|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Bùng nổ khu dân cư có thương hiệu, Việt Nam và Thái Lan dẫn đầu khu vực

16:37 | 16/10/2019
Chia sẻ
Số dự án khu dân cư thương hiệu trên toàn cầu đã tăng 195% trong một thập kỉ qua và hiện có hơn 430 dự án với tổng cộng 65.000 sản phẩm. Tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương, Việt Nam và Thái Lan đang dẫn đầu về số lượng dự án khu dân cư có thương hiệu được qui hoạch và xây dựng.

Báo cáo Khu dân cư thương hiệu 2019 của Savills vừa công bố cho thấy, phân khúc khu dân cư thương hiệu đã có sự tăng trưởng ấn tượng và chưa có dấu hiệu chững lại.

Số dự án khu dân cư thương hiệu đã tăng 195% trong một thập kỷ qua và hiện có hơn 430 dự án với tổng cộng 65.000 sản phẩm.

Trong năm 2019, số lượng dự án mở bán cũng đạt mức kỷ lục với 60 dự án, cung cấp thêm cho thị trường 9.000 sản phẩm có thương hiệu mới trên 21 quốc gia. Dự kiến kỉ lục này sẽ được phá vỡ trong năm 2020 khi có gần 70 dự án có thương hiệu được hoàn thành.

vin2

Việt Nam và Thái Lan đang dẫn đầu khu vực Châu Á Thái Bình Dương về số lượng dự án khu dân cư có thương hiệu được qui hoạch và xây dựng.

Tốc độ tăng trưởng này chủ yếu đến từ các thương hiệu khách sạn, với các dự án có thương hiệu chiếm đến 86% trong tổng số các dự án đã hoàn thành và 96% của nguồn cung dự kiến trong tương lai.

Marriott International, bao gồm những thương hiệu khách sạn nổi tiếng như Ritz Carlton, St Regis and W, hiện đang dẫn đầu thị trường và dự kiến sẽ tiếp tục giữ vị trí này.

Tuy vậy, tập đoàn Accor hiện đang nhanh chóng mở rộng và có số lượng dự án dự kiến trong tương lai bằng với Marriott International.

Tại Trung Đông, tập đoàn nghỉ dưỡng Emaar Hospitality Group đang trong giai đoạn phát triển mạnh với các dự án trong tương lai tại các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và khu vực Trung Đông với 2 thương hiệu chính là Address và Vida.

Hiện một số thương hiệu phong cách sống (lifestyle) phi khách sạn mới nằm ngoài qui mô thị trường bất động sản cũng đã gia nhập phân khúc khu dân cư có thương hiệu. 

Cụ thể, Condé Nast, một công ty truyền thông đại chúng lớn của Mỹ sở hữu các đầu tạp chí danh tiếng như Vogue, The New Yorker, GQ, Vanity Fair, Wired đã công bố kế hoạch gia nhập phân khúc khu dân cư có thương hiệu.

Mặc dù được biết đến chủ yếu qua những tên tuổi tạp chí của mình, Condé Nast đã mở rộng sang lĩnh vực nhà hàng khách sạn từ năm 2003 với Vogue Cafés và GQ Bars, tạo tiền đề cho sự thâm nhập vào thị trường nhà ở cho tập đoàn truyền thông quốc tế này.

Bắc Mỹ - nơi khởi nguồn của các khu dân cư có thương hiệu, hiện chiếm tới 40% tổng số các dự án toàn cầu. 

Nhiều khu vực khác trên trên thế giới cũng đang nhanh chóng mở rộng qui mô bao phủ của các dự án khu dân cư thương hiệu. Trong đó có khu vực Châu Á Thái Bình Dương, dẫn đầu là Thái Lan và Việt Nam, hiện đang có nhiều dự án khu dân cư có thương hiệu được qui hoạch và xây dựng nhất (chiếm 23% tổng số dự án tương lai).

Theo sau đó là Trung Đông và Bắc Phi (với 21% tổng số dự án tương lai), trong đó các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Ai Cập đang chiếm phần lớn nguồn cung sắp tới.

Ngoài ra, Mỹ Latinh là cũng một thị trường đang tăng trưởng tốt. Số lượng các dự án ở Mexico dự kiến sẽ tăng trên 100% trong những năm tới tại các khu vực nghỉ dưỡng và các trung tâm thành phố.

Ở cấp độ thành phố, vào thời điểm hội chợ triển lãm 2020, Dubai dự kiến sẽ vượt qua New York trở thành trung tâm toàn cầu của khu đô thị có thương hiệu vào cuối năm 2019, nhờ số lượng dự án tương lai bằng với nguồn cung hiện tại chỉ hơn 20 dự án. 

Miami có số lượng dự án lớn thứ ba và được dự đoán sẽ giữ vững vị trí của mình. Trong khi đó ở khu vực châu Á, Phuket được dự báo sẽ vượt qua Bangkok nơi có một số lượng lớn các dự án nghỉ dưỡng nhỏ hơn sẽ được ra mắt trong tương lai.

Ông Paul Tostevin, Giám đốc Bộ phận Nghiên Cứu Toàn Cầu tại Savills cho biết: "Khi điều kiện thị trường được cải thiện và thị hiếu của người mua phát triển, phân khúc khu dân cư có thương hiệu được thừa hưởng tiềm năng lớn. BĐS có thương hiệu có được vị thế tốt để thu hút sự chú ý trong trong những điều kiện thị trường nhiều thách thức".

Phân tích của Savills cho thấy mức chênh lệch trung bình về giá thành giữa sản phẩm nhà ở có thương hiệu so với các sản phẩm tương đương nhưng không có thương hiệu đang đạt mức 35%. Mức chênh lệch này chịu ảnh hưởng đáng kể bởi các yếu tố khác như vị trí địa lý, tên thương hiệu và đơn vị điều hành.

Ở các thành phố đang phát triển, chẳng hạn như Kuala Lumpur, mức chênh lệch về giá thậm chí có thể vượt quá 70%. Ngược lại, tại các thị trường đã trưởng thành hơn nơi vị trí địa lý là một yếu tố quyết định lớn hơn đối với giá thành, mức chênh lệch về giá có thể thấp hơn.

K.Hà