|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

'Bom nổ chậm' của các ngân hàng

23:23 | 08/11/2024
Chia sẻ
Từ rủi ro tài chính trực tiếp, đến tổn hại về danh tiếng và nguy cơ pháp lý, công nghiệp nhiên liệu hóa thạch đang trở thành "bom nổ chậm" đối với các ngân hàng.

 

Một nhà máy nhiệt điện than ở bang Wyoming, Mỹ. (Ảnh: Shutterstock).

Biến đổi khí hậu đang đặt các ngân hàng vào tình thế vô cùng khó khăn. Việc tiếp tục đầu tư vào dự án nhiên liệu hóa thạch khiến các ngân hàng gắn chặt số phận với một ngành công nghiệp đang dần trở nên lỗi thời.

Từ rủi ro tài chính trực tiếp, đến tổn hại về danh tiếng và nguy cơ pháp lý, công nghiệp nhiên liệu hóa thạch đang trở thành "bom nổ chậm" đối với các ngân hàng.

Các báo cáo cho thấy các ngân hàng lớn trên thế giới vẫn đang nắm giữ một lượng lớn tài sản liên quan đến nhiên liệu hóa thạch, bất chấp những cảnh báo về rủi ro giảm giá trị tài sản trong tương lai.

Trong báo cáo tháng 10/2022, Finance Watch ước tính 60 ngân hàng lớn nhất thế giới nắm giữ khoảng 1.350 tỷ USD tài sản nhiên liệu hóa thạch. Con số này không thay đổi lớn kể từ thời điểm đó.

Năm ngoái, công ty tư vấn Bain & Company của Mỹ đã cảnh báo rằng cháy rừng, hạn hán và các rủi ro khí hậu khác đã đe dọa từ 10 đến 15% giá trị danh mục đầu tư bất động sản của 50 ngân hàng hàng đầu thế giới.

Các chuyên gia cảnh báo rằng khi thế giới chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, các tài sản liên quan đến nhiên liệu hóa thạch sẽ mất giá trị đáng kể. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến lợi nhuận của ngân hàng, mà còn đặt ra nguy cơ tín dụng đối với các công ty nhiên liệu hóa thạch.

Trong khi đó, các tổ chức phi chính phủ và dư luận ngày càng quan tâm đến vai trò của các ngân hàng trong việc gây ra biến đổi khí hậu. Các chiến dịch pháp lý và gây áp lực đối với các ngân hàng đang trở nên phổ biến hơn, làm tổn hại đến hình ảnh của các doanh nghiệp tài chính.

Ngày càng nhiều ngân hàng phải đối mặt với nguy cơ bị kiện vì tài trợ cho các dự án gây ô nhiễm môi trường. Vào tháng 1, chi nhánh Hà Lan của tổ chức Friends of the Earth đã khởi kiện ING - ngân hàng hàng đầu của Hà Lan - vì tài trợ cho các công ty gây ô nhiễm cao.

Sau đó, vào tháng 2, Friends of the Earth, Oxfam France và một tổ chức phi chính phủ khác đã đệ đơn kiện BNP Paribas với cáo buộc ngân hàng này góp phần gây ra biến đổi khí hậu thông qua việc tài trợ cho các công ty nhiên liệu hóa thạch.

Valerie Demeure, người đứng đầu nhóm nghiên cứu về các vấn đề môi trường, xã hội và quản trị (ESG) tại Ofi Invest Asset Management, nhận định đây "chắc chắn là khởi đầu cho một loạt vụ kiện".

Hiện một số quốc gia đã ban hành các quy định yêu cầu doanh nghiệp phải có trách nhiệm hơn đối với môi trường. Tại Pháp, kể từ năm 2017, các doanh nghiệp lớn của nước này buộc phải thực hiện các biện pháp hiệu quả trong chuỗi cung ứng nhằm giảm thiểu tác động đến môi trường.

Lan Phương