|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Sớm nghiên cứu đầu tư tuyến cao tốc qua Đắk Nông

21:57 | 20/12/2019
Chia sẻ
UBND tỉnh Đắk Nông kiến nghị với Bộ GTVT nhiều vấn đề để phát triển hạ tầng giao thông, trong đó có đề nghị xây dựng cao tốc dài 110 km.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Sớm nghiên cứu đầu tư tuyến cao tốc qua Đắk Nông - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể phát biểu tại cuộc làm việc

Kiến nghị gỡ nút thắt giao thông

Chiều 20/12, tại trụ sở UBND tỉnh Đắk Nông, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể có buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh về công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực GTVT.

Báo cáo với Bộ trưởng tại buổi làm việc, ông Võ Văn Hùm, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Đắk Nông cho biết: Hiện nay tỉnh Đắk Nông chỉ có duy nhất một phương thức vận tải đường bộ; đường sắt, đường hàng không chưa được đầu tư xây dựng; đường sông do khó khăn về địa hình nên khai thác không đáng kể.

Toàn tỉnh có 4.683km đường bộ, trong đó có 2.974km đường nhựa và bê tông xi măng, còn lại 1.709km đường đất, đường cấp phối. 

Tỉnh có 3 tuyến quốc lộ (đường Hồ Chí Minh, QL14C, QL28) với chiều dài 497km, tỷ lệ nhựa hóa chiếm 96%; đường tỉnh có 6 tuyến với tổng chiều dài 227km tỷ lệ nhựa hóa 100%; đường huyện dài 650km, tỷ lệ nhựa hóa 72%, đường xã, thôn, buôn dài 1.487km, tỷ lệ nhựa hóa, cứng hóa 50%; đường đô thị 297km.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Sớm nghiên cứu đầu tư tuyến cao tốc qua Đắk Nông - Ảnh 2.

Ông Võ Văn Hùm, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Đắk Nông báo cáo với đoàn công tác của Bộ GTVT về tình hình đầu tư, xây dựng hạ tầng giao thông của địa phương.

Trong 5 năm (từ 2016 đến 2020), tổng vốn đầu tư cho công tác xây dựng phát triển GTVT trên địa bàn toàn tỉnh khoảng 1.800 tỷ đồng (bằng khoảng 35% so với giai động 2011-2015). 

Từ năm 2016 đến nay, đầu tư xây dựng mới và nâng cấp được 480km đường, nâng tỷ lệ đường nhựa hóa toàn tỉnh từ 53% lên 63,5%. Trong đó, nâng tỷ lệ nhựa hóa đường huyện từ 80% lên 96%. 

Đầu tư xây dựng hoàn thành 46/59 cầu dân sinh thuộc dự án đầu tư xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương LRAMP do Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam thực hiện.

Mặc dù cơ sở hạ tầng đường bộ được quan tâm đầu tư, chỉ tiêu nhựa hóa hoàn thành theo kế hoạch, song việc đầu tư chưa đồng bộ, một số dự án nâng cấp cải tạo các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ chưa được triển khai đầu tư theo kế hoạch đề ra; quy mô, kết cấu, tải trọng đường còn hạn chế. 

Nhiều tuyến đường đầu tư xong thiếu kinh phí bảo trì, dẫn đến sau thời gian khai thác mau xuống cấp, hư hỏng nhanh.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Sớm nghiên cứu đầu tư tuyến cao tốc qua Đắk Nông - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Bốn, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông kiến nghị với Bộ trưởng Bộ GTVT nghiên cứu, sớm xây dựng đường cao tốc dài 110km kết nối Đắk Nông với TP.HCM.

Phát biểu tại cuộc làm việc, ông Nguyễn Bốn, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông đề nghị Bộ trưởng GTVT quan tâm, tạo điều kiện giúp tỉnh gỡ nút thắt về vấn đề hạ tầng giao thông, nhằm kết nối Đắk Nông với các vùng miền.

“Tôi mong muốn Bộ trưởng xem xét cho xây dựng đường cao tốc dài 110km kết nối Đắk Nông về TP.HCM để phá thế độc đạo về giao thông của Tây Nguyên, tạo bước đột phá trong việc phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh quốc phòng, nhất là phục vụ sản xuất khai thác vận chuyển bô-xít. 

