Nới room ngân hàng đang trở nên khó khăn hơn
Việc nới room ngành ngân hàng đang trở nên khó khăn. Trước mắt, ưu tiên lớn nhất của Nhà nước đối với ngành là giải quyết nợ xấu. (Ảnh minh họa). |
Báo cáo của Công ty Chứng khoán TP HCM (HSC) cho hay, tại Hội nghị nội bộ của Ngân hàng Nhà nước mới đây thông báo một số kết luận của Bộ Chính trị và quyết định được thông qua tại Hội nghị trung ương 5 diễn ra tháng trước.
Cụ thể, Nhà nước tiếp tục duy trì vốn tại 4 ngân hàng thương mại (NHTM) Nhà nước với tỷ lệ sở hữu chi phối không thấp hơn 65%. Đồng thời Nhà nước chấp thuận chủ trương tiếp tục tăng cường năng lực tài chính cho các NHTM Nhà nước gồm tăng vốn và giữ lại cổ tức.
HSC đánh giá những quyết định trên sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến phương án tăng vốn của các NHTM Nhà nước trong tương lai. Quyết định Nhà nước tiếp tục duy trì vốn tại 4 NHTM Nhà nước với tỷ lệ không dưới 65% sẽ gây khó khăn cho việc nới room ngành ngân hàng lên trên 30%, ngoại trừ một số trường hợp của các ngân hàng thuộc diện tái cơ cấu.
Tuy nhiên, nhân tố tích cực là việc các NHTM Nhà nước không phải trả cổ tức tiền mặt để thực hiện tăng vốn cấp 1. Trong đó, VietinBank là ngân hàng chịu ảnh hưởng lớn nhất từ các quyết định trên do tỷ lệ sở hữu Nhà nước đã dưới 65%. Trong ngắn và trung hạn, VietinBank sẽ gặp nhiều thách thức khi tăng vốn. Trước mặt, HSC cho rằng VietinBank có thể nâng vốn cấp 2 và cải thiện vốn cấp 1 bằng cách trả cổ tức bằng cổ phiếu thay vì tiền mặt.
Nhìn chung, HSC nhận định khả năng nới room ngành ngân hàng lên trên mức 30% hiện nay trở nên khó khăn hơn. Ngoại trừ các ngân hàng thuộc diện tái cơ cấu thì việc nới room vẫn có thể được xem xét. Hiện tỷ lệ sở hữu nhà nước tại các NHTM Nhà nước lần lượt tại BIDV là 95,28%; Vietcombank 77,1%; VietinBank 64,46%.
Bên cạnh VietinBank thì Vietcombank và BIDV cũng gặp khó khăn trong việc tăng vốn cấp 1 những năm gần đây, tuy nhiên HSC cho rằng quyết định của Bộ Chính trị không ảnh hưởng nhiều đến hai ngân hàng này.
HSC lý giải, Vietcombank và BIDV còn nhiều dư địa để huy động vốn từ nhà đầu tư nước ngoài với điều kiện giá bán cổ phần được chính phủ chấp thuận (nói cách khác tương đương giá thị trường). Trong khi đó, VietinBank sẽ gặp khó khăn hơn do tỷ lệ sở hữu Nhà nước dưới 65%. Như vậy, VietinBank không thể huy động vốn từ nhà đầu tư ngoại trừ khi Nhà nước đồng thời góp thêm vốn.
Hồi đầu năm nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã phát biểu về việc room ngành ngân hàng có thể được nới trong năm 2017. Tuy nhiên việc nới room sẽ không áp dụng cho toàn ngành mà theo từng ngân hàng cụ thể.
Quyết định của Bộ Chính trị khẳng định việc Nhà nước vẫn muốn duy trì sự chi phối cao đối với ngành ngân hàng - ngành có vai trò quan trọng trong việc ổn định và phát triển kinh tế. Trước mắt, ưu tiên lớn nhất của Nhà nước đối với ngành là giải quyết nợ xấu.