Các Luật Quản lí thuế và Kiểm toán nhà nước sẽ chính thức có hiệu lực từ 1/7
Luật Quản lí thuế 2019
Không còn qui định về thời hạn 10 ngày làm việc phải thực hiện đăng kí thuế, Luật quản lí thuế đã được thay đổi bổ sung với nhiều điểm mới.
Cụ thể, người nộp thuế phải thực hiện đăng kí thuế và phải được cơ quan thuế cấp mã số thuế rồi mới được bắt đầu hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Bên cạnh đó, Luật sửa đổi bổ sung cũng qui định thời hạn cấp giấy chứng nhận đăng kí thuế là 03 ngày làm việc tính từ ngày nhận đủ hồ sơ đăng kí.
Riêng với trường hợp cấp lại do bị mất, rách, nát, cháy thì trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, giảm 03 ngày làm việc so với trước đây.
Đồng thời, Luật sửa đổi Quản lí thuế cũng có những bổ sung như kéo dài thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế TNCN, luật hóa các qui định về hóa đơn điện tử và thêm trường hợp được gia hạn nộp thuế.
Luật Kiểm toán nhà nước (sửa đổi) 2019
Quốc Hội đã thông qua Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước từ cuối năm 2019, nhưng bắt đầu có hiệu lực từ 1/7/2020.
Luật Kiểm toán nhà nước sửa đổi đã qui định cụ thể, bổ sung các khái niệm về đối tượng tham gia hoạt động kiểm toán. Đồng thời bổ sung về quyền hạn, nhiệm vụ của Kiểm toán nhà nước.
Cụ thể, đối tượng tham gia hoạt động kiểm toán là những cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc quản lí, sử dụng tài chính công, tài sản công của đơn vị được kiểm toán.
Quyền hạn của Kiểm toán nhà nước cũng đã có những điểm mới như bổ sung thêm các nhiệm vụ thực hiện phòng, chống tham nhũng của Kiểm toán nhà nước theo Luật phòng chống tham nhũng; Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước theo Luật Xử lí vi phạm hành chính.
Thêm vào đó, phải tiến hành việc kiểm soát chất lượng kiểm toán nhằm bảo đảm mọi hoạt động kiểm toán đều được kiểm tra, soát xét về chất lượng, Tổng kiểm toán nhà nước qui định cụ thể về tổ chức thực hiện kiểm soát chất lượng kiểm toán.
Luật sửa đổi cũng qui định thêm về quyền hạn của đơn vị được kiểm toán, được quyền khởi kiện quyết định giải quyết khiếu nại trong hoạt động kiểm toán nhà nước theo qui định của Luật Tố tụng hành chính 2015.
Luật Bảo vệ bí mật nhà nước 2018
Được ban hành vào năm 2018, Luật Bảo vệ bí mật nhà nước (BMNN) bắt đầu có hiệu lực thi hành từ 1/7/2020.
Luật đã qui định rõ phạm vi thông tin BMNN thuộc các lĩnh vực: Giáo dục và đào tạo; Lĩnh vực y tế và dân số. Đồng thời qui định rõ về thời hạn xác định độ mật của BMNN.
Các thông tin về giáo dục và đào tạo có đề thi, đáp án và những thông tin liên quan đến tổ chức kì thi quốc gia phải được bảo mật.
Đồng thời, các vấn đề thông tin y tế và dân số, có thông tin bảo vệ sức khỏe lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước; Thông tin, tài liệu, số liệu điều tra về dân số phải hoàn toàn được giữ bí mật.
Thời hạn bảo mật thông tin BMNN được phân thành các mốc thời gian từ 10 năm đến 30 năm. Cụ thể, khoản thời gian được tính từ ngày xác định độ mật của BMNN đến hết 10 năm được gọi là thông tin mật; 20 năm được gọi là thông tin tối mật; và 30 năm được gọi là thông tin tuyệt mật.
