|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Bươn chải với room ngân hàng

15:04 | 30/09/2017
Chia sẻ
“Khi nước ngoài chuyển tiền mua cổ phiếu, đó là giá trị đầu tiên và lớn nhất mà họ mang lại” - ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), nhận xét khi đề cập đến việc bán cổ phần cho nước ngoài. Theo ông vai trò, giá trị mà nhà đầu tư chiến lược ngoại đặt vào các ngân hàng Việt còn quá nhỏ do họ chưa được quyền nắm giữ từ 49% cổ phần trở lên.
buon chai voi room ngan hang Vốn ngoại sẽ chảy mạnh vào ngân hàng nếu room được mở
buon chai voi room ngan hang
Mười ngân hàng thí điểm thực hiện Basel II như Vietcombank, VietinBank, BIDV, Techcombank, Quân đội, Á Châu, Quốc tế, Sacombank... đều có nhu cầu tăng vốn chủ sở hữu. Ảnh: KINH LUÂN

Sẵn sàng chọn nhà đầu tư tài chính

VPBank và một số tổ chức tín dụng khác đã nghiêng về hướng chọn lựa nhiều tổ chức đầu tư nước ngoài, kể cả các quỹ đầu tư tài chính chỉ nắm giữ cổ phiếu thời gian ngắn 1-2 năm, thay vì một đối tác chiến lược sở hữu 20% cổ phần trong 5-7 năm. Giờ đây trong con mắt các ngân hàng nội, mối quan tâm về nhà đầu tư chiến lược ngoại đang chuyển biến.

Thành viên hội đồng quản trị một ngân hàng, đang có trong tay vài phần trăm cổ phần, nói thẳng nhà đầu tư nước ngoài có thể vào năm nay, năm sau ra, thậm chí giải ngân tháng này để tháng sau bán nếu cổ phiếu niêm yết, trong khi đó với các nhà đầu tư nội, nhất là các nhóm cổ đông lớn, đấy là vận mệnh ngân hàng, là sự kinh doanh có thể cả mười năm hay lâu dài hơn nữa. “Tôi không cho rằng mô hình ngân hàng Việt có một đối tác chiến lược ngoại tên tuổi quốc tế là không tốt, nhưng tôi nghĩ đó chưa chắc đã là mô hình tối ưu ít nhất ở thời điểm này” - vị trên nói.

Câu chuyện room nước ngoài ở ngân hàng với mức tối đa 30% cổ phần theo quy định, trong đó một nhà đầu tư chiến lược được nắm giữ tối đa 20% cổ phần, gần đây được giới đầu tư nhắc đến với tần suất cao, bàn luận sâu rộng song không ồn ào. Sự ra đi và có ý định chuyển nhượng cổ phần tại một số ngân hàng của một số tên tuổi tập đoàn tài chính quốc tế đã khiến những người trong cuộc thay đổi cách nhìn về xu hướng tìm kiếm cổ đông nước ngoài. Và trên hết, nhu cầu phải tăng vốn điều lệ nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn Basel II chuẩn bị áp dụng cho 10 ngân hàng trong nước, cũng như đáp ứng đòi hỏi về cung ứng tín dụng cho nền kinh tế, đang đặt các ngân hàng vào một tình thế “bươn chải khó khăn”.

Bươn chải khó khăn

Thể hiện của sự bươn chải khó khăn cụ thể là gì? Thứ nhất, với chốt chặn room 30%, những đối tác chiến lược tầm cỡ quốc tế thật sự muốn tham gia vào thị trường tài chính Việt Nam, chưa có điều kiện để điều hành, quản trị ngân hàng theo chuẩn mực của họ và điều này ảnh hưởng đến mục tiêu kinh doanh hay rõ hơn là quy mô khoản đầu tư, thời hạn đầu tư và hiệu quả sinh lời của nó.

Thứ hai, cục diện thị trường tài chính thế giới đang chuyển động rất nhanh. Dòng tiền của giới đầu tư Âu, Mỹ đang tiếp tục chảy ngược từ bên ngoài về lại chính quốc, nơi chu kỳ tăng trưởng kinh tế mới bắt đầu. Đầu tư vào một thị trường cận biên như Việt Nam hiện tại phần lớn là vốn từ các quỹ mạo hiểm, tổ chức tài chính, các thị trường xung quanh chúng ta. Gọi vốn từ các nước phát triển G-7 ngày một khó. Chỉ có gọi vốn từ Asean, Trung Quốc, một số quốc gia châu Á khác tương đối dễ hơn. Ở đây cần nhấn mạnh “dễ hơn” chứ không phải “dễ dàng” hay “đơn giản”.

Nguyên thành viên hội đồng quản trị Vietcombank, người tham gia không ít cuộc thương lượng bán cổ phần cho nước ngoài, bà Lê Thị Hoa nhận xét: “Vietcombank và các ngân hàng khác, ai chẳng muốn bán cổ phần cho những tập đoàn tài chính mạnh như Mỹ, Đức, Pháp, Anh... Tuy nhiên, ở vị thế của họ, họ có chịu mua 5-10% cổ phần một ngân hàng Việt với giá cao hơn giá niêm yết và chỉ để cử một đại diện vào hội đồng quản trị?”.

Nới room linh hoạt?

Room nước ngoài 30% ở ngân hàng đã tồn tại từ trước khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Mới đây trong tiến trình tái cơ cấu ngân hàng, Chính phủ đã không dưới một lần đề cập tới khả năng bán 100% vốn của những ngân hàng yếu kém như Xây Dựng, Đại Dương, Dầu khí Toàn cầu cho nước ngoài. Chính phủ cũng không loại trừ khả năng nới room qua mức 30% cho một số ngân hàng tái cấu trúc khác.

Có nhiều cách để các nhà đầu tư trong nước (trong đó có cổ đông lớn Nhà nước) vẫn nắm quyền kiểm soát tuyệt đối ở ngân hàng dù room có nới lên 40% hay 49%. Đó là nới room linh hoạt nhưng vẫn giữ nguyên hoặc điều chỉnh giảm tỷ lệ cổ phần tối đa mà một cổ đông nước ngoài được phép nắm giữ, thí dụ ở mức 10-15%. Đại diện đơn vị tư vấn phát hành cho VPBank vừa qua trao đổi lượng cổ phiếu đặt mua của nước ngoài gấp 3-4 lần lượng chào bán từ hàng chục quỹ đầu tư. Nếu được nới room linh hoạt, VPBank có thể bán thêm 10-20% cổ phần (tỷ lệ sở hữu của nước ngoài tại ngân hàng này đến ngày 15-9-2017 là 26,37%, theo Hose) cho các tổ chức đầu tư tài chính, tăng năng lực vốn, mà quyền kiểm soát vẫn thuộc về nhà đầu tư nội địa.

Theo khảo sát của chúng tôi, 10 ngân hàng thí điểm thực hiện Basel II như Vietcombank, VietinBank, BIDV, Techcombank, Quân đội, Á Châu, Quốc tế, Sacombank... đều có nhu cầu tăng vốn chủ sở hữu. Với một số ngân hàng, việc tăng vốn rất bức thiết để đảm bảo quy định hệ số an toàn vốn. Huy động vốn từ cổ đông trong nước vô cùng khó khăn do khả năng tài chính eo hẹp. Để có tiền nộp tăng vốn, các cổ đông có thể sẽ lại thế chấp cổ phiếu, vay tiền ngân hàng và điều này đồng nghĩa với việc tháo gỡ sở hữu chéo thêm phức tạp.

Hải Lý