Đề nghị Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương sớm triển khai xây dựng đường cao tốc qua Tây Nguyên, trong đó ưu tiên triển khai trước đoạn tuyến từ TP.HCM- Đắk Nông- Đắk Lắk. 

Ngoài ra, tỉnh kiến nghị Bộ cho đầu tư, cải tạo nâng cấp QL28 đoạn qua địa bàn tỉnh. Tuyến có chiều dài 176km, là tuyến đường huyết mạch nối các huyện, thị xã Gia Nghĩa với đường Hồ Chí Minh, kết nối với hai tỉnh Đắk Lắk, Lâm Đồng và các tỉnh Duyên hải Miền trung. 

Nhưng hiện tuyến đường có quy mô cấp IV miền núi, nền đường rộng 7,5m, đầu tư đã lâu nên xuống cấp", ông Bốn kiến nghị.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Sớm nghiên cứu đầu tư tuyến cao tốc qua Đắk Nông - Ảnh 4.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể kết luận tại buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Nông.

Nghiên cứu, sớm xây dựng cao tốc

Sau khi lắng nghe ý kiến của thành viên đoàn công tác cũng như kiến nghị của địa phương, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, Bộ GTVT rất chia sẻ với những khó khăn của địa phương khi Đắk Nông chỉ có duy nhất đường Hồ Chí Minh, không có đường sắt, đường hàng không, thủy nội địa, giao thông kết nối Đông, Tây còn rất hạn chế, chưa có đường kết nối trực tiếp, ngắn nhất từ thị xã Gia Nghĩa đến các cảng biển khiến điều kiện phát triển của địa phương hết sức khó khăn. 

Vì vậy, Đắk Nông rất cần thiết có sự hỗ trợ của Trung ương.

Đối với 2 kiến nghị cấp thiết của địa phương về xây dựng đường cao tốc và nâng cấp QL28, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể Tôi cho biết thống nhất với địa phương nghiên cứu nhiều giải pháp, tìm nhiều phương án để xây dựng.

"Bộ GTVT chủ trương cho xây dựng đường cao tốc Gia Nghĩa xuống Chơn Thành (Bình Phước) theo hình thức PPP. Bộ giao cho Ban QLDA đường Hồ Chí Minh nghiên cứu. 

Đề nghị Ban QLDA đường Hồ Chí Minh nghiên cứu, sau đó sẽ tính toán chia giai đoạn đầu tư. Có thể trong giai đoạn 1, mức độ đầu tư vừa phải, xây dựng 2 làn xe. 

Sau đó, trong thời gian khai thác sẽ tính tới đầu tư lên 4 làn xe và hoàn thiện tuyến cao tốc. Để tuyến cao tốc sớm được triển khai, Đắk Nông cần nghiên cứu, tận dụng các thế mạnh của địa phương để kêu gọi nhà đầu tư. 

Bởi nếu không có nhà đầu tư thì rất khó thực hiện, vì kinh phí rất lớn", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Đối với đề nghị nâng cấp tuyến QL28, Bộ trưởng cho rằng: "Đây là kiến nghị có thể chấp nhận và sớm cho thực hiện. 

Bộ giao cho Tổng cục Đường bộ VN nghiên cứu. Bộ cho chủ trương, nếu mở rộng toàn tuyến khó thì cho cho mở rộng từng đoạn. Nếu đoạn nào mặt bằng cho phép mở rộng thì mở rộng".

Ngoài ra, tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đề nghị UBND tỉnh Đắk Nông siết chặt công tác đăng kí đăng kiểm tại các trung tâm đăng kiểm, công tác đào tạo sát hoạch lái xe, cấp GPLX; quản lý chặt các xe đưa đón học sinh; Chỉ đạo xử lý nghiêm xe quá khổ quá tải, xe hết niên hạn, xe không đăng kí, đăng kiểm. 

Đồng thời, đề nghị lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo xóa bỏ các điểm đen, điểm tiềm ẩn nguy cơ tai nạn trên các tuyến quốc lộ.

Ngọc Hùng

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.