|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Thời điểm phù hợp khơi thông nguồn lực, phát huy vai trò doanh nghiệp quy mô lớn

14:20 | 04/02/2024
Chia sẻ
Hiện nay, Việt Nam có gần 920.000 doanh nghiệp đang hoạt động, đóng góp lớn trong mục tiêu tăng trưởng kinh tế của đất nước. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, đây là thời điểm phù hợp để khơi thông nguồn lực, phát huy vị trí, vai trò của doanh nghiệp quy mô lớn trong giai đoạn phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Để hiểu rõ hơn những khó khăn và thách thức cũng như những giải pháp để phát triển doanh nghiệp trong năm 2024, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã chia sẻ với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam xung quanh nội dung này.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. (Ảnh tư liệu: Thống Nhất/TTXVN).

Thưa Bộ trưởng, mặc dù, con số 920.000 doanh nghiệp đang hoạt động, nhưng thực tế cho thấy, doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, khả năng hấp thụ vốn yếu. Từ góc độ người thiết kế chiến lược chính sách, theo Bộ trưởng, đâu là giải pháp để trợ lực cho doanh nghiệp?

Hiện nay, Việt Nam có gần 920.000 doanh nghiệp đang hoạt động, tuy nhiên chủ yếu có quy mô nhỏ bé, với gần 98% là các doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Thời gian qua, các doanh nghiệp chưa kịp phục hồi hoàn toàn sau dịch bệnh COVID-19, lại tiếp tục phải đối diện với nhiều khó khăn thách thức do tác động của các bất ổn kinh tế, địa, chính trị thế giới. Do đó, với sức khoẻ còn yếu thì các doanh nghiệp khó có thể hấp thụ được nguồn vốn. Để trợ lực cho doanh nghiệp thì cần giải quyết vấn đề căn cơ, nguyên nhân gốc rễ thay vì xử lý vấn đề hiện tượng. Vì vậy, theo tôi cần tập trung vào 5 nhóm giải pháp có tính chiến lược như sau:

Thứ nhất, Chính phủ nhanh chóng tháo gỡ những điểm nghẽn, rào cản pháp lý đang cản trở hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp; đồng thời, tiếp tục rà soát, cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh, kiên quyết không ban hành thêm các điều kiện không cần thiết, điều kiện kinh doanh dưới hình thức các tiêu chuẩn kỹ thuật làm phát sinh chi phí, thủ tục, thời gian ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân và doanh nghiệp.

Thứ hai, Chính phủ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp giảm gánh nặng chi phí, tăng cường khả năng tiếp cận vốn và các nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước. Theo đó, rà soát tổng thể các chính sách về thuế hiện hành, nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung chính sách ưu đãi thuế và lộ trình áp dụng cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực phát triển xanh, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp chuyển đổi số.

Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát chính sách tín dụng nhằm tiết giảm chi phí, hạ lãi suất vay vốn, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận nguồn vốn. Thúc đẩy giải ngân các gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp đã được ban hành…

Thứ ba, các bộ, ngành, địa phương hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường mới, đẩy mạnh xuất khẩu và thúc đẩy tiêu dùng trong nước.

Thứ tư, hỗ trợ người lao động, giải quyết việc làm và bảo đảm an sinh xã hội.

Thứ năm, đẩy mạnh triển khai các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, tập trung vào các ngành: sản xuất chip bán dẫn, năng lượng mới (hydrogen)…; hoàn thiện thể chế khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng các mô hình kinh doanh bền vững, các ngành công nghiệp mới và phát triển các ngành kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. 

Cùng với đó, cộng đồng doanh nghiệp cũng cần nỗ lực thực hiện các giải pháp, hướng đi mạnh dạn, đột phá, sáng tạo và hiện đại, nắm bắt thời cơ, không chỉ để tự lớn mạnh mà còn đóng góp chung vào sự phát triển của đất nước. Về phía các tổ chức, hiệp hội doanh nghiệp cần chủ động nghiên cứu, đánh giá thách thức và thời cơ của ngành, lĩnh vực, kịp thời chia sẻ, hướng dẫn, hỗ trợ tư vấn cho doanh nghiệp hội viên và ngành hàng, đồng thời, đề xuất với Chính phủ các giải pháp, sáng kiến để phát triển doanh nghiệp, phục hồi nền kinh tế.

