Cà phê trong nước lập đỉnh giá mới
Cụ thể, giá cà phê nhân xô trung bình tại các tỉnh Tây Nguyên đồng loạt tăng 200 đồng/kg trong đầu phiên 12/10, với mức giá cao nhất là 42.500 đồng/kg tại Đắk Lắk, Gia Lai và thấp nhất ở 41.700 ở Lâm Đồng.
Giá FOB cà phê tại cảng TP Hồ Chí Minh theo đó cũng tăng nhẹ 1 USD lên 1.938 USD/tấn với tỷ giá USD/VND giảm 5 đồng xuống còn 22.260 đồng.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu cà phê Việt Nam trong tháng 10 được dự đoán sẽ chậm lại do dự trữ của nông dân còn ít và các nhà xuất khẩu do dự bán hàng ra khi có thông tin vụ thu hoạch sẽ trễ hơn thường lệ.
Dự kiến cuối tháng 10, nông dân Việt Nam mới bắt đầu thu hoạch cà phê và từ khi đó cho tới cuối tháng 11 – thời gian thu hoạch đỉnh điểm, các hãng xuất khẩu sẽ trộn cà phê cũ và mới để đảm bảo giao hàng đúng hạn. Phải đến cuối tháng 12/2016, Việt Nam mới có đủ dự trữ cà phê mới để xuất khẩu ra nước ngoài.
Các thương lái cho biết sẽ phải theo dõi sát sao tình hình mưa bão trong những tháng thu hoạch tới. Mưa bão có thể cản trở công tác thu hoạch cũng như chất lượng của hạt cà phê trong quá trình sấy khô.
Dưới tình hình hiện tại, Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam (Vicofa) ước tính, sản lượng cà phê niên vụ 2016 – 2017 của khu vực Tây Nguyên sẽ giảm 10% so với niên vụ trước.
Tương tự như thị trường cà phê trong nước, cà phê robusta giao dịch trên sàn ICE châu Âu cũng lập đỉnh mới với mức tăng trung bình 1%.
Ngược lại, giá cà phê arabica tại Mỹ và Brazil đồng loạt giảm sau hai phiên tăng liên tiếp. Trong đó, giá cà phê arabica giảm khoảng 1,2% - 1,3% tại Mỹ và giảm khoảng 0,2% - 1,3% tại Brazil.
So với robusta, thị trường cà phê arabica diễn biến phức tạp hơn rất nhiều do ít bị chi phối bởi lo ngại về nguồn cung hay nhu cầu tiêu thụ và tỷ giá USD/BRL.