Các nhà sản xuất thịt heo Trung Quốc hưởng lợi khi dịch ASF khiến nguồn cung thắt chặt
Trung Quốc đang chống lại sự lây lan nhanh nhất thế giới của dịch tả heo châu Phi (ASF), một bệnh ở heo đã được xác nhận tại 28 tỉnh và khu vực.
Cổ phiếu của các công ty chăn nuôi gia súc đã giảm vào đầu đợt bùng phát của dịch bệnh, trong tháng 8 và tháng 9. Tuy nhiên, giá cổ phiếu đã tăng trở lại kể từ tháng 11, mặc dù dịch bệnh vẫn bùng phát và lệnh hạn chế vận chuyển tại các khu vực nhiễm bệnh tác động tới giá, làm giảm lợi nhuận của hầu hết các nhà sản xuất.
Theo Reuters, giá cổ phiếu của công ty Muyuan Foods, nhà sản xuất lớn thứ hai của Trung Quốc, đã tăng gấp đôi trong 6 tháng qua. Cổ phiếu của nhà sản xuất lớn thứ 4 Trung Quốc, Jiangxi Zhengbang Technology, đã tăng hơn 200%, trong khi công ty Tech-bank Food ghi nhận tăng trưởng nhanh chóng ở mức 143%.
Mặc dù các công ty niềm yết trên sàn giao dịch vẫn chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng sản lượng hàng năm là 700 triệu con heo của Trung Quốc, họ đã tăng trưởng một cách nhanh chóng khi Bắc Kinh khuyến khích các phương pháp chăn nuôi hiện đại. Muyuan đã sản xuất 11 triệu con trong năm ngoái.
Giá cổ phiếu tăng trong bối cảnh hầu hết các công ty dự báo doanh thu giảm trong năm ngoái. Trong báo cáo sơ bộ, Muyuan cho biết lợi nhuận ròng của công ty giảm 78% xuống 520,2 triệu nhân dân tệ (tương đương 77,7 triệu USD), sau khi giá giảm một phần vì dịch ASF.
Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích nhận định giá heo hơi đã chạm đáy và có thể tăng từ mức hiện tại là 12 nhân dân tệ/kg lên tới 20 nhân dân tệ trong nửa sau 2019, khi nguồn cung giảm và người chăn nuôi đối mặt với thách thức trong việc tái đàn.
"Giá có thể tăng cao một cách nhanh chóng", ông Xiong Kuan, chuyên gia phân tích tại Cofo Futures, người dự báo nguồn cung đã giảm 20%. Các chuyên gia khác cho biết nguồn cung có thể giảm tới 30%.
Ảnh: Reuters.
Sự lộn ngược dòng ngoạn mục
Các công ty chăn nuôi lớn với trang trại hiện đại chi phí thấp, có khả năng phòng bệnh tốt hơn, được dự báo sẽ thu về lợi nhuận cao.
Họ cũng sẽ giành được hỗ trợ từ chính phủ, vốn đang lo ngại về nguồn cung.
Trung Quốc tiêu thụ một nửa lượng thịt heo của thế giới, loại thịt phổ biến nhất của quốc gia châu Á, nhưng hầu hết sản lượng đến từ hàng triệu hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, những trang trại có rủi ro lớn nhất với dịch bệnh.
"Chính phủ thấy rất rõ, trong tất cả trường hợp nhiễm dịch ASF, chưa đến 20% xảy ra tại các trang trại lớn. Họ đang khuyên khích trang trại chăn nuôi lớn với những biện pháp an toàn sinh học tốt mở rộng sản xuất", ông Feng Yonghui, chuyên gia kinh tế trưởng tại Soozhu.com cho biết.
Tháng trước, Bộ nông nghiệp Trung Quốc đã thúc giục người chăn nuôi nhanh chóng tái đàn vì lo ngại gia tăng về việc giá sẽ leo thang nhanh chóng trong nửa cuối năm nay.
Trong tuần trước, Bắc Kinh công bố một bản dự thảo nhằm giải quyết dịch bệnh và tăng nguồn cung. Chính quyền Bắc Kinh kêu gọi đẩy mạnh các trang trại chất lượng cao tại khu vực phía nam, vốn đang cần tăng nguồn cung và hỗ trợ những nhà chế biến qui mô lớn trên cả nước.
Nhiều công ty chăn nuôi lớn đã tiếp tục mở rộng, nhằm thu về lợi nhuận khổng lồ trong tương lai. Nhà sản xuất lớn thứ 10 Trung Quốc, New Hope Liuhe, đã sản xuất 2,5 triệu con heo trong năm 2018, tăng 50% so với năm trước.
Muyuan đã dùng 5 tỉ nhân dân tệ trong phân bổ nguồn vốn hồi tháng 12 để thêm các trang trại sản xuất 4,8 triệu con heo.
Sự mở rộng sản xuất sẽ giúp thị trường có nguồn cung ổn định và cho phép công ty chắn chắn nắm bắt cơ hội từ sự chuyển đổi của thị trường, đại diện Muyuan cho biết.