|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

BSC: Dự báo cán cân thương mại thặng dư 28,6 – 29,1 tỷ USD năm 2023

08:43 | 13/11/2023
Chia sẻ
Nhóm phân tích cũng đưa ra hai kịch bản tăng trưởng xuất nhập khẩu năm nay. Trong cả hai kịch bản, xuất, nhập khẩu đều được dự báo tăng trưởng âm.

Trong báo cáo phân tích vừa công bố, Chứng khoán BIDV (BSC) đưa ra hai kịch bản dự báo xuất nhập khẩu Việt Nam năm 2023.

Trong kịch bản 1, xuất khẩu giảm 10% và nhập khẩu giảm 4,42%. Kịch bản 2, xuất khẩu giảm 15% và nhập khẩu giảm 9,09%. Thặng dư cán cân thương mại ở mức 28,6 – 29,1 tỷ USD.

Trong năm 2024, dự báo xuất nhập khẩu Việt Nam lần lượt sẽ ở mức 5,5% và 11% ở kịch bản 1. Kịch bản 2, xuất khẩu tăng trưởng 7,5% và nhập khẩu tăng 15%. Thặng dư cán cân thương mại thu hẹp so với 2023, ở mức 18,7 – 24,6 tỷ USD.   

 

 

Dự báo trên được nhóm phân tích đưa ra dựa trên các cơ sở. Thứ nhất, xuất khẩu sang Mỹ sẽ hồi phục trở lại khi Fed bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ; hàng hồn kho tại Mỹ đang có xu hướng tăng trưởng chậm lại trong những tháng gần đây và Việt Nam đã nâng cấp mối quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ.

Tuy nhiên, Fed phát tín hiệu sẽ giữ lãi suất cao trong thời gian dài, là yếu tố cản trở đà hồi phục. Tại châu Âu, lạm phát vẫn ở mức cao, ECB cũng có quan điểm tương tự Fed là sẽ giữ lãi suất ở mức cao trong thời gian dài cho đến khi lạm phát về ngưỡng mục tiêu 2%. ECB dự báo đến năm 2025 lạm phát trung bình năm mới về ngưỡng 2.1%.

Ngoài ra, châu Âu cũng đang đối mặt với nguy cơ suy thoái kĩ thuật. Xuất khẩu sang châu Âu trong thời gian tới cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Tại Trung Quốc, cả ba trụ cột chính của nền kinh tế là tiêu dùng trong nước, bất động sản, xuất nhập khẩu đều đang yếu. Sang năm tới khi Fed chấm dứt chính sách tiền tệ thắt chặt, thúc đẩy các quốc gia khác nới lỏng chính sách tiền tệ theo, tạo điều kiện cho thương mại toàn cầu hồi phục trở lại. BSC dự báo khi đó thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc sẽ hồi phục theo đà hồi phục chung.

Ngoài ra, nhập khẩu hàng hóa đầu vào năm 2024 sẽ tăng trưởng mạnh hơn sau năm 2023 đình trệ, nhằm đáp ứng nhu cầu đầu ra hồi phục.  

Anh Đào