|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

'Bơm' tiền cho VAMC

22:31 | 20/08/2017
Chia sẻ
Kể từ ngày 15-8-2017, khi nghị quyết về xử lý nợ xấu chính thức có hiệu lực, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) có nhiều quyền hạn hơn và nhờ đó hoạt động linh hoạt hơn. Tuy nhiên vấn đề của VAMC không chỉ nằm ở cơ chế, chính sách được phép áp dụng, mà còn ở đồng vốn, hay nói cách khác là tiềm lực tài chính.
bom tien cho vamc
Năm ngoái VAMC được tăng vốn bốn lần, từ 500 tỉ đồng lên 2.000 tỉ đồng.

Năm ngoái VAMC được tăng vốn bốn lần, từ 500 tỉ đồng lên 2.000 tỉ đồng. Theo Đề án tái cơ cấu các tổ chức tín dụng giai đoạn II, đến năm 2020, VAMC sẽ được tăng vốn lên 10.000 tỉ đồng. Từ nay đến năm 2020 là một khoảng thời gian dài và đến khi đó mới có tiềm lực tài chính ở mức ấy, VAMC vẫn sẽ bị hạn chế những ưu thế sẵn có đồng thời có thể phải đứng nhìn cơ hội xử lý nợ xấu vuột qua tầm tay.

Cơ hội đó là gì? Trước hết là sự ấm lên ở các mức độ khác nhau tùy vào phân khúc của thị trường bất động sản. So với năm năm trước (năm 2012) cơ hội phát mãi các tài sản đảm bảo là nhà, đất của ngân hàng thương mại để thu hồi nợ đang rộng mở hơn hẳn. Những tài sản mấy năm trước “bất động”, giờ đã có khả năng chuyển nhượng được, còn chuyển nhượng ở giá nào lại là câu chuyện khác. Những tài sản trước nếu bán, không đủ cấn trừ nợ, nay không những bán được, mà còn có thể bán ở mức giá đủ để thu hồi nợ gốc và lãi.

Thứ hai, VAMC đang là cái kho khổng lồ, chứa đựng trong nó khoảng 280.000 tỉ đồng nợ xấu đã mua (đã xử lý được khoảng 50.000 tỉ đồng dưới nhiều hình thức khác nhau). Nợ thì VAMC “ôm”, nhưng tài sản đảm bảo cho nợ vẫn nằm ở các ngân hàng và các tổ chức tín dụng vẫn tiếp tục xử lý tài sản này. Một khi xử lý được tài sản, họ sẽ mua lại chính khoản nợ đã bán cho VAMC.

Có cơ chế, chính sách, có vốn, VAMC còn phải gỡ một nút thắt khác cho chính mình: đó là nguồn nhân lực.

Xử lý khối tài sản trên mới là gốc rễ xử lý triệt để nợ xấu. Với số vốn 2.000 tỉ đồng, VAMC sẽ chẳng thể làm gì để tham gia xử lý khối tài sản đảm bảo cả. Có chăng là “buôn nước bọt”, ở vị trí trung gian, kết nối người bán và người mua. Như thế cũng cần ít nhiều vốn mồi, mà 2.000 tỉ đồng có lẽ làm vốn mồi cũng không dễ.

Nhìn sang một góc khác trên thị trường tiền tệ, chúng ta thấy gì? Điều rõ nhất là việc phát hành trái phiếu chính phủ của Bộ Tài chính đang vô cùng thuận lợi, thuận lợi đến nỗi trái phiếu kỳ hạn 30 năm cũng bán được, còn lợi tức trái phiếu kỳ hạn 5 năm đã rơi xuống 4,6%/năm, thấp kỷ lục trong lịch sử ngành tài chính. Thế nhưng tiền bán trái phiếu chỉ giải quyết được hai việc: tái cơ cấu kỳ hạn các loại trái phiếu (từ các kỳ hạn ngắn chuyển sang các kỳ hạn dài, tức áp lực trả nợ được đẩy về tương lai) và dùng một phần để trả nợ. Việc cơ bản là giải ngân trái phiếu cho xây dựng cơ bản, đầu tư phát triển, tạo ra GDP thì đang chậm chạp, bị nghẽn. Bằng chứng là Kho bạc Nhà nước đang gửi tới 143.000 tỉ đồng ở các ngân hàng thương mại.

Trong khi đó, Chính phủ vừa “phát lệnh” tăng cường tín dụng và nâng hạn mức tín dụng từ 18% lên 20% trong năm nay. Muốn đạt chỉ tiêu này, tín dụng phải tăng trưởng bình quân 2%/tháng từ nay đến hết năm, tức khoảng 110.000 tỉ đồng sẽ được ngân hàng đưa ra mỗi tháng. Liệu nền kinh tế có hấp thụ được hết số tiền này một cách hiệu quả?

