|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Các thương vụ M&A bất động sản công nghiệp nổi bật năm 2024

08:18 | 30/11/2024
Chia sẻ
9 tháng đầu năm nay, M&A bất động sản công nghiệp chiếm đến 91% trên tổng giá trị giao dịch 178 triệu USD.

(Ảnh minh họa).

Theo số liệu của Cushman & Wakefield, thị trường M&A bất động sản công nghiệp diễn ra rầm rộ nhờ vào những chính sách đẩy mạnh đầu tư hạ tầng kết nối trọng điểm như hệ thống cao tốc Bắc - Nam và sân bay quốc tế Long Thành. Hệ thống luật mới được thông qua trong năm 2024 như Luật Đất đai, Luật Kinh doanh Bất động sản và các nghị định hướng dẫn kỳ vọng sẽ đơn giản hóa thủ tục pháp lý, tăng nguồn cung bất động sản công nghiệp và tạo cơ hội cho nhà đầu tư nước ngoài.

Tính đến tháng 11/2024, vốn FDI vào Việt Nam đạt 27,26 tỷ USD, tăng gần 1,9% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc và Hong Kong là những quốc gia dẫn đầu.

Thống kê của đơn vị này cho thấy, trong giai đoạn 2020 đến 9 tháng đầu năm 2024, tổng giá trị giao dịch M&A bất động sản đạt 2,94 tỷ USD, trong đó bất động sản công nghiệp là loại hình dẫn đầu với tỷ trọng 40%.

Chỉ tính riêng 9 tháng đầu năm nay, M&A bất động sản công nghiệp chiếm đến 91% trên tổng giá trị giao dịch 178 triệu USD.

 

Đơn cử, vào tháng 5/2024, tập đoàn Tripod Technology của Đài Loan đã thuê lại 18 ha đất tại KCN Châu Đức, Bà Rịa - Vũng Tàu, tổng vốn đăng ký 250 triệu USD, nhằm xây dựng nhà máy sản xuất các loại mạch điện tử và bảng mạch điện tử.

Tại Bắc Ninh, tập đoàn Đài Loan Johnson Health Tech cũng đã đăng ký dự án đầu tư với tổng vốn 100 triệu USD vào Khu công nghiệp Thuận Thành 1, nhằm xây dựng nhà máy sản xuất thiết bị thể dục thể thao.

Trước đó vào tháng 3/2024, quỹ đầu tư của Singapore là Mapletree Logistics Trust đã chi 68,4 triệu SGD (hơn 50 triệu USD) mua lại 2 nhà kho hạng A tại Bình Dương và Hưng Yên, có vị trí chiến lược giáp ranh TP HCM và Hà Nội.

Ngoài các loại hình bất động sản công nghiệp truyền thống như trên, thị trường còn đang chứng kiến các loại hình mới nổi nằm bên trong khu công nghiệp.

Hồi tháng 5/2024, VNG Corporation và ST Telemedia Global Data Centres công bố hợp tác về xây dựng và vận hành các dự án trung tâm dữ liệu theo tiêu chuẩn quốc tế tại TP HCM. Tháng 7/2024, Daiwa House Logistics Trust đã hoàn tất việc mua lại dự án D Project Tan Duc 2 tại tỉnh Long An với mức giá là 26,5 triệu USD, đánh dấu cột mốc lần đầu tiên quỹ tín thác này sở hữu bất động sản tại Việt Nam...

 

Bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam đánh giá, M&A bất động sản công nghiệp mang lại nhiều lợi ích cho thị trường.

Thứ nhất, M&A giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn mới, tăng cường tiềm lực tài chính và mở rộng cơ hội đầu tư. Hơn nữa, M&A giúp doanh nghiệp nhanh chóng mở rộng quy mô hoạt động và gia tăng thị phần. Đồng thời thúc đẩy phát triển bất động sản theo tiêu chuẩn cao hơn về kỹ thuật, chất lượng và môi trường. Cuối cùng, M&A giúp doanh nghiệp học hỏi kinh nghiệm và xu hướng từ các chủ đầu tư uy tín trên thế giới. 

Trong một thương vụ, cả bên mua và bên bán đều đặt ra những mục tiêu và tiêu chí quan trọng trước khi tiến hành giao dịch. Đối với bên mua là các nhà đầu tư định chế (institutional investors), họ quan tâm đến các tiêu chí như dự án có pháp lý rõ ràng, vị trí thuận lợi, nằm trong các khu công nghiệp tại các thủ phủ công nghiệp hiện hữu và mới nổi như Quảng Ninh, Hải Dương, Vĩnh Phúc.

Bên mua cũng kỳ vọng mức giá hợp lý, phù hợp với định giá thị trường và điều kiện hiện tại. Chất lượng tài sản cũng là yếu tố quan trọng, với sự ưu tiên cho các nhà xưởng xây sẵn hạng hiện đại và nhà kho xây sẵn hạng A để thu hút khách thuê chất lượng cao và đạt mức giá thuê tốt hơn.

Đối với bên bán, nhà đầu tư quan tâm đến việc đối tác có tiềm lực tài chính mạnh và khả năng hợp tác lâu dài hay không. Sản phẩm của họ cần đáp ứng các tiêu chí của bên mua, có vị trí thuận lợi trong khu công nghiệp và kết nối tốt với cảng biển, sân bay. Ngoài ra, các thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ và châu Âu hiện đang yêu cầu các sản phẩm công nghiệp đạt tiêu chuẩn công trình xanh. Do đó, bên bán cần chuẩn bị tài sản để đáp ứng các tiêu chuẩn này và được cấp các chứng chỉ công trình xanh.

Tuy nhiên, theo bà Trang, M&A bất động sản công nghiệp cũng còn đối mặt với nhiều thách thức. Đối với nhà đầu tư nước ngoài, khó khăn chủ yếu nằm ở pháp lý, thủ tục hành chính và khả năng tiếp cận bất động sản tốt. Việc tìm kiếm cơ hội tốt và có dòng thu nhập ổn định cũng là trở ngại lớn. Thêm vào đó, hầu hết bất động sản chào bán không được công bố rộng rãi, làm hạn chế khả năng tiếp cận tài sản tốt.

Định giá chính xác tài sản cũng là một thách thức lớn, vì định giá sai có thể dẫn đến quyết định không chính xác và gây tổn thất. Do đó, việc định giá thường do các đơn vị quốc tế uy tín đảm nhiệm. Ngoài ra, đảm bảo hoạt động hậu M&A cũng là thách thức không nhỏ, đòi hỏi sự hòa hợp về quy trình, hệ thống và văn hóa doanh nghiệp.

Công Tâm