|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

BT - coi chừng bể to và rồi bó tay

16:29 | 27/08/2017
Chia sẻ
BT là viết tắt của từ tiếng Anh Built and Transfer, có nghĩa là xây dựng và chuyển giao. Với hình thức đầu tư này, nhà đầu tư bỏ tiền ra xây dựng công trình xong chuyển giao cho nhà nước khai thác sử dụng và nhà nước sẽ thanh toán chi phí xây dựng công trình theo một cách thức, tiến độ nào đó.
bt coi chung be to va roi bo tay
Ở Việt Nam, loại hình BT được ưa chuộng hiện nay là đổi đất lấy hạ tầng. Ảnh: TL

Ở Việt Nam, loại hình BT được ưa chuộng hiện nay là đổi đất lấy hạ tầng, mà hiểu một cách đơn giản là nhà đầu tư xây một cơ sở hạ tầng (thường là đường giao thông) và các địa phương thay vì trả tiền thì trả cho nhà đầu tư một diện tích đất nhất định nào đó (có thể là một mảnh và cũng có thể là nhiều mảnh khác nhau và diện tích đất này có thể liên quan và cũng có thể không liên quan gì đến hạ tầng được xây).

Những hệ lụy khôn lường

Loại hình BT đổi đất lấy hạ tầng đang rất phổ biến ở Việt Nam vì những lý do được phân tích ở phần sau, nhưng đây là loại hình dễ xảy ra những hệ luỵ hết sức nguy hiểm.

Thứ nhất, phương thức hàng đổi hàng nói chung bị vấn đề hai lần không minh bạch. Phương thức này thường là chỉ định thầu để chọn nhà đầu tư và nhà đầu tư (mà thực chất là nhà thầu hay tổng thầu) gần như toàn quyền trong việc thiết kế và thi công nên khả năng khai khống khối lượng là rất cao, nhất là khi có sự cấu kết hay móc ngoặc giữa chủ đầu tư và những cán bộ công chức có liên quan. Nói một cách đơn giản đây là phương thức chỉ định thầu kèm với các điều kiện hào phóng cho nhà thầu.

Lần không minh bạch thứ hai là việc xác định giá trị đất để trao đổi. Nói chung là chỉ có “một người mua” và khả năng cấu kết và móc ngoặc rất dễ xảy ra nên giá đất thường bị định giá rất thấp.

Thực ra, phương thức đổi đất lấy hạ tầng chỉ nên thực hiện đối với những mảnh đất liên quan trực tiếp đến hạ tầng mà ở đó hạ tầng thành công quyết định đến giá trị mảnh đất. Tuy nhiên, cần tránh những dự án mà ở đó hạ tầng chỉ phục vụ cho duy nhất dự án của chủ đầu tư, vì như vậy nhà đầu tư sẽ được cả chì lẫn chài (trên thực tế dạng này không hiếm).

Thứ hai, nó gây ra các dự án treo và các vấn đề xã hội. Phương thức BT này cộng với chính sách giá đất bằng không đang tạo ra rất nhiều dự án treo. Vì biết được mong muốn có các dự án và nhà đầu tư của các địa phương nên rất nhiều doanh nghiệp đi khắp 63 tỉnh thành rải lời hứa, nhưng chỉ triển khai khi có cơ hội kiếm lời, còn không thì cứ... treo đó.

Hậu quả là từ Bắc đến Nam có rất nhiều công trình dở dang mà diện tích đất được quy hoạch cho đô thị và công nghiệp đang lớn hơn rất nhiều so với nhu cầu thực tế. Điều này dẫn đến lãng phí rất lớn do chẳng nơi nào có hạ tầng hoàn thiện hay nhu cầu thực sự về hạ tầng đó, trong khi nhiều người không được chuyển đổi nghề nghiệp đến nơi đến chốn nhưng lại không có đất canh tác hoặc không thể đầu tư vào đất đai của mình do đã nằm trong quy hoạch được chuyển đổi.

Thêm vào đó, rất nhiều địa phương do chạy theo các nhà đầu tư, nên liên tục mở ra các dự án mới gắn với đền bù, di dời và giải tỏa, trong khi những dự án theo kiểu “nợ khó đòi” nêu trên vẫn còn đó, làm cho các điểm nóng khiếu kiện và bất ổn tiếp tục gia tăng không biết khi nào sẽ dừng.

Tại sao BT lại phổ biến?

Sở dĩ BT được ưa chuộng là do “dễ ăn” và cơ chế phân bổ ngân sách hiện tại. Thứ nhất, như đã phân tích ở trên, BT theo dạng hàng đổi hàng không minh bạch cả hai đầu nên những người triển khai sẽ rất thích vì “có lợi” cho bản thân.

Thứ hai, theo cơ chế phân bổ ngân sách hiện nay, nếu đất được đấu giá thì sẽ bị tính vào nguồn thu ngân sách gây bất lợi cho địa phương trong công thức phân chia do trung ương quyết định. Do vậy, lựa chọn của các địa phương là chọn cách “hàng đổi hàng” rất không minh bạch này.

Những ngày qua, những vấn đề của hình thức đầu tư BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) đã được mổ xẻ rất nhiều. Tuy nhiên, những vấn đề của phương thức BT có khi còn khủng khiếp hơn. Do vậy, giờ là lúc cần có những đánh giá thẳng thắn về mô hình hợp tác công - tư, chính sách cấp đất miễn phí cho các nhà đầu tư và cơ chế phân bổ ngân sách để có những điều chỉnh phù hợp. Nếu không, những hệ lụy không lường có thể bùng phát bất kỳ lúc nào.

bt coi chung be to va roi bo tay Sở GTVT TP HCM nói gì về sai phạm tại 6 dự án BOT, BT?

Theo quan điểm của Sở GTVT TP HCM, trong quá trình triển khai các dự án BOT và BT, nhiều văn bản luật thay đổi ...

bt coi chung be to va roi bo tay Những dự án BT dính vi phạm ở Hà Nội được đổi lấy đất ra sao?

Đổi đất lấy hạ tầng bằng các dự án BT (xây dựng - chuyển giao) đã được Hà Nội áp dụng khá phổ biến, có ...

bt coi chung be to va roi bo tay Lỗ hổng thất thoát nghìn tỷ từ dự án BT

Dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) đổi đất lấy hạ tầng những năm qua đã góp phần ...

T.S Huỳnh Thế Du Giảng viên chính sách công tại Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright