôi cho rằng, kết quả bình chọn của doanh nghiệp là hoàn toàn đúng bởi vì đúng là Luật Kinh doanh BĐS và Luật Nhà vừa rồi đã 'thoát' được khá nhiều những quy định cũ mang tính can thiệp hành chính vào thị trường” - GS. Đặng Hùng Võ nhận định.

cai cach nhieu quy dinh phap luat thuc day thi truong bds viet nam giau suc song hon
GS. Đặng Hùng Võ - Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường

Một trong số đó phải kể đến quy định trước đây buộc các giao dịch BĐS phải trên sàn, đây được nhận định là một hình thức can thiệp bằng quyết định hành chính có phần “thô bạo” vào thị trường BĐS. Việc bỏ quy định này được lựa chọn vàp danh sách hững quy định tốt nhất là ví dụ điển hình thể hiện sự hưởng ứng của các doanh nghiệp với các quy định của Nhà nước.

Bên cạnh đó việc mở rộng cho phép người nước ngoài có quyền sở hữu nhà ở như công dân Việt Nam (Điều 161.2.a, Luật Nhà ở 2014) được đánh giá là động thái giúp tăng quyền và nghĩa vụ cho tổ chức, cá nhân người nước ngoài trong hoạt động kinh doanh BĐS ở Việt Nam và làm cho quyền và lợi ích của những người tham gia vào thị trường BĐS rộng hơn, tốt hơn. Nghĩa là có lợi cho những người đang tham gia kinh doanh, giao dịch BĐS ở thị trường Việt Nam.

Theo GS. Đặng Hùng Võ, dù thời gian này thị trường có thể chứng kiến một thực tế rằng lượng giao dịch của người nước ngoài chưa nhiều, nhưng phải thừa nhận rằng lượng FDI “đẩy vào” khu vực BĐS đã tăng lên rất nhanh, hiện chiếm vị trí thứ 2 trong nhóm các ngành nghề lĩnh vực thu hút FDI

Bên cạnh đó, hiện nay đã có rất nhiều nhà đầu tư ngoại, đặc biệt là từ các vùng có thị trường BĐS chật hẹp như Singapore, HongKong, Nhật Bản, Đài Loan… đang chuẩn bị và đã thực sự tham gia vào thị trường BĐS.

“Thực tế này đã cho thấy rằng thị trường BĐS Việt Nam đang ngày càng có sức sống tốt hơn, mở rộng hơn, người nước ngoài được tham gia với quyền và nghĩa vụ cao hơn. Và nếu vậy nghĩa là chúng ta có thể động viên một lượng vốn ngoại lớn đổ vào thị trường BĐS Việt Nam. Không chỉ dưới hình thức là dự án mà còn dưới hình thức mua các BĐS đơn lẻ và đưa vào kinh doanh dưới góc độ cá nhân người nước ngoài” – GS. Đặng Hùng Võ đánh giá.

Những kết quả này cho thấy có một thực tế không thể phủ nhận rằng vai trò của việc các quy định trong Luật Nhà ở 2014 đã góp phần tích cực vào công cuộc mang lại những thành quả tích cực cho thị trường BĐS Việt Nam như hiện nay.

Kết quả 30 quy định pháp luật được bình chọn tốt nhất được VCCI công bố cũng bao gồm "Luật Nhà ở số 65/2014/QH13 ngày 25/11/2014 mở rộng đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội và người thu nhập thấp, hộ nghèo, hộ gia đình, cá nhân thuộc diện bị thu hồi đất và phải giải toả, người thu nhập thấp được hỗ trợ mua nhà ở xã hội", điều này cho thấy các doanh nghiệp đưa ra lựa chọn không phải chỉ thiên về quyền lợi của họ khi lựa chọn các điều luật tốt nhất mà còn đứng trên lập trường những người được thụ hưởng chính sách về NƠXH.

Trước đây, góc nhìn của Luật Nhà ở 2005 chỉ đưa ra các giải pháp để quản lý dự án phát triển NƠXH nhưng Luật Nhà ở 2014 đã nhìn nhận vấn đề này theo hướng chính sách về NƠXH. Chính sách này bao gồm cả các dự án do Nhà nước quản lý và cả những người được thụ hưởng chính sách, những hộ gia đình cá nhân đơn lẻ không nằm trong dự án vẫn được thụ hưởng chính sách về NƠXH.

Bên cạnh đó, việc Luật Đất đai năm 2013 nâng thời hạn giao đất nông nghiệp từ 20 năm lên 50 năm sẽ có tác động tích cực tới thị trường BĐS nông nghiệp, có thể giúp thị trường này có khả năng sôi động hơn.

GS. Đặng Hùng Võ cho rằng các doanh nghiệp đã bình chọn rất chính xác, đúng, tốt và chỉ ra được những điểm đổi mới quan trọng của Luật Kinh doanh BĐS 2014 và Luật Nhà ở 2014 trong quá trình hình thành đưa ra những chính sách mới mở rộng hơn những chính sách cũ rất nhiều

Cũng nêu quan điểm về kết quả bình chọn của các doanh nghiệp, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng Chính phủ và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thể hiện rõ tinh thần và quyết tâm đổi mới, mà quan trọng nhất là việc xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ.

“Đây là thay đổi rất quan trọng, nếu trước đây người dân và doanh nghiệp là đối tượng quản lý, thì nay đã được đặt lên cao hơn, thậm chí ngang hàng với cơ quan quản lý, người dân và doanh nghiệp là đối tác phát triển, là khách hàng. Muốn vậy, phải xem người dân, doanh nghiệp đánh giá về các quy định thế nào”, ông Cung nhận định.

8 quy định tốt nhất thuộc lĩnh vực BĐS

- Bỏ quy định: “Tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản phải bán nhà, công trình xây dựng thông qua sàn giao dịch bất động sản.” trong Luật Kinh doanh Bất động sản.

- Điều kiện kinh doanh bất động sản có vốn pháp định được chứng minh bằng vốn điều lệ. Điều 3-5, Nghị định 76/2015/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bất động sản.

- Mở rộng cho phép người nước ngoài quyền sở hữu nhà ở như công dân Việt Nam. Điều 161.2.a, Luật Nhà ở 2014.

- Điều 11.3(a) Luật Kinh doanh bất động sản. Cho phép doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài mua, thuê, thuê mua nhà, công trình xây dựng làm văn phòng, cơ sở sản xuất, kinh doanh.

- Luật Nhà ở số 65/2014/QH13 ngày 25/11/2014 mở rộng đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội và người thu nhập thấp, hộ nghèo, hộ gia đình, cá nhân thuộc diện bị thu hồi đất và phải giải toả, người thu nhập thấp được hỗ trợ mua nhà ở xã hội.

- Điều 54-59, Luật Kinh doanh bất động sản 2014 Mở rộng việc cho phép các chủ đầu tư dự án được cho thuê, cho thuê mua BĐS hình thành trong tương lai.

- Điểm e, Khoản 1, Điều 89, Luật Xây Dựng số 50/2014/QH13, Miễn giấy phép xây dựng Nhà ở thuộc dự án phát triển đô thị, dự án phát triển nhà ở có quy mô dưới 7 tầng và tổng diện tích sàn dưới 500 m2 có quy hoạch chi tiết 1/500 đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;

- Điều 126 và 127, Luật Đất đai năm 2013. Nâng thời hạn giao đất nông nghiệp từ 20 năm lên 50 năm.

Yên Trung