|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Bức tranh lợi nhuận ngân hàng quý III: Những mảng màu sáng, tối!

07:46 | 17/11/2016
Chia sẻ
Mặc dù nợ xấu có xu hướng gia tăng tại một số ngân hàng, nhưng nhờ các hoạt động kinh doanh được cải thiện, phần lớn các ngân hàng đều ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng so với cùng kỳ.

Chi phí hoạt động tăng chậm hơn tổng thu nhập

Thống kê 10 ngân hàng lớn của Việt Nam mới công bố báo cáo tài chính quý III/2016 gồm Ngân hàng BIDV, Vietinbank, Vietcombank, SHB, MBB, Sacombank, ACB, VIB, VPbank và Eximbank cho thấy, tổng thu nhập trong quý III của 10 ngân hàng là gần 34.395 tỷ đồng, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, thu nhập lãi thuần của 10 ngân hàng đạt 27.486 tỷ đồng, tăng 13,5% so với quý III/2015, chiếm 79,9% tổng thu nhập.

BIDV, VIB và MB là 3 ngân hàng có tổng thu nhập tăng trưởng cao nhất, lần lượt tăng 33,4%, 28% và 24,8% so với cùng kỳ năm trước. Cả 3 ngân hàng này có thu nhập tăng mạnh chủ yếu nhờ thu nhập lãi thuần tăng mạnh, chiếm trên 80% tổng thu nhập của nhà băng.

buc tranh loi nhuan ngan hang quy iii nhung mang mau sang toi

Một dấu hiệu khá khả quan của các nhà băng trong kỳ này là mặc dù tổng thu nhập và thu nhập lãi thuần tăng khá mạnh, chi phí hoạt động lại chỉ nhích nhẹ so với cùng kỳ.

Cụ thể, tổng chi phí hoạt động của 10 ngân hàng trong quý III/2016 chỉ tăng nhẹ 5,9% so với cùng kỳ, lên mức hơn 16.121 tỷ đồng. Trong đó, có 3 ngân hàng có chi phí giảm bao gồm Vietcombank (giảm 7,4%), ACB (giảm 5,6%) và Eximbank (giảm 6%). Các ngân hàng còn lại có mức tăng từ 0,92% đến 33,9%.

Giảm phụ thuộc vào hoạt động tín dụng

BCTC 10 ngân hàng lớn cũng cho thấy, tỷ trọng thu nhập lãi thuần trong tổng thu nhập hoạt động của nhiều ngân hàng đã giảm đáng kể, thay vào đó, nguồn thu nhập từ kinh doanh ngoại hối, dịch vụ lại tăng lên.

buc tranh loi nhuan ngan hang quy iii nhung mang mau sang toi

Cụ thể, tổng thu nhập lãi thuần của 10 ngân hàng trong kỳ đạt hơn 27.486 tỷ đồng, tăng trưởng 13,5% so với cùng kỳ.

Mặc dù vậy, tỷ trọng thu nhập lãi thuần trong tổng thu nhập hoạt động của nhóm ngân hàng này đã giảm xuống còn 79,91%%, so với mức 80,8% cùng kỳ năm trước. Với xu hướng này, có thể thấy thu nhập của các ngân hàng đang giảm dần phụ thuộc vào hoạt động tín dụng.

Sacombank là ngân hàng có sự chuyển biến mạnh nhất trong cơ cấu thu nhập, với tỷ trọng thu nhập lãi thuần trong tổng thu nhập chỉ còn 58,05%, từ mức 83,16% cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, ngân hàng lại có các khoản thu nhập từ hoạt động khác tăng hơn 300 tỷ đồng so với cùng kỳ. Trong đó thu từ dịch vụ tăng gần 49 tỷ, tương đương tăng 16,3%, lãi từ kinh doanh chứng khoán tăng gấp 4 lần lên hơn 279 tỷ đồng, lãi từ hoạt động khác tăng 36,8% lên 33 tỷ đồng,...

SHB cũng là một trong số những nhà băng có thu nhập lãi thuần giảm khá mạnh trong cơ cấu lợi nhuận với hơn 717 tỷ đồng, chiếm 63,4% (so với mức 81,54% cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, tỷ trọng lãi thuần từ hoạt động dịch vụ lại tăng từ 3,81% lên 5,1%, đạt gần 58 tỷ đồng, lãi thuần từ hoạt động kinh doanh chứng khoán cũng tăng nhẹ từ mức 2,34% lên 2,64%, đặc biệt, tỷ trọng của lãi thuần từ hoạt động khác của ngân hàng kỳ này tăng vọt từ mức 12% lên 28,8%, đạt gần 326 tỷ đồng.

buc tranh loi nhuan ngan hang quy iii nhung mang mau sang toi

Tương tự, Eximbank kỳ này cũng chứng kiến sự sụt giảm khá mạnh của thu nhập lãi thuần trong kết quả kinh doanh. Kết thúc quý III/2016, thu nhập lãi thuần của ngân hàng chỉ đạt hơn 719 tỷ đồng, giảm 19,3% so với cùng kỳ năm trước và chỉ chiếm 81,25% cơ cấu tổng thu nhập hoạt động, so với mức 91,37% cùng kỳ.

