|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Brexit: êm ả hay đau đớn?

20:30 | 08/10/2016
Chia sẻ
Sau nhiều tháng bất định hậu Brexit, nữ Thủ tướng Anh Theresa May tuyên bố sẽ khởi động quá trình đàm phán rời Liên hiệp châu Âu (EU) trước tháng 3/2017.
 4314
Thủ tướng Anh Theresa May tuyên bố sẽ khởi động quá trình đàm phán rời Liên hiệp châu Âu (EU) trước tháng 3/2017. Ảnh Telegraph.co.uk

100 ngày sau khi người dân Anh Quốc bỏ phiếu ủng hộ Brexit (rời bỏ EU), Chính phủ Anh mới đề ra được một mốc thời gian cụ thể để bắt đầu tiến trình ra đi.

Trong phiên khai mạc đại hội đảng Bảo thủ ở Birmingham hôm 2-10, Thủ tướng Theresa May khẳng định: chậm nhất cuối tháng 3/2017, Anh Quốc sẽ kích hoạt điều 50 trong Hiệp ước Lisbon về việc từ bỏ tư cách thành viên EU.

Chấm dứt bất an

Đó là một cú thở ra nhẹ nhàng với nhiều phía, cả Anh lẫn châu Âu. Sau nhiều tháng phấp phỏng, thiếu phương hướng, việc Chính phủ Anh đưa ra mốc thời gian cụ thể để thực hiện Brexit ít nhất cũng sẽ xua đi phần nào tâm trạng bất an vốn tác động tiêu cực đến thị trường trong vài tháng qua.

Sau tháng 3/2017, các cuộc đàm phán giữa London và Brussels dự định kéo dài hai năm và bắt buộc phải kết thúc trước mùa xuân 2019, thời điểm diễn ra cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu, bởi khi đó rất khó hình dung một kịch bản trớ trêu là các cử tri Anh lại phải đi bầu các nghị sĩ châu Âu sau khi họ đã lựa chọn rời bỏ liên minh này.

Với cá nhân bà Theresa May, quyết định này được xem là một cú ghi điểm cá nhân. Cần nhắc lại rằng bà Theresa May là một người ủng hộ Brexit ngay từ đầu.

Tuy nhiên, với tư cách là một bộ trưởng trong nội các cũ của cựu Thủ tướng David Cameron, bà May đã tôn trọng kỷ luật nội các và tham gia chiến dịch phản đối Brexit của ông Cameron, dù luôn công khai quan điểm cá nhân là ủng hộ việc Anh Quốc “lấy lại quyền kiểm soát” từ EU.

Vì thế, việc bà Theresa May đưa ra tuyên bố hôm 2/10 là cách để xây dựng hình ảnh của một nữ lãnh đạo kiên định và quyết đoán.

Điều này thể hiện rõ trong các phát biểu mạnh mẽ đầy lạc quan của bà May, như tuyên bố rằng bà “mang một tầm nhìn đầy tham vọng cho Anh Quốc sau Brexit và có một kế hoạch đầy lạc quan để Anh Quốc đóng một vai trò mới trên thế giới”.

Trước mắt, cho đến tháng 1/2017, nữ Thủ tướng Anh hứa hẹn sẽ xây dựng một bộ luật lớn để bãi bỏ các luật của EU mà nước Anh đã tham gia.

Đây được xem như một động thái xoa dịu sự bất mãn của Nghị viện Westminster, nơi hầu như bị gạt sang một bên trong suốt diễn biến của Brexit vài tháng qua.

Tuy nhiên, việc hé mở các mốc thời gian cụ thể để thực hiện Brexit không xóa bỏ được tất cả hoài nghi vẫn đang tồn tại bởi trên thực tế, như phân tích của giới quan sát tại Anh và châu Âu, điều quan trọng là chính phủ của bà Theresa May vẫn chưa cho thấy bất cứ một hình dung cụ thể nào về việc Anh Quốc muốn xây dựng mối quan hệ mới như thế nào với EU.

Brexit: Êm ả hay đau đớn?

Có hai kịch bản đang được đề cập: hard-Brexit, ra đi đau đớn và soft-Brexit, ra đi êm ả. Bản thân nội các của nữ Thủ tướng Theresa May đang chia rẽ về các kịch bản này.

Những người ủng hộ hard-Brexit như Ngoại trưởng Boris Johnson cho rằng điều quan trọng nhất là vấn đề nhập cư và coi việc đóng cửa chính sách tự do đi lại giữa Anh Quốc với EU là ưu tiên hàng đầu.

Điều này đồng nghĩa với việc nước Anh sẽ gần như không được phép tiếp cận khối thị trường chung châu Âu. Những bộ trưởng đồng quan điểm với ông Johnson như David Davis, phụ trách Brexit hay Liam Fox, phụ trách thương mại quốc tế, cũng cho rằng ra khỏi liên minh thuế quan với EU là cơ hội để tuyệt vời để đàm phán các hiệp định tự do thương mại với các nước thuộc khối Thịnh vượng chung, dù quan điểm này bị đa số giới chủ doanh nghiệp ở London đánh giá là tự sát về mặt kinh tế.

Ở phía ngược lại, Bộ trưởng Tài chính Philip Hammond là người thận trọng nhất và ủng hộ soft-Brexit khi cho rằng nước Anh cần phải duy trì sự tiếp cận thị trường chung châu Âu, bất chấp cái giá phải đổi là duy trì tự do lưu thông, tức đồng nghĩa với các rủi ro về nhập cư.

Những người đã bỏ phiếu cho Brexit dĩ nhiên khó có thể ủng hộ điều này, nhất là xét đến chi tiết bản thân ông Hammond là người phản đối Brexit mạnh mẽ.

Và vì thế, việc trước mắt của London không đơn giản là đưa ra một cột mốc thời gian mà quan trọng hơn là tìm được phương án cụ thể để đàm phán với EU.

Từ Brussels, nơi các lãnh đạo châu Âu hết sức e dè danh tiếng đàm phán của các nhà thương thuyết Anh, các tín hiệu cứng rắn đã được phát đi: đồng ý cho Anh Quốc một khoảng thời gian để xác định chiến lược, nhưng dù ra đi đau đớn hay êm ả, tất cả phải kết thúc trong vòng hai năm, không hơn!

Quang Dũng