Cá nhân trong nước mua ròng gần 8.900 tỷ đồng trong tháng 10, tâm điểm HPG, TCB, STB
Thị trường chứng khoán trong nước tiếp đà giảm mạnh tháng 9 với sự đổ dốc của các chỉ số chính. Kết thúc tháng 10, VN-Index đã thiết lập vùng đáy mới trong năm tại 1.027,9 điểm, ở ngưỡng 1.130 điểm, tương đương mức giá tháng 11 năm 2020.
P/E VN-Index rơi về mức 10,9 lần, giảm 9,9% so với tháng 9 và tương đương mức thấp giai đoạn tháng 3/2020 khi thị trường giảm mạnh vì COVID.
Giá trị giao dịch bình quân trong tháng 10 đạt 518,5 triệu USD/phiên, giảm 16% so với tháng 9. Thị trường ghi nhận 4 phiên có giá trị giao dịch dưới mốc 10 nghìn tỷ đồng. Đây cũng là những phiên giao dịch có giá trị thấp nhất trong hơn một năm qua.
Diễn biến khối ngoại trong tháng 10 cho thấy sự thận trọng trước diễn biến phức tạp trên thế giới. Hoạt động thoái vốn của quỹ ngoại có thể nằm ở hoạt động rút vốn của nhà đầu tư và tranh thủ cơ cấu khi thị trường xuống mạnh. Trong khi đó, nhà đầu tư cá nhân mua ròng 8.887 tỷ đồng trên HOSE, tính riêng giao dịch khớp lệnh thì họ gom ròng 1.232 tỷ đồng.
Dòng tiền ngoại tìm đến nhóm bất động sản, “bank, chứng, thép”
Thống kê giao dịch theo nhóm ngành, lực cầu gia tăng mạnh mẽ giúp bất động sản tiếp tục là ngành thu hút mạnh nhất dòng tiền từ nhà đầu tư cá nhân. Theo đó, nhóm này được mua ròng 2.230 tỷ đồng, quy mô tăng 41,8% so với tháng trước đó.
Bên cạnh nhóm bất động sản, giao dịch mua ròng tập trung tại các nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường như tài nguyên cơ bản (2.009 tỷ đồng), ngân hàng (1.253 tỷ đồng) và dịch vụ tài chính (669 tỷ đồng).
Trong tháng 10, nhóm giảm điểm mạnh nhất là tài nguyên cơ bản (22,89%), chứng khoán (20,99%). Tính từ đầu năm, cổ phiếu của các công ty chứng khoán giảm mạnh nhất với 57,78%.
Chiều ngược lại, các cá nhân bán ròng mạnh nhất 1.740 tỷ đồng ở nhóm thực phẩm & đồ uống, theo sau xả ròng lần lượt một số nhóm như hóa chất (894 tỷ đồng), bán lẻ (695 tỷ đồng), điện, nước & xăng dầu khí đốt (496 tỷ đồng), hàng cá nhân & gia dụng (389 tỷ đồng).
Dòng tiền cá nhân theo sau rút khỏi các ngành bảo hiểm, công nghệ thông tin, dầu khí, hàng & dịch vụ công nghiệp, xây dựng và vật liệu, y tế, … với giá trị thấp hơn.
NĐT ngoại chuyển hướng mua ròng hơn 2.100 tỷ đồng HPG sau nhiều tháng bán ròng
Thống kê giao dịch theo từng mã, lực xả lớn nhất lại được ghi nhận tại cổ phiếu VNM của Vinamilk với 1.127,8 tỷ đồng. Giao dịch của các cá nhân trong nước gần như đối ứng với lực mua của NĐT nước ngoài, VNM có nhịp tăng 8,6% trong tháng 10.
Đồng thuận với giao dịch tại cổ phiếu VNM, FRT của FPT Retail cũng chịu lực xả ròng 408,7 tỷ đồng và được hấp thụ bởi các nhóm nhà đầu tư còn lại. Tương tự loạt cổ phiếu phân bón, hóa chất cũng nằm trong Top bán ròng, bao gồm DPM (390 tỷ đồng), DGC (272 tỷ đồng), DCM (249,6 tỷ đồng).
Danh mục thoái bớt vốn của cá nhân nội còn có sự góp mặt của các bluechip như VCB (372 tỷ đồng), MSN (360 tỷ đồng), ACB (275,4 tỷ đồng), GAS (228 tỷ đồng).
Chiều ngược lại, cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát vươn lên trở thành mã được mua ròng nhiều nhất trong tháng 10. Cụ thể, nhà đầu tư cá nhân mua ròng 2.115 tỷ đồng cổ phiếu HPG, trái ngược so với lực xả tháng trước. Trên thị trường, HPG đã giảm gần 26,2% giá trị trong tháng qua về mức 15.650 đồng/cp.
Tính từ vùng đỉnh thiết lập hồi tháng 10 năm ngoái, cổ phiếu của ông lớn ngành thép đã bốc hơi 66% giá trị, vốn hóa theo đó bị thổi bay 168.000 tỷ đồng.
Về tình hình kinh doanh, doanh thu thuần của Tập đoàn Hòa Phát trong quý III vừa qua là 34.103 tỷ đồng, giảm gần 12% so với cùng kỳ 2021. Doanh thu giảm trong khi giá vốn đi lên khiến cho lợi nhuận gộp của Hòa Phát rơi xuống còn 1.001 tỷ đồng, mức thấp nhất kể từ cuối năm 2013 và chỉ bằng chưa đầy 1/10 quý III năm ngoái.
Các khoản chi phí đều tăng trong khi doanh thu và lợi nhuận gộp giảm đã khiến cho Hòa Phát lỗ sau thuế 1.786 tỷ đồng trong quý III, kéo tụt lợi nhuận lũy kế 9 tháng xuống còn 10.443 tỷ đồng. Sau ba quý, Hòa Phát mới thực hiện được gần 42% kế hoạch lãi sau thuế 25.000 – 30.000 tỷ đồng 2022.
SSI Research đã điều chỉnh giảm dự báo lợi nhuận sau thuế năm 2022 của Hòa Phát xuống 12.200 tỷ đồng, giảm 65% so với mức đỉnh năm 2021. Như vậy, lãi sau thuế quý IV của Hòa Phát được dự báo có thể đạt 1.757 tỷ đồng, giảm 76% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tương tự, hoạt động giải ngân cũng được chứng kiến ở các cổ phiếu tài chính ngân hàng như TCB (723,2 tỷ đồng), STB (702,9 tỷ đồng), VPB (504,3 tỷ đồng), VND (443,2 tỷ đồng), MBB (412,8 tỷ đồng).
Cùng chiều, dòng vốn cá nhân gom nhẹ hơn các cổ phiếu bất động sản như NVL (662 tỷ đồng), VHM (613,4 tỷ đồng), DXG (357,5 tỷ đồng).
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/