VAMC, theo nghị quyết về nợ xấu, được mua bán nợ theo giá thị trường. Không chỉ ở vai trò tổ chức, kết nối thực hiện, VAMC nên chăng kiêm nhiệm cả vai trò là người mua bán cuối cùng đối với tài sản thế chấp. Tất nhiên khi mua một tài sản đảm bảo, VAMC phải tính toán thời gian nắm giữ và đưa điều này vào cấu thành giá mua.

Muốn thế VAMC phải có vốn. Ngân sách không cần cấp vốn cho công ty. VAMC có thể phát hành trái phiếu doanh nghiệp, mọi đối tượng đều có thể mua trái phiếu doanh nghiệp của công ty, kể cả Kho bạc Nhà nước. Đây là loại trái phiếu có kỳ hạn và khi VAMC sử dụng tiền có được từ phát hành trái phiếu để mua bán tài sản đảm bảo, công ty bắt buộc phải tính toán thời điểm trả gốc và lãi trái phiếu cho phù hợp. Giả sử đợt đầu tiên VAMC phát hành 30.000 tỉ đồng trái phiếu kỳ hạn 1-3 năm, thì công ty đã có kế hoạch mua bán những loại tài sản đảm bảo nào, nguồn gốc từ đâu, giải quyết nợ xấu cho những địa chỉ nào...

Có cơ chế, chính sách, có vốn, VAMC còn phải gỡ một nút thắt khác cho chính mình: đó là nguồn nhân lực.

Mua bán tài sản đảm bảo của tổ chức tín dụng mà phần lớn là bất động sản, đòi hỏi phải có đội ngũ nhân lực không chỉ thạo nghiệp vụ ngân hàng, mà phải cả kinh nghiệm kinh doanh bất động sản và đội ngũ chuyên viên phân tích, định giá, thẩm định giá. VAMC có thể mời các doanh nhân bất động sản, chuyên gia kinh tế, thậm chí cả Việt kiều gia nhập công ty ở vị trí tư vấn, cố vấn cấp cao, trưởng các bộ phận, các phó tổng giám đốc, giám đốc điều hành... Hiện tại nhân viên và lãnh đạo của VAMC chủ yếu được tuyển chọn từ các ngân hàng thương mại và Ngân hàng Nhà nước. Không phủ nhận nhiều người trong số họ đã từng kinh qua xử lý nợ xấu, quản trị rủi ro ở các tổ chức tín dụng. Nhưng điểm cần lưu ý là xử lý nợ và quản trị rủi ro trong phạm vi một ngân hàng khác với phạm vi của một hệ thống và liên quan tới nhiều lĩnh vực ngành nghề khác nữa.

VAMC xét cho cùng không tồn tại lâu dài như một doanh nghiệp với mục tiêu kinh doanh có lợi nhuận. VAMC là một tổ chức sinh ra để xử lý nợ và hoạt động của nó có thể thu hẹp hoặc chấm dứt khi nợ xấu đã xử lý xong, tỷ lệ nợ xấu trở về trong tầm kiểm soát. Với sứ mệnh như vậy VAMC chỉ có thể hoàn thành nhiệm vụ một khi nó tập hợp được sức mạnh tổng hợp của cơ chế, nguồn lực tài chính và nguồn lực con người.

bom tien cho vamc Sửa đổi quy định về việc mua, bán và xử lý nợ xấu của VAMC

Ngày 14/8, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) ký ban hành Thông tư số 09/2017/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều ...

bom tien cho vamc VAMC đang quá sức

Dù đóng góp tích cực cho quá trình xử lý nợ xấu, tái cơ cấu ngành ngân hàng, tuy nhiên, Công ty Quản lý tài ...

bom tien cho vamc VIB sẽ xử lý hơn 2.600 tỷ đồng nợ xấu tại VAMC trong bao lâu?

Theo ước tính của Chứng khoản Bảo Việt, VIB sẽ giải quyết hết 60% nợ xấu còn lại đã bán cho VAMC, tương đương 2.622 tỷ ...

Hải Lý

NHNN: Thông tin về thay đổi cơ chế điều hành tỷ giá là không chính xác
Đại diện NHNN cho rằng cơ chế điều hành tỷ giá trung tâm và biên độ +/-5% hiện nay đã đủ dư địa để tỷ giá diễn biến linh hoạt. Một số thông tin gần đây về thay đổi điều hành tỷ giá là không chính xác và không phù hợp với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, tạo tâm lý bất ổn trên thị trường.