|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Các tỷ phú Thái Lan tìm cách chen chân vào thị trường cửa hàng tiện lợi

08:06 | 06/10/2023
Chia sẻ
Các nỗ lực tăng cường sự hiện diện trên thị trường cửa hàng tiện lợi Thái Lan được dự báo sẽ vấp phải khó khăn khi vị trí thống trị của 7-Eleven đã quá lớn.

Bloomberg News đưa tin, một số tỷ phú giàu nhất Thái Lan đang tìm cách tham gia vào lĩnh vực cửa hàng tiện lợi. Họ tin rằng thói quen tiêu dùng của khách hàng thay đổi khi mua ít hơn nhưng ghé cửa hàng thường xuyên hơn sẽ thúc đẩy tăng trưởng của thị trường này trong thời gian tới.

Dẫn đầu cuộc đua là người giàu nhất Thái Lan, tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi. Ông trùm ngành đồ uống có cồn, với giá trị tài sản ròng khoảng 11,5 tỷ USD, đang lên kế hoạch đẩy mạnh để đưa 30.000 cửa hàng tạp hóa nhỏ lẻ áp dụng mô hình kinh doanh 'donjai' của mình vào năm 2027.

Mô hình ‘donjai' đó là công ty con Berli Jucker của ông Sirivadhanabhakdi sẽ cung cấp dịch vụ hậu cần, tiếp thị và quản lý dữ liệu để đổi lấy việc cửa hàng tạp hoá cam kết nhập một lượng hàng tồn kho tối thiểu từ Big C Retail và Thai Beverage. Về cơ bản, việc này sẽ biến các cửa hàng tạp hoá truyền thống thành cửa hàng tiện lợi.

 Một cửa hàngBig C outlet tại Bangkok. (Ảnh: Brent Lewin/Bloomberg).

Những người khác cũng đang tìm cách gia tăng sự hiện diện trong lĩnh vực này như ông trùm ngành vận tải Keeree Kanjanapas và gia tộc Chirathivat. Đây đều là những người những người đang sở hữu hàng trăm cửa hàng bách hoá và trung tâm thương mại.

Bất kỳ ai muốn chen chân vào lĩnh vực này đều sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ “ông vua” hiện tại của ngành tiện lợi Thái Lan: CP All. Công ty này được ví là viên ngọc quý trong khối tài sản 28 tỷ USD của gia tộc Chearavanont. CP All đang điều hành hơn 14.000 cửa hàng 7-Eleven, tức chiếm gần 3/4 tổng số cửa hàng tiện lợi tại Thái Lan, theo CBRE. 

Động thái các tỷ phú đổ xô vào thị trường này xuất phát từ việc tân Thủ tướng Srettha Thavisin triển khai chương trình trị giá 15 tỷ USD để thúc đẩy nền kinh tế đang suy thoái. Đặt cược vào việc du lịch phục hồi cũng củng cố niềm tin tăng trưởng cho cửa hàng tiện lợi.

Cốt lõi vấn đề là sự phổ biến ngày càng tăng của các cửa hàng tiện lợi. Chúng mọc lên hầu hết ở mọi góc phố tại Bangkok cũng như các thành phố lớn khác, cung cấp dịch vụ cho mọi thứ, từ những bữa ăn sẵn đến nhu yếu phẩm hàng ngày và thanh toán hóa đơn.

Theo Euromonitor International, thị trường cửa hàng tiện lợi dự kiến tăng trưởng 5,4% trong năm nay sau mức tăng trưởng 18% năm ngoái - vốn được thúc đẩy bởi việc nới lỏng các hạn chế sau COVID.

Trong giai đoạn 2025, tăng trưởng hàng năm ước đạt 5,5% với 2/3 doanh thu tại các cửa hàng tiện lợi đến từ thực phẩm và đồ uống, theo Bank of Ayudhya.

