|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Bội chi ngân sách hơn 260.000 tỷ năm 2015

20:24 | 19/06/2017
Chia sẻ
Bội chi ngân sách nhà nước năm 2015 hơn 260.000 tỷ đồng, bằng 6,28% GDP, không bao gồm kết dư ngân sách địa phương.

Chiều nay, với 454/461 ĐB tham gia biểu quyết tán thành, QH đã chính thức thông qua nghị quyết về quyết toán NSNN năm 2015 với bội chi ở mức 6,28% GDP.

Cụ thể, QH đồng ý quyết toán tổng số thu cân đối NSNN là 1,29 triệu tỷ đồng, gồm cả số thu chuyển nguồn năm 2014 chuyển sang 2015, thu kết dư ngân sách địa phương năm 2014, thu huy động đầu tư của ngân sách...

Tổng số chi cân đối NSNN trên 1,5 triệu tỷ đồng, gồm cả số chi chuyển nguồn từ năm 2015 sang năm 2016.

boi chi ngan sach hon 260000 ty nam 2015
Chủ nhiệm UB Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải. Ảnh: VPQH

Như vậy, bội chi là 263.135 tỷ đồng, bằng 6,28% GDP, vượt 7.135 tỷ đồng so với mức QH thông qua.

Để bù đắp bội chi, vay trong nước gần 196.000 đồng và vay ngoài nước hơn 67.000 tỷ.

Theo UB Thường vụ QH, về cơ cấu thu NSNN, mặc dù tỷ lệ thu nội địa đã tăng, song chỉ chiếm 66,5% tổng thu NSNN, cơ cấu thu năm 2015 chưa thật sự bền vững khi thu từ hoạt động xuất nhập khẩu, đất đai, dầu thô vẫn chiếm tỷ trọng lớn.

Kiểm điểm các cá nhân, tổ chức vi phạm

Ngoài biểu quyết thông qua mức bội chi năm 2015, nghị quyết của QH cũng giao Chính phủ kiểm điểm trách nhiệm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật trong việc quản lý, điều hành NSNN.

Thay mặt UB Thường vụ QH trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu nghị quyết ngân sách 2015, ông Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm UB Tài chính - Ngân sách cho biết, tại quyết toán ngân sách năm 2014, Chính phủ cũng chưa báo cáo rõ về kết quả xử lý với các tổ chức, cá nhân vi phạm trong quản lý, điều hành ngân sách.

Do đó, UB Thường vụ QH đề nghị Chính phủ sớm tổng hợp để báo cáo cụ thể với QH tại kỳ họp thứ 5 vào tháng 5/2018 về danh sách, mức độ xử lý sai phạm đối với từng tổ chức, cá nhân sai phạm trong quản lý, điều hành ngân sách 2 năm 2014-2015.

Giải trình lo ngại của ĐBQH về bội chi tăng, ảnh hưởng nợ công, UB Thường vụ QH cũng đề nghị Chính phủ cần có giải pháp tính toán GDP sát thực tế và trong điều hành cần bám sát dự toán, tăng thu, tiết kiệm chi, ưu tiên giảm bội chi, bảo đảm mức bội chi trong phạm vi đã được QH quyết định, để không vượt trần nợ công, nhằm đảm bảo an ninh tài chính quốc gia.

Quyết toán chậm do chờ duyệt

Trước ý kiến ĐBQH về việc quyết toán NSNN quá chậm (năm 2017 mới quyết toán NSNN năm 2015), UB Thường vụ QH giải trình: Việc này được thực hiện theo đúng luật NSNN.

Quyết toán NSNN trình QH phê chuẩn được tổng hợp từ quyết toán ngân sách các địa phương được HĐND phê chuẩn và ngân sách các bộ, cơ quan trung ương được các bộ, cơ quan trung ương duyệt.

Để HĐND 3 cấp phê chuẩn xong quyết toán cần 12 tháng sau khi kết thúc năm ngân sách, do HĐND chỉ họp 2 kỳ/năm và QH phê chuẩn quyết toán NSNN chậm nhất là 18 tháng sau khi năm ngân sách kết thúc.

Do đó, khi sửa luật NSNN 2002, vấn đề này đã được bàn thảo kỹ lưỡng nhưng xét thấy việc rút ngắn thời gian quyết toán là không khả thi nên luật NSNN năm 2015 vẫn quy định QH xem xét phê chuẩn quyết toán NSNN chậm nhất là 18 tháng sau khi kết thúc năm ngân sách.

Thúy Hạnh