|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Brexit đe dọa bức tử ngành công nghiệp sản xuất ôtô tại Anh

07:03 | 02/08/2019
Chia sẻ
Ngành công nghiệp xe hơi của Anh đang phải đối mặt với thách thức lớn nhất kể từ thập niên 1970. Đó là cái chết từ từ vì Brexit.

Theo CNN, nửa đầu năm 2019, sản xuất ôtô tại Anh sụt giảm 20%, trong khi đầu tư vào ngành lao dốc tới 70%. Các nhà sản xuất ôtô chủ yếu chi tiền cho kế hoạch phòng ngừa tác động của Brexit thay vì đầu tư đổi mới công nghệ.

Nhu cầu ôtô sụt giảm trên toàn cầu dẫn đến việc các nhà máy xe hơi và 168.000 công nhân ở Anh bớt việc làm. Và việc Liên hiệp Anh tách khỏi Liên minh châu Âu (EU) cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản lượng của ngành ôtô và tiêu tốn hàng trăm triệu USD.

Những con số đáng quan ngại từ Hiệp hội Nhà sản xuất và Kinh doanh Ôtô Anh (SMMT) được công bố chỉ vài ngày sau khi CEO SMMT Mike Hawes cảnh báo tân Thủ tướng Boris Johnson: "Rời khỏi EU mà không có thỏa thuận nào vào ngày 31/10 sẽ giết chết nền công nghiệp ôtô Anh".

Đe dọa sản xuất ôtô

Trong lá thư gửi đến Thủ tướng Johnson, ông Mike Hawes viết: "Chúng tôi kết nối rất chặt chẽ với châu Âu, và Brexit xảy ra mà không thỏa thuận nào về ngành công nghiệp xe hơi sẽ dẫn đến việc ôtô Anh bị đánh thuế nặng. Sự gián đoạn này sẽ đe dọa sản xuất".

Theo SMMT, các nhà sản xuất ôtô đã chi 365 triệu USD để giảm thiểu rủi ro từ Brexit. Con số này cao gấp ba lần số tiền đầu tư họ bỏ ra trong 6 tháng đầu năm. Trong những năm gần đây, tổng tiền đầu tư đạt khoảng 3,3 tỷ USD.

Brexit đe dọa bức tử ngành công nghiệp sản xuất ôtô tại Anh - Ảnh 1.

Trong một nhà máy sản xuất ôtô ở Anh. Ảnh: FT.

CNN dẫn tuyên bố của ông Hawes hôm 31/7: "Số liệu cho thấy sự bất ổn toàn cầu cùng với nỗi sợ về một Brexit mà không có thỏa thuận nào. Nỗi lo sợ này khiến đầu tư bị trì trệ vì hàng trăm triệu bảng Anh phải chuyển hướng. Số tiền đó đáng lẽ sẽ được sử dụng để giải quyết các thách thức về công nghệ và môi trường".

Sản xuất xe hơi tại Anh cũng sụt giảm trong 13 tháng liên tiếp do tình trạng các hãng đóng cửa tạm thời nhiều nhà máy và nhu cầu tại các thị trường trọng điểm sụt giảm.

Nhưng hậu quả đó không là gì so với viễn cảnh Thủ tướng Johnson đưa Anh rời EU mà không có thỏa thuận nào. Bởi điều đó đồng nghĩa với việc Anh chấm dứt thương mại miễn thuế với thị trường tiếp nhận 57% tổng xuất khẩu xe hơi của Anh. Nó sẽ bóp nghẹn chuỗi cung ứng, làm ngưng trệ sản xuất và rút cạn lợi nhuận vốn đã không nhiều.

SMMT chỉ ra thuế sẽ khiến ngành công nghiệp ôtô Anh thiệt hại 4,5 tỷ bảng Anh (5,5 tỷ USD) mỗi năm. Ước tính ngành công nghiệp sản xuất ôtô sẽ mất 63.300 USD mỗi phút.

Nhật Bản giải cứu

Ngành công nghiệp ôtô Anh từng đối mặt với khó khăn lớn, sau đó được hồi sinh nhờ đường lối ngoại giao khôn ngoan của chính phủ Anh. Họ thuyết phục các nhà sản xuất Nhật Bản bán ôtô vào thị trường EU thông qua Anh.

Các thương hiệu Anh phải vật lộn để cạnh tranh với đối thủ nước ngoài suốt thập niên 1970. Khi đó, ngành công nghiệp xe hơi Anh sản xuất ra ôtô có chất lượng gây tranh cãi, và mắc kẹt trong những cuộc chiến kéo dài giữa doanh nghiệp và người lao động.

Brexit đe dọa bức tử ngành công nghiệp sản xuất ôtô tại Anh - Ảnh 2.

Ngành công nghiệp xe hơi Anh từng đối mặt với nhiều khó khăn. Ảnh: FT.

Khó khăn vẫn chưa chấm dứt ngay cả khi ngành công nghiệp được quốc hữu hóa một phần vào năm 1975 dưới thời British Leylend, một công ty được duy trì hoạt động nhờ hàng tỷ bảng Anh tiền ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, năng suất và chất lượng sản xuất bắt đầu cải thiện nhờ sự xuất hiện của Nissan, công ty sản xuất ôtô Nhật Bản đầu tiên có nhà máy ở Anh. Thủ tướng Anh Margaret Thatcher là người biến Anh trở thành cửa ngõ đưa Nissan vào thị trường châu Âu.

Honda và Toyata sau đó cũng mở các nhà máy tại quốc gia này.

Ngành công nghiệp ôtô hiện là một trong những ngành sản xuất hiệu quả nhất ở Anh, chiếm 14% tổng kim ngạch xuất khẩu. Mức lương của người lao động trong ngành công nghiệp này cũng cao hơn 40% so với mức lương trung bình tại Anh.

Bắt đầu cắt giảm

Rời khỏi châu Âu sẽ phá hủy hoàn toàn những thành công đó. Các nhà sản xuất ôtô Anh đã mất 3 năm chờ đợi trong lo lắng về tương lai kinh doanh với châu Âu. Nhưng nhiều hãng xe giờ đây phải chuyển sang hướng đi khác khi nhu cầu xe điện và xe tự lái tăng lên.

Ngoài ra, cạnh tranh trong ngành vẫn sẽ tiếp tục gay gắn. Mới đây, Nhật Bản đã ký thỏa thuận thương mại tự do với EU nhằm giảm bớt các rào cản xuất khẩu xe hơi của nước này.

Honda đang lên kế hoạch đóng cửa một nhà máy thuê 3.500 công nhân ở Anh. Nissan cũng hủy kế hoạch sản xuất mẫu X-Trail SUV mới của hãng tại Sunderland (Anh) và đổ lỗi cho Brexit.

Brexit đe dọa bức tử ngành công nghiệp sản xuất ôtô tại Anh - Ảnh 3.

Xe Nissan tại nhà máy sản xuất ở Sunderland (Anh). Ảnh: CNN.

Nhà sản xuất ôtô Pháp PSA cảnh báo về khả năng ngừng sản xuất Vauxhall và Opel Astra tại Anh nếu điều khoản thương mại sau Brexit không có lợi cho PSA. "Quyết định cuối cùng sẽ là chìa khóa", phát ngôn viên của hãng cho biết.

Ford cũng tuyên bố hồi tháng 6 sẽ đóng cửa nhà máy động cơ ở Wales (Anh) vào năm 2020. Khẳng định quyết định không liên quan đến Brexit nhưng trước đó, công ty đã cảnh báo về hậu quả của vấn đề này.

Jaguar Land Rover, thuộc sở hữu của Tata Motors ở Ấn Độ, cho biết đang lên kế hoạch sản xuất loạt xe điện mới ở Anh. Nhưng điều đó không đủ để cứu ngành công nghiệp sản xuất ôtô của nước này.

"Chúng tôi cần thỏa thuận với EU để đảm bảo thương mại tự do miễn thuế. Brexit không có thỏa thuận không là sự lựa chọn", CEO của SMMT viết trong thư gửi thủ tướng Anh.

Phương Thảo