Các doanh nghiệp FDI trung bình mỗi năm nộp ngân sách hơn 190.000 tỷ đồng
Theo báo cáo kết quả tổng hợp, phân tích báo cáo tài chính của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài của Bộ Tài chính, giai đoạn 2016-2021, ngoại trừ năm 2020 giảm nhẹ so với 2019, số nộp ngân sách Nhà nước của nhóm doanh nghiệp này đều tăng đều.
Tính trung bình giai đoạn này, các doanh nghiệp FDI nộp khoảng hơn 193.000 tỷ đồng vào ngân sách.
Trong năm gần nhất có số liệu là 2021, số thu nội địa (không kể dầu thô) của khối doanh nghiệp FDI là 217.261 tỷ đồng, tăng 11.171 tỷ đồng (khoảng 5%) so với năm 2020 cho thấy số thu nội địa năm 2021 có tín hiệu tích cực hơn năm 2020.
Tuy nhiên, xét về tốc độ tăng trưởng, năm 2021 lại là năm có tốc độ tăng thấp nhất từ 2017-2021, ngoại trừ năm 2020 có tốc độ tăng trưởng âm.
Vĩnh Phúc chỉ có hơn 360 DN FDI nhưng nộp ngân sách cao thứ 2 năm 2020
TP HCM và Hà Nội là hai thành phố nhiều năm liên tiếp có số nộp NSNN của doanh nghiệp FDI cao nhất. Điều này không quá ngạc nhiên bởi đây là hai thành phố lớn thường xuyên trong nhóm hút FDI nhiều nhất. Các địa phương còn lại trong nhóm có doanh nghiệp FDI nộp ngân sách nhiều nhất cũng đều là những cái tên quen thuộc, mạnh về phát triển khu công nghiệp như Bình Dương, Đồng Nai, Bắc Ninh, Hải Phòng,...
Tuy nhiên năm 2020, có một cái tên đáng chú ý bất ngờ nằm trong nhóm này là tỉnh Vĩnh Phúc.
Theo số liệu tổng hợp từ Tổng cục Thuế và Sở Tài chính địa phương thì số nộp NSNN của 25.171 doanh nghiệp FDI có BCTC năm 2020 là 187.670 tỷ đồng, tăng 6.244 tỷ đồng (tăng 3,4%) so với năm 2019.
Trong đó, 5 địa phương có số nộp NSNN cao nhất là: TP HCM (58.509 tỷ đồng), Vĩnh Phúc (21.879 tỷ đồng), Hà Nội (21.878 tỷ đồng), Đồng Nai (15.066 tỷ đồng), Bình Dương (14.743 tỷ đồng).
Xét tổng quan giữa các địa phương có số nộp NSNN lớn nhất cả nước năm 2020 thì số lượng doanh nghiệp và quy mô tài sản của tỉnh Vĩnh Phúc có giá trị thấp nhất, tuy nhiên số nộp NSNN đứng thứ 2 cả nước.
Mặc dù số lượng DN và quy mô tổng tài sản của Hà Nội (3.987 doanh nghiệp với tổng tài sản là 1.230.028 tỷ đồng) và Vĩnh Phúc (365 doanh nghiệp với tổng tài sản là 197.616 tỷ đồng) đang có sự chênh lệch khá rõ rệt nhưng số nộp NSNN của hai địa phương gần như không có sự chênh lệch.
Điều này cho thấy các doanh nghiệp FDI ở tỉnh Vĩnh Phúc đạt hiệu quả trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và tỉnh đã có sự chọn lọc trong việc thu hút các nguồn vốn đầu tư.
Doanh nghiệp FDI ở Bắc Ninh đạt doanh thu cao nhất
Về kết quả sản xuất kinh doanh và khả năng sinh lời, năm 2021, quy mô doanh thu của doanh nghiệp FDI đạt 8.567.847 tỷ đồng, tăng 19% so với 2020, cho thấy về tổng thể khối này vẫn có sự tăng trưởng về doanh thu.
Về quy mô doanh thu, xét theo địa bàn đầu tư, mặc dù Bắc Ninh là địa phương chỉ đứng thứ 4 về số lượng doanh nghiệp có báo cáo năm 2021, đứng thứ 11 về vốn đầu tư của chủ sở hữu nhưng lại là địa phương có doanh thu lớn nhất cả nước với giá trị là 1.346.375 tỷ đồng (trong đó hai dự án Samsung Electronics và dự án Samsung Display đã chiếm 64% doanh thu).
Tiếp theo đó là TP HCM (1.332.185 tỷ đồng), Thái Nguyên (737.121 tỷ đồng), Đồng Nai (734.969 tỷ đồng), Bình Dương (658.977 tỷ đồng), Hải Phòng (603.100 tỷ đồng), Hà Nội (589.120 tỷ đồng),..
Doanh thu của 7 địa phương này chiếm đến 70% tổng doanh thu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có báo cáo. Trong đó, lĩnh vực Công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực có tỷ trọng doanh thu lớn nhất trong tổng doanh thu theo từng địa phương, cụ thể: Hà Nội (40%), TP HCM (30%), 5 tỉnh (Bắc Ninh, Thái Nguyên, Đồng Nai, Bình Dương, Hải Phòng) đều chiếm trên 90%.
Về tăng trưởng doanh thu, nhóm địa phương có mức tăng trưởng cao là: TP HCM tăng 225.648 tỷ đồng (20,4%), Bắc Ninh tăng 155.828 tỷ đồng (13,1%), Hải Phòng tăng 121.974 tỷ đồng (25,4%), Đồng Nai tăng 114.244 tỷ đồng (18,4%), Thái Nguyên tăng 103.547 tỷ đồng (16,3%), Bắc Giang tăng 103.182 tỷ đồng (44,1%). Ngược lại, một số địa phương có doanh thu giảm sút, bao gồm: Khánh Hòa giảm 2.004 tỷ đồng (-11,2%), Tiền Giang giảm 1.375 tỷ đồng (-2,4%), Ninh Bình giảm 1.299 tỷ đồng (-3,5%),...