Ông Varorith Chirachon, Giám đốc điều hành tại SCB Asset Management - một công ty quản lý tài sản trong đó bao gồm cổ phiếu của CP All và Central Retail, cho biết: “Chúng tôi rất lạc quan về ngành bán lẻ khi chính phủ mới có động thái mạnh mẽ với chi tiêu lớn để thúc đẩy tiêu dùng và nền kinh tế. Nhiều nhà đầu tư mới đang cố gắng giành được một phần thị trường đầy tiềm năng này trước khi quá muộn”.

 Một cửa hàng7-Eleven tại Bangkok. (Ảnh: Andre Malerba/Bloomberg).

Một số nỗ lực để giành lấy một phần "chiếc bánh" đang gặp phải khó khăn.

Mặc dù tỷ phú Charoen đã thành công ban đầu trong việc tăng quy mô cửa hàng tạp hóa nhỏ lẻ khi đã có thêm 1.400 cửa hàng trong quý II - nâng tổng số lên 2.600 điểm bán, nhưng đợt IPO được lên kế hoạch của Big C Retail, dự kiến ​​huy động 1 tỷ USD, đã bị hoãn lại vào tháng 8. 

Công ty cho biết kế hoạch IPO sẽ được nối lại khi môi trường đầu tư cải thiện.

Trong khi đó, gia tộc Chirathivat đang cải tổ chiến lược cửa hàng tiện lợi của họ sau khi đại dịch gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh ở các điểm du lịch trọng điểm. Tập đoàn này vốn đã có chỗ đứng trong phân khúc cửa hàng tiện lợi với tư cách là nhà nhượng quyền thương hiệu FamilyMart của Nhật Bản. Tuy nhiên, số lượng FamilyMart đã giảm từ 900 vào năm 2020 xuống còn khoảng 400 cửa hàng trong năm nay.

Tháng 8, Central Retail cho biết họ sẽ loại bỏ hoàn toàn tên FamilyMart và chuyển sang Tops Daily để hỗ trợ cho các nỗ lực xây dựng thương hiệu của mình. Công ty hiện đã có gần 300 cửa hàng Tops, gồm cả cửa hàng tiện lợi và siêu thị.

 Cửa hàng FamilyMart tại Koh Samui, Thái Lan. (Ảnh: Brent Lewin/Bloomberg).

Nhưng bất kể thương hiệu nào, mọi tham vọng của họ đều phải cạnh tranh với kế hoạch của CP All nhằm củng cố vị thế thống trị vốn đã quá lớn của mình.

CP All đang tìm cách mở rộng mạng lưới cửa hàng dựa trên kỳ vọng sẽ có sự phục hồi trong chi tiêu của người tiêu dùng và khách du lịch nước ngoài từ mức thấp của đại dịch, theo bà Jiraphan Thongtan, Giám đốc quan hệ nhà đầu tư. 

Bà Jiraphan cho biết trong năm nay, CP All sẽ đầu tư tối đa 13 tỷ baht cho kế hoạch mở rộng, bao gồm việc mở mới ít nhất 700 cửa hàng 7-Eleven.

Theo Bloomberg Intelligence, doanh thu cửa hàng tiện lợi của CP All đã tăng 22% trong năm ngoái lên 354 tỷ baht, với thực phẩm và đồ uống chiếm 74% doanh số. Năm nay, dự kiến CP All sẽ chứng kiến ​​doanh thu và lợi nhuận hoạt động tăng trưởng hai chữ số, khi công ty tập trung hơn vào các mặt hàng thực phẩm và phi thực phẩm cao cấp, cũng như các biện pháp kiểm soát chi phí, theo các nhà phân tích của BI.

“Cạnh tranh rất khốc liệt, chỉ những người mạnh nhất mới tồn tại,” bà Jariya Thumtrongkitkul, Giám đốc bán lẻ của CBRE Group tại Thái Lan, nói.

Đức Huy (theo Bloomberg)