|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Gấp rút đầu tư cao tốc kết nối TP HCM - Mộc Bài

06:56 | 19/12/2019
Chia sẻ
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Tây Ninh và gỡ vướng nhiều vấn đề về giao thông trên địa bàn tỉnh.
img-3620-1576673834-width5123height3076

Quang cảnh buổi làm việc giữa Đoàn công tác Bộ GTVT và lãnh đạo tỉnh Tây Ninh chiều 18/12.

Chiều 18/12, Đoàn công tác của Bộ GTVT do Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể dẫn đầu đã có buổi làm việc với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Tây Ninh về các vấn đề giao thông.

Địa phương đề xuất ứng tiền hoàn thiện đường Hồ Chí Minh

Báo cáo với đoàn công tác, ông Dương Văn Thắng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh cho biết: Hiện nay tuyến QL22 (đường Xuyên Á) bắt đầu từ ngã tư An Sương và kết thúc tại cửa khẩu quốc tế Mộc Bài có chiều dài 58km đang quá tải. 

Tuyến đường này là cửa ngõ thông thương quốc tế với các nước trong khu vực, là tuyến đường ngắn nhất kết nối vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và TP.HCM nối với thủ đô Phnompenh (Campuchia) qua cửa khẩu Mộc Bài. 

Tuy nhiên hiện nay tuyến đường độc đạo này đã mãn tải, không đáp ứng được nhu cầu vận chuyển. Vào giờ cao điểm thường xuyên xảy ra ùn tắc đoạn qua từ ngã tư An Sương đến Củ Chi và một số đoạn qua Khu công nghiệp Trảng Bàng…

Đối với tuyến QL22B từ huyện Gò Dầu đến cửa khẩu Quốc tế Xa Mát (dài 84km) qua thời gian khai thác, hiện nay lưu lượng giao thông rất lớn so với thiết kế ban đầu. 

Trước tình trạng xuống cấp, tỉnh Tây Ninh đề nghị Tổng cục đường bộ VN tiếp tục nâng cấp, sửa chữa tuyến đường này để đảm bảo cho các phương tiện lưu thông an toàn.

ql22-1576674371-width800height533

Một đoạn QL22 đoạn qua huyện Hóc Môn, TP.HCM.

Đối với dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành – Đức Hòa đầu tư bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, đây là đoạn tuyến đi qua các tỉnh Bình Phước, Tây Ninh và Long An có chiều dài 74km, quy mô dường cấp 3, 2 làn xe. 

Dù dự án đã được khởi công từ năm 2009, phần đường cơ bản hoàn thành, một số cầu đã lắp xong hệ dầm cầu, tuy nhiên dự án đã giãn tiến độ mấy năm nay do thiếu vốn. Tỉnh đề nghị cần được thu xếp nguồn vốn để sớm thi công trở lại trong năm 2020, hoàn thành trong năm 2022.

"Trường hợp chưa thu xếp được nguồn vốn, đề xuất cho 3 tỉnh Tây Ninh, Bình Dương và Long An làm việc và thống nhất tạm ứng ngân sách địa phương đầu tư thông tuyến trên địa bàn 3 tỉnh. Sau đó Bộ GTVT hoàn trả tạm ứng cho địa phương trong giai đoạn 2021-2025", ông Thắng đề xuất.

img-3647-1576673736-width5184height3456

Ông Phạm Viết Thanh, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Tây Ninh cho rằng cầu Bình Lợi mới đã hoàn thành, cần phát triển hệ thống cảng ven sông Sài Gòn.

Đánh thức tiềm năng phát triển giao thông thủy sông Sài Gòn

Ông Phạm Viết Thanh, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Tây Ninh cho rằng việc nâng cấp các tuyến Quốc lộ kết nối các cửa khẩu và sớm đầu tư tuyến cao tốc TP.HCM – Mộc Bài là rất cần thiết để tạo liên kết, phát triển kinh tế xã hội toàn vùng.

Cùng với đó, sau khi cầu Bình Lợi mới hoàn thành, tĩnh không được nâng cao đã khơi thông giao thông thủy trên sông Sài Gòn. Hàng hóa từ các khu công nghiệp ở Tây Ninh, Bình Dương có thể được chuyên chở bằng sà lan trên sông Sài Gòn để về Cát Lái dễ dàng, giảm tải cho đường bộ. 

Vì vậy, cần bổ sung quy hoạch để phát triển hệ thống cảng, bến ven sông, thúc đẩy phát triển giao thông thủy. Bộ GTVT cần điều chỉnh kéo dài tuyến đường thủy nội địa, bổ sung quy hoạch cụm cảng cạn ven sông Sài Gòn nhằm tạo thuận lợi lớn cho việc phát triển logistics, thu hút đầu tư tại địa phương.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cơ bản đồng ý với một số kiến nghị của UBND tỉnh Tây Ninh. Theo Bộ trưởng, từ TP.HCM lên Tây Ninh đến cửa khẩu Mộc Bài chỉ duy nhất có đường độc đạo là tuyến QL22, trong khi tuyến này cũng đã quá tải. 

Thời gian qua Bộ GTVT đã làm việc với UBND TP.HCM để xúc tiến triển khai tuyến cao tốc TP.HCM – Mộc Bài, thống nhất giao UBND TP.HCM làm cơ quan đại diện nhà nước có thẩm quyền để kêu gọi đầu tư. 

Tỉnh Tây Ninh cần phối hợp chặt chẽ với TP.HCM trong việc kêu gọi đầu tư, bố trí vốn cho công tác GPMB để tuyến cao tốc TP.HCM - Mộc Bài sớm được triển khai.

avatar_1576712956280

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể phát biểu tại buổi làm việc.

Bộ trưởng cũng thống nhất chủ trương bổ sung quy hoạch hệ thống cảng dọc sông Sài Gòn, đoạn từ Bình Dương, Tây Ninh để phát triển giao thông thủy trên sông Sài Gòn, nhất là sau khi cầu Bình Lợi được nâng tĩnh không.

Liên quan đến tuyến QL22B xuống cấp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể giao các Vụ Kế hoạch đầu tư, Đối tác công tư, Tổng cục Đường bộ VN phối hợp với Sở GTVT Tây Ninh thống nhất phương án nâng cấp, sửa chữa tuyến QL22B đoạn từ cửa khẩu Mộc Bài đến Gò Dầu để đảm bảo ATGT.

Theo Bộ trưởng, hiện nay đường Hồ Chí Minh còn 3 đoạn ở các tỉnh thành phía Nam gồm đoạn Chơn Thành – Đức Hòa, Kiên Giang đến Cà Mau và một đoạn ở phía Bắc. Tuy nhiên nguồn vốn hạn hẹp chưa được bố trí kịp thời. Bộ GTVT luôn quan tâm, tìm mọi nguồn lực để sớm khớp nối toàn tuyến.

"Bộ rất ủng hộ địa phương ứng tiền để thực hiện trước nhằm sớm hoàn thành tuyến đường này. Do vậy, 3 tỉnh Long An, Tây Ninh, Bình Phước cần sớm thông nhất phương án hoàn tất thủ tục lấy ý kiến các Bộ, ngành liên quan trình Thủ tướng xem xét quyết định”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh.

Vĩnh Phú