BoJ: Thu hẹp chính sách nới lỏng tiền tệ là không phù hợp
Trong một bài phát biểu trực tuyến, ông Kuroda cho biết lạm phát đang tăng lên và hướng tới mục tiêu 2% của BoJ chủ yếu do giá năng lượng và hàng hóa cao hơn, nhưng tính bền vững của con số này vẫn là một nghi vấn. Bên cạnh đó, liệu đà tăng giá có diễn ra trên diện rộng hay không cũng là điều quan trọng.
Theo Thống đốc Kuroda, Nhật Bản có thể chứng kiến lạm phát cao hơn mục tiêu một cách ổn định và bền vững và tốc độ tăng lương cần được đẩy nhanh để hỗ trợ nhu cầu trong nước.
Phát biểu trên đã củng cố quan điểm cho rằng BoJ sẽ vẫn là một ngoại lệ vào thời điểm mà các ngân hàng trung ương tại Mỹ và châu Âu chuyển sang hướng bình thường hóa chính sách tiền tệ để chống lạm phát. Triển vọng về các đường lối chính sách khác nhau đã làm suy yếu đồng yen.
Trước những chỉ trích cho rằng BoJ là “công ty con” của chính phủ khi tiếp tục mua vào một lượng lớn trái phiếu chính phủ, ông Kuruda đã khẳng định về sự độc lập của ngân hàng này trong việc thực hiện chính sách tiền tệ.
Ông Kuroda nhấn mạnh kinh tế Nhật Bản vẫn đang trên đà phục hồi sau những ảnh hưởng nặng nề do dịch COVID-19 gây ra, trong khi tỷ lệ lạm phát dự kiến sẽ tăng lên khoảng 2% trong ngắn hạn. Do đó, việc thu hẹp chính sách nới lỏng tiền tệ hiện tại là không phù hợp.
Trước một phiên họp Quốc hội, ông Kuroda cho rằng lạm phát sẽ khó vượt trên 2% một cách ổn định trong nhiệm kỳ ông.
Chỉ số giá tiêu dùng của Nhật Bản, không bao gồm các mặt hàng thực phẩm tươi sống, đã tăng 0,8% trong tháng Ba. Tại cuộc họp chính sách vào tháng Tư, BoJ đã không có thay đổi nào đối với chính sách lãi suất siêu thấp.
Chính sách của BoJ đã chịu giám sát chặt chẽ hơn sau khi đồng yen giảm xuống mức thấp nhất trong 20 năm so với đồng USD. Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã chia sẻ quan điểm rằng một chính sách tiền tệ táo bạo là cần thiết. Đại dịch COVID-19 và những bất ổn gia tăng trong cuộc khủng hoảng tại Ukraine (U-crai-na) đã cho BoJ lý do để giữ vững chính sách hỗ trợ nền kinh tế.
Ông Kuroda từng cảnh báo giá hàng hóa cao hơn có thể gây tổn hại cho nền kinh tế nghèo tài nguyên của Nhật Bản và lạm phát tăng nhanh ở các quốc gia tiên tiến khác có thể gây ra bất ổn tài chính, bao gồm cả thị trường ngoại hối nếu các ngân hàng trung ương của họ tăng tốc độ thu hẹp chương trình kích thích tiền tệ.