Các liên doanh khách sạn Sofitel Plaza, Norfolk, Sài Gòn Riverside... chia cho Bến Thành Group bao nhiêu tiền lợi nhuận?
Năm 2018, Tổng công ty Bến Thành (Bến Thành Group) đạt doanh thu thuần 385 tỉ đồng, tăng trưởng 62% so với năm trước đó. Hoạt động kinh doanh chính biên lợi nhuận gộp chỉ đạt 11%.
Doanh thu từ hoạt động tài chính giảm 28% chỉ còn 199 tỉ đồng, đây là nguyên nhân chính dẫn đến việc lợi nhuận sau thuế của Bến Thành Group giảm 34%, còn 166 tỉ đồng.
Cơ cấu doanh thu tài chính gồm cổ tức được chia 134 tỉ đồng trong năm, tương đương năm ngoái; lãi tiền gửi 41 tỉ đồng và hơn 24 tỉ đồng tiền lãi bán quyền mua cổ phiếu. Năm 2017 doanh thu tài chính của Bến Thành Group tăng đột biến là do công ty này ghi nhận lãi từ thanh lý các khoản đầu tư.
Bến Thành Group hiện đầu tư vào 32 công ty con, công ty liên kết hoạt động trong 4 lĩnh vực chính là dịch vụ du lịch, dịch vụ thương mại, dịch vụ bất động sản và sản xuất công nghiệp.
Ngoài ra, công ty trực tiếp quản lý 6 đơn vị gồm trung tâm đào tạo Bến Thành Group, KCN Bình Chiểu, trung tâm dịch vụ kho vận, nhà hàng Maxim's, tòa nhà 27 Nguyễn Trung Trực và trung tâm kinh doanh Sài Gòn Ô tô.
Trong lĩnh vực thương mại, Bến Thành Group đang sở hữu gần 41% vốn tại CTCP Dịch vụ Tổng hợp Sài Gòn (Savico), đơn vị chuyên phân phối xe ô tô nắm 10% thị phần cả nước. Công ty cũng nắm giữ cổ phần tại nhiều doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm tại các chợ như Bến Thành, Dân Sinh, Tân Định, Hoóc Môn… Giữ hơn 18% cổ phần Vàng bạc Đá quý Bến Thành.
Bến Thành Group cũng nổi tiếng với việc đầu tư vào nhiều dự án khách sạn, nhà hàng lớn tại TP HCM như nắm 40% khách sạn Norfolk, 35% khách sạn Sofitel Sài Gòn, 28% khách sạn Saigon Riverside, 34% khu nghỉ dưỡng Sài Gòn Mũi Né (Phan Thiết)… Hệ thống khách sạn của Bến Thành Group được quản lý bởi các tập đoàn lớn trên thế giới như Accor, Marriott, Norfolk Group, Centara.
Khách sạn Sofitel Saigon Plaza, quận 1, TP HCM
Theo số liệu từ báo cáo tài chính, trong năm qua Bến Thành Group được chia hơn 34 tỉ đồng lợi nhuận từ khách sạn Sofitel (năm trước đó lên tới 43 tỉ đồng), 6 tỉ đồng từ khách sạn Norfolk Saigon, 12,5 tỉ đồng từ khách sạn Sài Gòn Riverside, hơn 7 tỉ đồng từ khu nghỉ dưỡng Sài Gòn Mũi Né…
Trong lĩnh vực bất động sản, công ty cũng đang kinh doanh hơn 76.000 m2 văn phòng, gần 300 căn hộ hạng A, 121.000 m2 sàn thương mại và hơn 273.000 m2 hạ tầng khu công nghiệp. Một số cơ sở tiêu biểu như Somerset Chancellor Court Ho Chi Minh City, Norfolk Mansion, toà nhà văn phòng HanNam, trung tâm thương mại Savico Megamall Hà Nội, Lam Sơn Square Vũng Tàu…
Tính đến thời điểm 31/12/2018, tổng tài sản của Bến Thành Group đạt 3.237 tỉ đồng, tiền mặt và tiền gửi gần 700 tỉ đồng và 321 tỉ đồng chứng khoán đầu tư (khoản đầu tư lớn nhất vào Ngân hàng Phương Đông – OCB).
Đầu tư tài chính dài hạn vào các công ty liên doanh, liên kết 1.220 tỉ đồng và 800 tỉ đồng là chi phí xây dựng dở dang, trong đó chủ yếu là dự án cảng Cát Lái (đang vướng mắc chuyển nhượng cho Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Thiết bị Hướng Dương 55%); dự án Bến Thành Hồ Tràm hơn 33 tỉ đồng và 142 tỉ đồng dở dang dự án Bình Trung Đông khu B, C, D…