|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Các công ty công nghệ Trung Quốc chọn Singapore làm bệ phóng chinh phục Đông Nam Á

14:20 | 11/01/2020
Chia sẻ
Quy mô nền kinh tế Internet 300 tỉ USD vào năm 2025 khiến Đông Nam Á trở thành thị trường hấp dẫn với nhiều công ty công nghệ Trung Quốc.

Với hi vọng tiếp tục tăng trưởng trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt ở quê nhà, nhiều công ty fintech Trung Quốc đang quyết liệt mở rộng ở ĐNÁ, nơi nền kinh tế Internet sẽ tăng quy mô lên mốc 300 tỉ USD trong năm năm tiếp theo.

Theo chân các ông lớn TMĐT như Alibaba, các công ty fintech đang dẫn đầu xu hướng này. Họ đều chọn Singapore làm nền tảng và bệ phóng để chinh phục khu vực. Malaysia có thể là cái tên tiếp theo.

Các công ty công nghệ Trung Quốc chọn Singapore làm bệ phóng chinh phục Đông Nam Á - Ảnh 1.

Ant Financial và Xiaomi là hai trong số các công ty Trung Quốc tham gia xin cấp phép hoạt động ngân hàng số ở Singapore. (Ảnh: Nikkei)

Tuần này, ngân hàng trung ương Singapore nói rằng đã nhận được 21 đơn xin cấp phép hoạt động ngân hàng số. Mặc dù danh sách cụ thể không được tiết lộ, ít nhất 4 công ty Trung Quốc, trong đó có Ant Financial của Alibaba, sẽ góp mặt trong cuộc đua này.

Singapore nói rằng những đơn vị được cấp phép ngân hàng số trong giai đoạn này sẽ cần tích cực tạo ra các sảng phẩm tài chính sáng tạo đến đối tượng khách hàng cá nhân và doanh nghiệp chưa được ngân hàng phục vụ đầy đủ.

Năm 2017, Trung Quốc xử lí tổng giá trị giao dịch trực tuyến tới tới 17 nghìn tỉ USD, gấp hơn 50 lần mức độ giao dịch ở Mỹ.

"Singapore là một nền tảng thử nghiệm của công nghệ tài chính ở ĐNA", Hong Feng, đồng sáng lập và phó chủ tịch Xiaomi, nói.

Xiaomi cùng công ti tài chính có trụ sở tại Hong Kong AMTD Group sẽ thành lập một liên doanh để mang "luồng năng lượng mới" mới tới ĐNA cùng 5G và nhiều công nghệ khác, ông nói thêm.

Ant Financial, đơn vị vận hành dịch vụ thanh toán trên di động với khoảng 900 triệu người dùng, cũng tràn đầy hi vọng.

Năm ngoái, Ant Financial nhận được giấy phép hoạt động ngân hàng tại Hong Kong và đã đầu tư và startup thanh toán Ấn Độ Paytm. Xin cấp phép thành công ở Singapore sẽ là bước tiến lớn của Ant ở ĐNA.

"Chúng tôi mong đợi được xây dựng hợp tác mạnh mẽ và sâu sắc với tất cả những thành phần trong ngành dịch vụ tài chính ở Singapore, khi chúng tôi nỗ lực cung cấp dịch vụ tới các doanh nghiệp nhỏ và vi mô", người phát ngôn công ty cho hay.

Cùng thời điểm, Yillion Group (Trung Quốc) cũng thành lập liên doanh với công ty fintech Singapore iFAST để xin cấp phép. Theo Nikkei, Yillion Group có vận hành một ngân hàng số ở Trung Quốc.

Hande Group, một nhà cung cấp dịch vụ công nghệ tài chính khác ở Trung Quốc, cũng có mặt trong liên doanh này.

Các công ty công nghệ Trung Quốc chọn Singapore làm bệ phóng chinh phục Đông Nam Á - Ảnh 2.

Trung Quốc ngày càng có sự hiện diện đậm nét trên sân chơi công nghệ ở Đông Nam Á. (Nguồn: Công ty/ Nikkei, Việt hoá: Thái Sơn)

Các công ty Trung Quốc hứng thú với cuộc đua ngân hàng số ở Singapore bởi đây là một cách hiệu quả để mở rộng vào khu vực.

"Đông Nam Á có nhiều cơ hội dành cho các ngân hàng số tạo sự khác biệt", Zennon Kapron, giám đốc công ty nghiên cứu ngành tài chính Kapronasia, nói với Nikkei.

Ông nhận định thêm rằng Đông Nam Á là thị trường lớn nhất đồng thời có độ mở cửa cao nhất cho các công ty Trung Quốc. Trong khi đó cạnh tranh ở quê nhà cũng là lí do khiến các công ty fintech ở quốc gia tỉ dân buộc phải mở rộng ra các thị trường nước ngoài.

Ngân hàng trung ương Singapore sẽ công bố kết quả cuộc chạy đua vào tháng 6 tới. Nếu thành công, các công ty fintech Trung Quốc có thể nhận tiền gửi, cho vay và triển khai nhiều dịch vụ khác vào giữa năm 2021, theo Nikkei.

Sau đó, họ có thể tận dụng các kinh nghiệm có được ở Singapore để triển khai tại các quốc gia Đông Nam Á khác ngay khi có cơ hội. Malaysia mới đây cũng cho biết sẽ phát hành tối đa 5 giấy phép ngân hàng số cho các doanh nghiệp.

Một số công ty TMĐT Trung Quốc đã mở rộng vào Đông Nam Á thông qua thâu tóm hoặc hợp tác.

Alibaba trước đó thâu tóm Lazada (Sinapore) và đầu tư vào Tokopedia (Indonesia). JD.com trong khi đó ra mắt nền tảng mua sắm trực tuyến ở Thái Lan thông qua hợp tác với "ông lớn bán lẻ" Central Group.

Năm nay, xu hướng nói trên sẽ tiếp tục được đẩy mạnh.

Nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khoẻ trực tuyến Ping An Healthcare and Technology bắt đầu triển khai dịch vụ tư vấn sức khoẻ từ xa ở Indonesia vào tháng 12 với hợp tác cùng Grab.

Năm ngoái, đơn vị bảo hiểm trực tuyến ZhongAn Online P&C Insurance cũng hợp tác với Grab để phát triển thị trường bảo hiểm điện tử cho các tài xế của hãng này ở ĐNA.

Theo báo cáo vào năm 2019 của Temasek, Google và Bain, nền kinh tế Internet của Đông Nam Á sẽ tăng lên gấp ba lần, chạm mốc 300 tỉ USD vào năm 2025, từ con số 100 tỉ USD của năm 2019. Tỉ lệ cho vay trực tuyến ở Đông Nam Á cũng tăng lên 8% từ con số 3% trong giai đoạn này.

Thái Sơn