|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Địa phương nào sẽ dành nhiều đất đầu tư hạ tầng giao thông giai đoạn tới?

16:41 | 17/02/2023
Chia sẻ
Quảng Ninh có kế hoạch dành đất phát triển hạ tầng giao thông nhiều hơn cả so với Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Phòng và Bà Rịa - Vũng Tàu.

Quảng Ninh vượt trội hơn hẳn về kế hoạch dành đất phát triển giao thông

Theo Quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, hiện trạng sử dụng đất giao thông ở tỉnh này (tính đến năm 2020) là 14.303 ha, chiếm 62,83% diện tích đất phát triển hạ tầng. Quy hoạch đến năm 2030, dự kiến đất dành cho giao thông ở Bắc Giang tăng lên 20.397 ha.

Lấy một tỉnh có nhiều điểm tương đồng với Bắc Giang để so sánh là Bắc Ninh, theo hồ sơ dự thảo quy hoạch của Bắc Ninh, hiện trạng sử dụng đất giao thông năm 2020 của tỉnh là 8.354 ha, quy hoạch đến năm 2030 là 10.368 ha.

Trong khi đó Quảng Ninh hiện có 15.102 ha đất giao thông và sẽ tăng lên 25.845 ha vào năm 2030. Thành phố Hải Phòng tiếp giáp với tỉnh Quảng Ninh hiện có 10.503 ha đất giao thông, quy hoạch đến năm 2030 tăng lên 12.558 ha.

Ở phía Nam, một tỉnh có thế mạnh về cảng biển tương tự Hải Phòng là Bà Rịa - Vũng Tàu hiện có 8.983 ha đất giao thông và sẽ tăng lên 12.558 vào năm 2030.

 

Bắc Giang dẫn đầu về tổng chiều dài giao thông đường bộ 

Thông tin thêm về hiện trạng hạ tầng giao thộng vận tải, Bắc Giang có tổng chiều dài giao thông đường bộ nhiều hơn cả so với Quảng Ninh, Bắc Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu (Hải Phòng không công bố số liệu).

Cụ thể, Bắc Giang có tổng chiều dài giao thông đường bộ là hơn 11.800 km, trong đó cao tốc là gần 40 km. Trong khi đó, tổng chiều dài giao thông đường bộ của ba tỉnh còn lại từ 4.000 đến hơn 6.000 km.

 

Về quy hoạch giao thông vận tải tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021-2030, tỉnh dự kiến tiếp tục duy trì khai thác tuyến toàn tuyến Cao tốc Hà Nội – Bắc Giang - Lạng Sơn, nâng quy mô lên 6 làn xe đối với đoạn Bắc Giang – Lạng Sơn, 8 làn xe đối với đoạn Bắc Giang – Bắc Ninh.

Ngoài ra tỉnh thực hiện đầu tư mở rộng cầu Xương Giang, Như Nguyệt, xây dựng cải tạo, nâng cấp hệ thống đường gom đạt cấp III, bố trí các nút giao phù hợp.

Bên cạnh đó, tỉnh sẽ phối hợp nghiên cứu đầu tư tuyến Cao tốc Nội Bài (Hà Nội) – Bắc Ninh - Hạ Long qua địa phận tỉnh Bắc Giang theo quy hoạch quốc gia.

Bắc Giang cũng sẽ triển khai đầu tư xây dựng tuyến Đường vành đai 5 – Vùng thủ đô với quy mô quy hoạch trên từng đoạn đạt cấp II, 4 làn xe và cao tốc, 6 làn xe theo điều kiện huy động nguồn lực. Tập trung đầu tư các dự án xây dựng, nâng cấp, mở rộng các tuyến quốc lộ quan trọng trên địa bàn tỉnh với tổng chiều dài khoảng 388 km.

Với Bắc Ninh, theo hồ sơ dự thảo quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đến năm 2030, tỉnh sẽ hoàn thành đầu tư và khai thác ba tuyến cao tốc, đưa tổng chiều dài cao tốc, quốc lộ và đường vành đai trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 200 km. Tổng chiều dài đường tỉnh đạt khoảng 420 km.

Cụ thể với đường bộ cao tốc, tỉnh ttiếp tục ưu tiên đầu tư các đoạn tuyến cao tốc Nội Bài- Bắc Ninh- Hạ Long và đường Vành đai 4 qua địa bàn tỉnh Bắc Ninh, mở rộng cầu Hồ

Với đường quốc lộ, tỉnh sẽ nâng cấp, mở rộng các quốc lộ 17, 18, 38 qua địa bàn tỉnh đạt tiêu chuẩn cấp III-II, 2-4 làn xe, có kết nối thuận lợi với đường tỉnh.

Tỉnh cũng dự tính xây dựng hệ thống đường sắt đô thị theo các trục liên kết khu vực: Từ Sơn - Tiên Du - Bắc Ninh - Quế Võ; Bắc Ninh - Tiên Du - Hồ.

Ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, theo hồ sơ dự thảo quy hoạch của tỉnh, một số dự án được thực hiện theo quyết định của Thủ tướng phê duyệt gồm tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu với tổng chiều dài tuyến khoảng 54 km. Đoạn đường bộ cao tốc đi trên địa phận tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu dài 19,5 km từ ranh Đồng Nai đến giao QL.56 tại TP. Bà Rịa. Dự kiến trước 2025, đầu tư xây dựng với quy mô 4 làn xe cao tốc, giai đoạn sau sẽ hoàn thiện theo quy mô 6 làn xe.

Dự án thứ hai phải kể đến là đường vành đai 4 TP HCM tổng chiều dài khoảng 199 km, trong đó đoạn qua địa phận tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu dài 18,3 km. Dự kiến trước 2025, đầu tư xây dựng với quy mô 4 làn xe, giai đoạn sau sẽ hoàn thiện theo quy mô 8 làn xe.

Hải Phòng muốn xây mới hai tuyến đường bộ với quy mô đường cao tốc 

Với Hải Phòng, theo hồ sơ dự thảo quy hoạch của thành phố, phương án phát triển mạng lưới giao thông đường bộ giai đoạn tới có một số điểm đáng chú ý như đến năm 2030 nâng cấp cao tốc Hải Phòng – Hạ Long đạt 6 làn xe cơ giới.

Ngoài ra tuyến cao tốc Ninh Bình – Hải Phòng đang được đầu tư xây dựng, giai đoạn hoàn thiện trước năm 2030 quy mô 4 làn xe, đoạn qua Hải Phòng có chiều dài khoảng 20 km. 

Bên cạnh đó,  Hải Phòng dự tính xây dựng mới hai tuyến đường bộ với quy mô đường cao tốc (4-6 làn xe) nối khu vực cảng Đình Vũ, cảng Lạch Huyện (đường Tân Vũ – Lạch Huyện) với Quốc lộ 18 và đường cao tốc Nội Bài – Hạ Long nhằm khai thác, phát triển hành lang công nghiệp khu vực phía Bắc, đặc biệt là gắn kết với hành lang khu công nghiệp hiện có trên Quốc lộ 18, cảng hàng không Nội Bài và cửa khẩu Quốc tế Lào Cai (Đường BN1, BN2).    

Anh Đào