Các trường hợp BMNN được giải mật toàn bộ hoặc một phần nếu hết thời gian bảo vệ BMNN; hoặc đáp ứng yêu cầu thực tiễn bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, phát triển kinh tế - xã hội hay không còn thuộc danh mục BMNN.
Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi 2019
Luật sửa đổi 2019 loại bỏ khái niệm họp bất thường trong hoạt động của Chính phủ, HĐND và UBND và thay bằng họp chuyên đề hoặc họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất.
Đồng thời, Quốc hội cũng đã thông qua quyết định bổ sung thêm 1 tiêu chuẩn của đại biểu HĐND là phải có một người mang quốc tịch Việt Nam. Số lượng Phó chủ tịch UBND xã loại II sẽ có không quá 2 người, được tăng thêm 1 người so với qui định trước đây.
Thêm vào đó, Luật sửa đổi cũng chỉ chấp nhận tổng số đại biểu HĐND TP Hà Nội, TP HCM được bầu chỉ là 95 đại biểu, giảm 10 đại biểu.
Ngoài ra, Luật mới còn qui định điều chỉnh giảm số lượng đại biểu HĐND và thay đổi số lượng thành viên thường trực HĐND tỉnh, huyện, xã.
Ngoài ra còn có một số Luật khác cũng bắt đầu chính thức có hiệu lực từ 1/7:
Luật Dân quân tự vệ 2019
Luật Dân quân tự vệ qui định về thành phần của dân quân tự vệ và bổ sung thêm nhiều trường hợp được tạm hoãn thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ.
Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi 2019
Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi 2019 áp dụng từ 1/7 tới đây, qui định về hợp đồng làm việc không xác định thời hạn chỉ được áp dụng với 03 đối tượng cụ thể qui định trong Điều 25 Luật viên chức sửa đổi 2019.
Đồng thời, bổ sung thêm 02 đối tượng được tuyển dụng công chức thông qua xét tuyển tại Điều 37 của Luật.
Luật Giáo dục 2019
Qui định mới về trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên đối với các cấp mầm non; Tiểu học, THCS, THPT; Học sinh, sinh viên sư phạm.
Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam sửa đổi 2019
Thị thực không được chuyển đổi mục đích, trừ các trường hợp có giấy tờ chứng minh và được cơ quan tổ chức mời, bảo lãnh vào làm việc và có giấy phép lao động hoặc xác nhận không thuộc diện cấp GPLĐ theo qui định; Sửa đổi, bổ sung thêm các ki hiệu thị thực; Luật hóa qui định về thị thực điện tử.
Luật Lực lượng dự bị động viên 2019
Qui định 4 trường hợp huy động lực lượng dự bị động viên và về tổ chức biên chế đơn vị dự bị động viên.
Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019
Từ ngày 1/7/2020, nhiều loại hộ chiếu sẽ được gắn chíp điện tử; Người từ đủ 14 tuổi trở lên có quyền lựa chọn cấp hộ chiếu có gắn chíp điện tử hoặc hộ chiếu không gắn chíp điện tử; và qui định về các loại hộ chiếu sẽ được gắn chíp điện tử.
Luật Thư viện 2019
Qui định các đối tượng được thành lập thư viện khi có đủ các điều kiện: Mục tiêu, đối tượng phục vụ xác định;Tài nguyên thông tin phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, đối tượng phục vụ của thư viện; Cơ sở vật chất, trang thiết bị bảo đảm phục vụ hoạt động thư viện; Người làm công tác thư viện có chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với hoạt động thư viện; Người đại diện theo pháp luật của thư viện có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.
Luật Kiến trúc 2019
Qui định về điều kiện để được cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc: Có trình độ từ đại học trở lên về lĩnh vực kiến trúc; Có kinh nghiệm tham gia thực hiện dịch vụ kiến trúc tối thiểu là ba năm tại tổ chức hành nghề kiến trúc hoặc hợp tác với kiến trúc sư hành nghề với tư cách cá nhân; Đạt yêu cầu sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc.