BoJ nhiều khả năng duy trì chính sách tiền tệ siêu lỏng bất chấp lạm phát
Đây sẽ là cuộc họp đầu tiên trong số ba cuộc họp còn lại trong nhiệm kỳ của Thống đốc BoJ Haruhiko Kuroda.
Cuộc họp trên diễn ra sau khi các nguồn tin Chính phủ Nhật Bản cho biết chính quyền của Thủ tướng Fumio Kishida đang lên kế hoạch sửa đổi thỏa thuận đã tồn tại một thập kỷ với BoJ.
Theo tuyên bố chung năm 2013, BoJ cam kết đạt mục tiêu lạm phát ở mức 2% vào thời điểm sớm nhất có thể. Tuy nhiên, kế hoạch sửa đổi dự kiến sẽ làm cho mục tiêu này trở nên linh hoạt hơn nhưng vẫn giữ nguyên mục tiêu.
Thống đốc Kuroda cho rằng chính sách lãi suất siêu thấp của BoJ là cần thiết để hỗ trợ sự phục hồi kinh tế vẫn còn mong manh, khi giá cả hàng hóa ngày càng tăng tạo thêm áp lực giảm giá. Ông cho rằng tăng tiền lương cao hơn là điều kiện tiên quyết để Nhật Bản đạt được mức lạm phát mục tiêu 2% một cách bền vững. Do đó, việc tăng lãi suất trong tương lai gần không phải là một lựa chọn.
Dựa trên các nhận định của Thống đốc Kurroda, BoJ dự kiến sẽ duy trì lãi suất ngắn hạn ở mức âm 0,1% trong khi điều hướng trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm ở mức khoảng 0%.
BoJ đang đối mặt với áp lực ngày càng lớn từ các hộ gia đình Nhật Bản vốn đang phải chật vật để đảm bảo chi phí sinh hoạt do giá cả tăng cao, trong đó một phần là do BoJ cam kết duy trì lãi suất siêu thấp làm suy yếu đồng yen và tăng chi phí nhập khẩu.
Tuần trước, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã thông báo tăng lãi suất ở mức 0,5 điểm phần trăm, chấm dứt chuỗi bốn lần tăng liên tiếp ở mức 0,75 điểm phần trăm trước đó. Nhưng Fed nhấn mạnh ngân hàng trung ương này có thể sẽ tiến hành nhiều đợt tăng lãi suất nữa dù nền kinh tế lớn nhất thế giới có nguy cơ rơi vào suy thoái.
Điều này có thể khiến khoảng cách lãi suất giữa Nhật Bản và Mỹ ngày càng nới rộng, dẫn đến đồng yen mất giá mạnh. Hiện tỷ giá giữa đồng yen và đồng USD ở mức 140 yen/USD, vẫn thấp hơn mức 130,75 yen/USD mà các công ty Nhật Bản ước định cho năm tài chính tính đến tháng 3/2023.
Các nhà kinh tế dự báo nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới có thể phục hồi trong quý tính đến tháng 12/2022 sau sự suy giảm bất ngờ trong quý III. Song xu hướng tăng mạnh lãi suất ở nhiều nước cùng đà tăng trưởng chững lại của nền kinh tế Trung Quốc, đối tác thương mại lớn của Nhật Bản, đang làm lu mờ triển vọng này.