Ảnh minh họa: baochinhphu.vn

Bối cảnh mới mở ra nhiều cơ hội, nhưng cũng không ít thách thức, Bộ trưởng có thể chia sẻ quan điểm đối với việc phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam, để từng bước làm chủ công nghệ lõi, tiến sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu?

Xu hướng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn biến rất nhanh, đột phá, tác động sâu rộng và đa chiều trên phạm vi toàn cầu. Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo ngày càng trở thành nhân tố quyết định đối với năng lực cạnh tranh của mỗi quốc gia. Hiện nay, công nghệ số và các doanh nghiệp công nghệ số được xác định là cốt lõi của mọi mô hình tăng trưởng nhanh và bền vững sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số, làm thay đổi phương thức quản lý nhà nước, mô hình sản xuất kinh doanh, tiêu dùng và đời sống văn hóa, xã hội.

Bối cảnh mới mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp, tuy nhiên các doanh nghiệp Việt Nam còn rất nhiều hạn chế về quy mô, năng lực, trình độ quản trị… và nếu không chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh thì rất khó để nắm bắt được các cơ hội đó.

Để hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, từng bước làm chủ công nghệ lõi, tiến sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, qua đó góp phần đạt được mục tiêu nêu ra tại Nghị quyết 41-NQ/TW về xây dựng và phát triển đội ngũ doanh nhân thời kỳ mới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, không chỉ Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, mà cả các doanh nghiệp cũng cần phải hành động từ sớm, từ xa, để vượt qua thách thức, chủ động thích ứng, tận dụng cơ hội, phát triển bền vững tạo ra những giá trị mới.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như: Chính phủ tiếp tục kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh công bằng, thông thoáng và minh bạch; bãi bỏ các rào cản, quy định về điều kiện kinh doanh không cần thiết, bất hợp lý. Tháo gỡ những điểm nghẽn trong huy động nguồn lực, sản xuất kinh doanh phù hợp với những qui định và cam kết quốc tế.

Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương chủ động hỗ trợ doanh nghiệp để kết nối đối tác mới, mở rộng thị trường khắc phục đứt gãy chuỗi cung ứng; đa dạng hóa đối tác; giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp; nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp trong nước, phát triển công nghiệp hỗ trợ, qua đó thúc đẩy kết nối với doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp lớn, từng bước tham gia bền vững vào chuỗi cung ứng toàn cầu, gia tăng giá trị sản xuất nội địa.

Về phía các doanh nghiệp cần chủ động cập nhật, tiếp cận, ứng dụng công nghệ mới của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; tiên phong đổi mới sáng tạo; thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, mạnh dạn đầu tư hình thành các trung tâm đổi mới sáng tạo tại doanh nghiệp; tập trung đầu tư vào những lĩnh vực mới, công nghệ kỹ thuật khoa học hiện đại.

Nhằm góp phần thực hiện các giải pháp trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu xây dựng nhiều chính sách, triển khai nhiều hoạt động cụ thể như cụ thể hoá các chính sách của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, xây dựng Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, triển khai Chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021 - 2025... nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao năng lực, chuyển đổi số, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Trong thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam thông qua việc thúc đẩy các chính sách, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp để tận dụng được các công nghệ số. 

Công nhân làm việc trong xưởng may hàng xuất khẩu tại Garco 10 (Tổng Công ty May 10). (Ảnh minh họa: TTXVN).

Thưa Bộ trưởng, thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ có đề xuất gì để phát triển các doanh nghiệp “sếu đầu đàn” ở Việt Nam phát triển?