Trích lập dự phòng tăng vọt, nhưng lợi nhuận ngân hàng vẫn tăng

6/10 ngân hàng được khảo sát đều có chi phí rủi ro tín dụng tăng so với cùng kỳ, với tổng chi phí trích lập dự phòng trong quý đạt hơn 7.994 tỷ đồng, tăng tới 42,2% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, mức trích lập này lại giảm 16% so với quý II.

buc tranh loi nhuan ngan hang quy iii nhung mang mau sang toi

BIDV là một trong những ngân hàng tăng trích lập dự phòng mạnh nhất trong nhóm khảo sát với việc tăng tới 396% so với cùng kỳ năm ngoái (từ hơn 499 tỷ đồng lên hơn 2.478 tỷ đồng). Điều này khiến cho lợi nhuận thuần của ngân hàng dù tăng tới 68,3%, đạt hơn 4.908 tỷ đồng nhưng lợi nhuận trước thuế chỉ đạt hơn 2.430 tỷ đồng, tăng nhẹ 0,5 so với quý III/2015.

Tính chung 9 tháng, BIDV phải trích lập hơn 6.972 tỷ đồng, tăng 76% so với cùng kỳ khiến lợi nhuận trước thuế chỉ còn 5.758 tỷ đồng, tăng nhẹ 4% dù lợi nhuận thuần tăng tới 34% so với cùng kỳ.

VIB cũng nằm trong top các ngân hàng tăng mạnh chi phí dự phòng. Báo cáo tài chính của ngân hàng này cho thấy, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước chi phí dự phòng rủi ro 9 tháng đầu năm đạt hơn 940 tỷ đồng, tăng 25,9%. Tuy nhiên, chi phí dự phòng rủi ro tăng tới hơn 41% so với cùng kỳ, lên gần 532 tỷ đồng đã khiến cho lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt hơn 408 tỷ đồng, tăng nhẹ 10,4% so với cùng kỳ.

Tương tự, ngân hàng SHB cũng dành tới gần 245 tỷ đồng cho việc trích lập dự phòng, tăng 76,3% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng, mức trích lập lên hơn 482 tỷ đồng, tăng 25,2% so với cùng kỳ và chiếm gần 38% tổng lợi nhuận thuần.

buc tranh loi nhuan ngan hang quy iii nhung mang mau sang toi

Mặc dù trích lập dự phòng của các ngân hàng tăng khá mạnh nhưng một điều đáng chú ý là lợi nhuận của hầu hết các nhà băng đều tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước. Theo thống kê của BizLIVE, 9/10 ngân hàng khảo sát đều có lợi nhuận trước thuế quý III/2016 tăng trưởng so với cùng kỳ, duy chỉ có Sacombank báo lợi nhuận giảm 69,6% do thu nhập lãi thuần giảm mạnh trong khi chi phí hoạt động lại tăng.

Nợ xấu có xu hướng tăng trở lại

Theo số liệu của BizLIVE, tổng nợ xấu của 10 ngân hàng khảo sát tính đến cuối quý III/2016 đã tăng hơn 8.813 tỷ đồng, tương đương tăng 23,6% so với đầu năm, trong đó, 5/10 ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu tăng so với cuối năm 2015 (bao gồm BIDV, Eximbank, SHB, VPBank và Sacombank).

Trong khi đó, tổng nợ nhóm 5, tức nợ có khả năng mất vốn cũng tăng 13%, lên 26.418 tỷ đồng, chiếm 57,3% nợ xấu. 5/10 ngân hàng có tỷ lệ nhóm nợ này gia tăng bao gồm Vietinbank, BIDV, ACB, Eximbank và SHB.

buc tranh loi nhuan ngan hang quy iii nhung mang mau sang toi

Xét về con số tuyệt đối, thì 9/10 ngân hàng khảo sát đều có số nợ xấu tăng, trong đó, đứng đầu vẫn là 3 "ông lớn" thương mại cổ phần có vốn Nhà nước do quy mô cho vay lớn.

Cụ thể, BIDV đang là ngân hàng có số nợ xấu lớn nhất với hơn 13.682 tỷ đồng, tăng tới 36% so với đầu năm, chiếm 2,03% tổng dư nợ cho vay. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn chiếm quá nửa, đạt hơn 7.329 tỷ đồng, tăng 42,4% so với đầu năm.

Ngân hàng Vietcombank đang có gần 7.808 tỷ đồng nợ xấu, tăng 9,4% so với đầu năm. Tương tự, con số nợ xấu tuyệt đối tại Vietinbank cũng gia tăng đang kể với 8,9% nhưng do tín dụng tăng mạnh hơn đã giúp tỷ lệ nợ xấu giảm từ 0,92% xuống còn 0,86%.

Tại một cuộc hội thảo mới đây, ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) cho biết, tính đến tháng 8/2016, nợ xấu của toàn hệ thống là 147 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 2,66% tổng dư nợ. Nếu tính cả nợ xấu tổ chức tín dụng bán cho VAMC sau khi thu hồi nợ và xử lý rủi ro là 186.000 tỷ thì tỷ lệ nợ xấu đến tháng 8/2016 lên tới 5,84 %.

buc tranh loi nhuan ngan hang quy iii nhung mang mau sang toi

Cũng theo lãnh đạo này, trong thời gian qua, việc xử lý nợ xấu đã đạt được kết quả đáng kể; một phần lớn được bán sang VAMC, nhưng phần lớn hơn đã được các tổ chức tín dụng tự xử lý với lượng lớn từ nguồn trích lập dự phòng rủi ro.

Trần Thúy

Ngành thép và mối lo ngại với 'biến số' Tổng thống Trump
Nhiều đơn vị phân tích đều đánh giá ngành thép sẽ chịu tác động tiêu cực sau khi ông Donald Trump lên làm Tổng thống. Cổ phiếu thép liên tục đỏ lửa sau ngày công bố kết quả bầu cử cho thấy những góc nhìn kém lạc quan của nhà đầu tư về ngành này.