BVSC: Lợi nhuận quí III của Hòa Phát sẽ bị ảnh hưởng mạnh do giá quặng sắt tăng cao
Lợi nhuận quí III của Hòa Phát sẽ bị ảnh hưởng mạnh
Báo cáo mới nhất về CTCP Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) của CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC - Mã: BVS) nhận định kết quả kinh doanh quí II của công ty này sẽ bị ảnh hưởng do giá vốn quặng sắt tăng mạnh và chi phí tài chính tăng.
Cụ thể, giá quặng sắt trung bình trong quí II đã tăng lên 100 USD/tấn, BVSC ước tính giá vốn quặng nhập của Hòa Phát trong quí II khoảng 87 USD/tấn do tồn kho quặng sắt còn từ 1,5 - 2 tháng. Hòa Phát thường duy trì tồn kho quặng sắt từ 2 - 3 tháng đối với nhà máy tại Hải Dương.
Giá quặng tăng lên tục từ đầu năm đến nay do các sự cố liên tục xảy ra ảnh hưởng đến khai thác quặng tại Brazil và Úc. Sự cố vỡ đập Brumadinho ngày 25/1/2019 khiến VALE cắt giảm kế hoạch sản lượng 40 triệu tấn (tương đương 10% sản lượng của VALE) và phải giảm khoảng 30 triệu tấn nữa do một số mỏ bị Chính phủ yêu cầu dừng hoạt động vì vấn đề an toàn.
Trong khi đó BHP và Rio Tinto cũng lên kế hoạch cắt giảm sản lượng 16 – 20 triệu tấn sau trận lốc xoáy Veronica tại Úc vào cuối tháng 3/2019. Thâm hụt nguồn cung quặng ước tính khoảng 60 triệu tấn trong 2019 (khoảng 4% tổng xuất khẩu quặng sắt thế giới).
Theo Chứng khoán Bảo Việt, Hòa Phát không còn thực hiện hedge (phòng ngừa rủi ro) quặng sắt thông qua hợp đồng tương lai nên giá quặng trên thị trường sẽ phản ánh đúng với giá vốn quặng nhập.
Tính toán của BVSC cho rằng, biên lợi nhuận gộp thép xây dựng trong quí II của Hòa Phát sẽ ở mức 2,7 triệu đồng/tấn. Doanh thu thép xây dựng theo ước đạt 8.674 tỉ đồng, chi phí tài chính dự báo tăng lên 244 tỉ đồng do vay nợ dài hạn của công ty mẹ tăng từ 699 tỉ đồng cuối năm 2018 lên 4.650 tỉ đồng (chạm mức tối đa cho khoản vay Ngân hàng BNP Paribas 200 triệu USD).
Chứng khoán Bảo Việt cũng nhận định, giá quặng sẽ duy trì ở mặt bằng cao do thâm hụt nguồn cung nhưng sẽ giảm trong nửa còn lại của năm 2019, trung bình 95 USD cho hai quí cuối năm và 87 USD cho cả năm.
Trong quí III, công ty chứng khoán nhận định biên lợi nhuận của Hòa Phát sẽ ảnh hưởng mạnh do ảnh hưởng của giá quặng cao trong quí II, phía doanh nghiệp cho biết đã phải mua quặng ở mức giá rất cao cho nhà máy Dung Quất.
Biên lãi gộp của Hòa Phát được dự báo sẽ bị ảnh hưởng mạnh trong quí III
Cung thép trong nước sẽ thấp hơn nhiều so với công suất
Về cung cầu thép trong nước, với việc nhà máy Dung Quất giai đoạn 1 đi vào hoạt động trong 2019, công suất cả nước sẽ tăng thêm 2 triệu tấn, lớn hơn nhiều so với cầu. Tuy vậy, BVSC đánh giá cung thực tế sẽ thấp hơn nhiều so với công suất do khả năng "chịu lỗ" của các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước khá kém.
Giá thép giảm cuối quí II đã khiến Formosa phải ra thông báo giảm sản lượng bán hàng trong tháng 8 do mức giá hiện tại đã đem lại lỗ cho doanh nghiệp. Sản lượng đã sản xuất nhưng không bán sẽ được tồn kho dưới dạng phôi. Giá bán thấp trong quí I cũng khiến biên lợi nhuận của một số nhà sản xuất thép trong nước như Pomina sụt giảm nghiêm trọng (Pomina lỗ 84 tỉ trong quí I, với biên lợi nhuận gộp chỉ 0,58% so với 5,74% trong năm trước.
BVSC nhận định nếu giá bán thép tiếp tục giảm sâu, một số doanh nghiệp có chi phí sản xuất cao sẽ phải giảm công suất để giảm lỗ, điều này sẽ giúp cung cầu thép trong nước không bị lệch quá xa khỏi điểm cân bằng.
Rủi ro thép Trung Quốc giá rẻ tràn vào Việt Nam giảm đáng kể
Cầu về thép Trung Quốc trong quí I tốt hơn hầu hết các dự báo do Chính phủ Trung Quốc tung ra các biện pháp kích cầu để bù đắp ảnh hưởng tiêu cực của Chiến tranh thương mại. Cầu về quặng sắt của Trung Quốc gia tăng cũng là một trong những nguyên nhân khiến giá quặng tăng cao ngoài vấn đề về nguồn cung. Tồn kho quặng sắt tại các cảng ở Trung Quốc đã giảm xuống gần mức 100 triệu tấn, mức thấp nhất trong vòng gần 3 năm.
Giá quặng cao cùng với cầu duy trì ở mức tích cực tạo áp lực tăng giá thép (tại Trung Quốc 90% công suất sản xuất thép sử dụng công nghệ lò cao với nguyên liệu là quặng sắt). Theo BVSC, rủi ro thép Trung Quốc giá rẻ tràn vào Việt Nam giảm đáng kể.