Phát triển doanh nghiệp; trong đó, có doanh nghiệp quy mô lớn là một giải pháp quan trọng để nâng cao năng lực sản xuất, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ. Nghị quyết số 12-NQ/TW, Nghị quyết số 10-NQ/TW mà gần đây nhất là Nghị quyết số 41-NQ/TW, Nghị quyết số 29-NQ/TW đã đưa ra nhiệm vụ, giải pháp về xây dựng chính sách đột phá để hình thành, phát triển các doanh nghiệp dân tộc, doanh nghiệp quy mô lớn, có vai trò dẫn dắt một số ngành, lĩnh vực then chốt, trọng yếu; tăng cường cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ cho một số doanh nghiệp lớn, có đủ năng lực thực hiện những nhiệm vụ có tính chiến lược, dẫn dắt quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Đây là những định hướng mới, có tính chất chiến lược, đột phá thể hiện chủ trương, thông điệp của Đảng và Nhà nước về việc củng cố, phát triển hình thành đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam có bản sắc, thương hiệu nhằm xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ.

Do đó, đây là thời điểm phù hợp để khơi thông nguồn lực, phát huy vị trí, vai trò của doanh nghiệp quy mô lớn trong giai đoạn phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Với góc nhìn đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang đề xuất với Thủ tướng Chính phủ về việc nghiên cứu Đề án “Xây dựng cơ chế, chính sách hình thành và phát triển doanh nghiệp dân tộc nhằm phát huy vai trò tiên phong trong một số ngành, lĩnh vực mới nổi, có lợi thế cạnh tranh nhằm xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ”. 

Đề án dự kiến nghiên cứu, lựa chọn các ngành, lĩnh vực Việt Nam có lợi thế cạnh tranh để đi tắt, đón đầu, trở thành ngành công nghiệp tương lai của đất nước, như: điện gió ngoài khơi, amoniac, hydrogen xanh, sản xuất thép, sản xuất ô tô điện, công nghiệp điện tử viễn thông, công nghiệp bán dẫn, kết cấu hạ tầng quan trọng quốc gia…

Đồng thời, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ đề xuất xây dựng một số cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ để khuyến khích các doanh nghiệp quy mô lớn phát triển từ một phần nguồn lực từ Quỹ hỗ trợ đầu tư từ nguồn thu thuế tối thiểu toàn cầu và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Theo tôi, đây sẽ là nguồn lực quan trọng để hỗ trợ các doanh nghiệp đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, hỗ trợ phát triển hạ tầng cho các ngành công nghiệp mới: trung tâm nghiên cứu phát triển R&D, phòng lab, các trung tâm dữ liệu lớn…; đồng thời, hình thành cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các doanh nghiệp thực hiện các dự án đầu tư quan trọng mang tính tiên phong, dẫn dắt thị trường.

Đối với doanh nghiệp quy mô lớn thuộc khu vực nhà nước, ngoài các chính sách hỗ trợ chung nêu trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự kiến đề xuất một số cơ chế, chính sách đặc thù để phát huy tối đa nguồn lực nắm giữ tại doanh nghiệp Nhà nước phục vụ hoạt động đầu tư phát triển, như: Thực hiện phân cấp mạnh mẽ, trao quyền chủ động cho doanh nghiệp; đổi mới việc sử dụng Quỹ Phát triển khoa học công nghệ của doanh nghiệp Nhà nước để có nguồn lực đầu tư khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (như fintech, cyber security, AI, robotics, viễn thông, các dự án đầu tư cho R&D hướng tới phát triển xanh và bền vững…); đổi mới phương thức quản trị doanh nghiệp (thí điểm thuê tổng giám đốc, khuyến khích áp dụng tiêu chuẩn môi trường - quản trị - doanh nghiệp (ESG)…

Tuy nhiên, việc xác định và phát triển “những con sếu đầu đàn” cũng như các chính sách cần thiết để hỗ trợ những doanh nghiệp này dẫn dắt các doanh nghiệp nhỏ và vừa cùng phát triển và đi đúng hướng là bài toán không dễ giải quyết được trong ngắn hạn và cần sự vào cuộc đồng bộ, tích cực của các cơ quan với những cơ chế chính sách đột phá để khơi thông nguồn lực, cùng với sự cam kết, quyết tâm mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp.

Xin trân trọng cám ơn Bộ trưởng!

Thúy Hiền