|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Cách nào kiểm soát lạm phát năm 2020?

06:46 | 03/03/2020
Chia sẻ
Dù Quốc hội đặt mục tiêu lạm phát năm 2020 dưới 4% nhưng mới 2 tháng đầu năm, lạm phát cơ bản lên tới 3,1%. Trong khi đó, nền kinh tế dự báo gặp nhiều khó khăn do dịch Covid -19, giá thịt lợn vẫn neo cao.
Cách nào kiểm soát lạm phát năm 2020? - Ảnh 1.

Giá thịt lợn gây sức ép lên lạm phát năm 2020 (Ảnh minh họa)

Tổng cục Thống kê vừa công bố, lạm phát cơ bản bình quân 2 tháng đầu năm 2020 tăng 3,1% so với bình quân cùng kỳ năm 2019. Đây là mức tăng cao kỷ lục so với cùng kỳ của 3 năm qua. Đặc biệt, chỉ số giá tiêu dùng tháng 2 (CPI) đạt mức cao nhất trong vòng 7 năm trở lại đây.

“Để đạt được mục tiêu tăng giá tiêu dùng bình quân dưới 4% trong năm 2020, công tác quản lý, điều hành giá, kiểm soát lạm phát năm 2020 cần tiếp tục thực hiện một cách thận trọng, linh hoạt và chủ động”.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long

Giá thịt lợn gây sức ép

Đánh giá về nguyên nhân khiến lạm phát tăng cao, bà Đỗ Thị Ngọc (Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê) cho biết, nguyên nhân chính đến từ việc giá thịt lợn giữ ở mức cao so với các năm trước. Cùng kỳ năm 2019, trung bình giá thịt lợn ở mức 100.000 đồng/kg nhưng năm nay lên tới 170.000 đồng/kg.

Trước đó, cú sốc giá thịt lợn tăng hơn 50% trong quý 4/2019 khiến triển vọng kiềm chế lạm phát dưới 4% trong năm 2020 không còn chắc chắn. 

Theo TS Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Kinh tế - Tài chính, lạm phát năm 2020 phụ thuộc chủ yếu vào tốc độ giảm giá thịt lợn trong thời gian tới. Theo ông Độ, trường hợp xấu nhất, dịch  tả lợn châu Phi chưa thể kết thúc trong nửa đầu năm 2020 và lạm phát so với cùng kỳ năm trước chỉ bắt đầu giảm từ giữa năm 2020. 

Điều này khiến việc kiểm soát lạm phát dưới 4% là tương đối khó khăn. Bởi lẽ, lạm phát cơ bản đã tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ các năm trước. (Lạm phát cơ bản là sự thay đổi trong chi phí của hàng hóa và dịch vụ nhưng không bao gồm những chi phí từ các ngành thực phẩm và năng lượng do giá của chúng thường xuyên biến động-PV).

Ngày 2/3, theo khảo sát của Tiền Phong tại các chợ dân sinh, chợ truyền thống của Hà Nội, giá thịt lợn vẫn neo giữ ở mức cao, từ 150.000 đồng - 180.000 đồng/kg (tùy từng loại thịt). Trong khi đó, giá thịt lợn hơi tại các tỉnh như Hưng Yên, Nam Định, Vĩnh Phúc, Phú Thọ có dấu hiệu tăng 2.000 - 4.000 đồng, lên mức giá 86.000 đồng/kg, cao hơn 1 tuần trước khoảng 10.000 đồng.

Bên cạnh tác động của giá thịt lợn, một nguyên nhân khác khiến CPI tăng cao là do dịch Covid-19 bùng phát từ cuối tháng 1/2020 làm nhóm thuốc các loại tăng 0,18%.

Cần điều hành linh hoạt các chính sách

Theo đánh giá của Bộ KH&ĐT, dịch Covid -19 có thể làm tăng giá thuốc y tế, giá điện sinh hoạt. Theo kịch bản 1, dịch bệnh được kiểm soát trong quý 1/2020, chỉ số CPI năm 2020 tăng 3,96% so năm 2019 và theo kịch bản thứ 2 tăng 4,86% (dịch Covid- 19 được kiểm soát trong quý 2/2020).

Để đạt mục tiêu lạm phát đã đề ra, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Thống kê kiến nghị, Chính phủ cần theo dõi sát diễn biến giá cả và có các giải pháp về kiểm soát các dịch bệnh để ổn định nguồn cung thực phẩm, hạn chế tăng giá các mặt hàng này. 

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều hành giữ ổn định lãi suất và tỷ giá, giữ mức lạm phát cơ bản trong khoảng 2 - 2,5%. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền và kiểm soát thông tin mạng để hạn chế thông tin không đúng gây nên lạm phát kỳ vọng.

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm 2020 chịu nhiều áp lực hiện hữu từ tác động của dịch tả lợn châu Phi, dịch Covid -19. Các bộ, ngành và địa phương chưa chủ động kiểm soát, phối hợp chặt chẽ với nhau trong điều hành giá cả các mặt hàng.

“Để đạt được mục tiêu tăng giá tiêu dùng bình quân dưới 4% trong năm 2020, công tác quản lý, điều hành giá, kiểm soát lạm phát năm 2020 cần tiếp tục thực hiện một cách thận trọng, linh hoạt và chủ động.

Tiếp tục theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu để kịp thời đề xuất các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu nhằm bình ổn giá cả thị trường, nhất là trong các dịp lễ, Tết hoặc các thời điểm xảy ra thiên tai, bão lũ. Kiểm soát chặt chẽ yếu tố hình thành giá đối với các mặt hàng bình ổn giá, mặt hàng thuộc danh mục kê khai giá”, ông Long kiến nghị.

Tại cuộc họp vừa diễn ra cuối tháng 2/2020, Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia khẳng định, tiếp tục thực hiện nhất quán mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, tạo nền tảng cho phát triển bền vững.


Quỳnh Nga

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.