SSI: Kinh tế chưa có dấu hiệu phục hồi toàn diện
SSI Research vừa công bố báo cáo vĩ mô tháng, theo đó nhận định dữ liệu của tháng 10 đã cho thấy sự phục hồi nhẹ từ mức đáy nhưng mức quán tính này khó có thể tạo ra nhân tố bất ngờ cho nền kinh tế trong giai đoạn còn lại của năm.
Trên thực tế, Chính phủ hiện đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP trong năm 2023 xuống còn 5% và các biện pháp hỗ trợ sẽ tập trung hơn trong năm 2024. Tâm điểm chú ý trong tháng 11 là kỳ họp Quốc hội thứ 6, trong đó kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2024. kế hoạch ngân sách Nhà nước và các biện pháp hỗ trợ tăng trưởng sẽ được thảo luận và thông qua.
Phân tích chi tiết hơn, SSI cho hay ngành sản xuất và thương mại đã ghi nhận sự phục hồi nhẹ, tuy nhiên có sự phân hóa giữa các nhóm ngành cấp 2.
IIP tháng 10 có sự cải thiện (tăng 6,2% so với tháng 9 và 4,1% so với cùng kỳ) trong khi PMI có tháng thứ 2 liên tiếp dưới ngưỡng trung bình. Điểm tích cực là chỉ số sử dụng lao động hay chỉ số việc làm đều cải thiện so với tháng trước, trong đó lao động cho nhóm điện tử và thực phẩm đã ghi nhận tăng trưởng dương do với cùng kỳ.
Tính chung 10 tháng, IIP ngành chế biến chế tạo đã ghi nhận tăng trưởng dương (tăng 0,5% so với cùng kỳ). Trong các ngành cấp 2, nhóm tăng trưởng cao chủ yếu hưởng lợi từ mức nền thấp vào năm ngoái như cao su (tăng 9,5%), hóa chất (tăng 5,9%), đồ gỗ nội thất (tăng 3,9%), kim loại (tăng 2,9%). Nhóm điện tử (giảm 1,8%) hay dệt may (giảm 1,3%) đã thu hẹp tốc độ giảm so với tháng trước.
Xuất khẩu (tăng 5,9% so với cùng kỳ) trong tháng 10 ghi nhận sự bứt phá từ nhóm doanh nghiệp trong nước (tăng 15,1% so với cùng kỳ) trong khi doanh nghiệp FDI (giảm 7,8% so với cùng kỳ) vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam (88%).
Tăng trưởng nhập khẩu chậm hơn (tăng 5,2% so với cùng kỳ) và giúp thặng dư cán cân thương mại đạt 3 tỷ USD trong tháng 10 (tương đương 24,61 tỷ USD từ đầu năm đến nay).
Bên cạnh mức nền thấp của năm ngoái, động lực chính cho xuất khẩu trong tháng 10 đến từ nhóm điện tử, vi tính (tăng 17,1% so với cùng kỳ), máy móc thiết bị (tăng 16,7%) hay từ nhóm thực phẩm như rau quả (tăng 130%) và gạo (tăng 27%).
Tuy nhiên, tiêu dùng trong nước chậm lại. Doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ danh nghĩa tháng 10 chỉ tăng 7% so với cùng kỳ - thấp hơn mức trung bình trong 10 tháng đầu năm (9,4%). Tăng trưởng đang giảm dần theo tháng và số liệu về tiêu dùng vẫn thấp hơn so với xu hướng tăng trưởng thông thường trước COVID-19.
Tính chung 10 tháng, loại trừ yếu tố giá, doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ danh nghĩa chỉ tăng 7,7% - thấp hơn so với mức tăng cùng kỳ năm 2022 là 15,1%.
Số lượng khách quốc tế tới Việt Nam đang ở vùng bão hòa trong vòng 5 tháng qua và hiện mới đạt 70% so với thời điểm trước COVID. Sự thiếu hụt từ khách Trung Quốc là nguyên nhân chính (hiện mới đạt khoảng 30% thời điểm trước COVID) trong khi đó tháng 10 chưa phải là thời điểm cao điểm về du lịch quốc tế.
Nhóm phân tích cũng đề cập đến áp lực giải ngân vồn đầu tư công trong 3 tháng còn lại của năm tài khóa vẫn còn khá lớn khi khối lượng cần giải ngân vào khoảng 300.000 tỷ đồng.
Tính đến hết tháng 10, tỷ lệ giải ngân đầu tư công đạt 56,8% kế hoạch Thủ tướng giao và tăng 33% so với cùng kỳ. Xét theo tháng, đầu tư công tháng 10 chậm lại sau khi bật tăng mạnh vào tháng 9.