Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: 'Phân cấp mạnh để TP.HCM bứt phá'
Cần đầu tư hơn nữa cơ sở hạ tầng cho TP.HCM. Trong ảnh: hàng nghìn phương tiện "chôn chân" trên đường Vành đai đông hướng về cảng Cát Lái - Ảnh: Hữu Khoa.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nhận định như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ về nghị quyết "Thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM", sẽ được trình Quốc hội vào ngày mai (14-11) và dự kiến thảo luận, thông qua tại kỳ họp Quốc hội này.
Phân cấp toàn diện
* Là thủ trưởng cơ quan chủ trì soạn thảo dự thảo nghị quyết, theo Bộ trưởng, cơ chế nào là cần thiết nhất để TP.HCM phát triển?
- Cần nhất là chính sách để thu hút nguồn lực đầu tư của xã hội. Ngân sách phải tiếp tục đầu tư nhưng phá được các điểm nghẽn phát triển của nền kinh tế thì phải đẩy mạnh xã hội hóa.
Vốn ngân sách nhà nước chỉ là vốn "mồi", phải hút đầu tư của xã hội mới đủ nguồn lực phát triển toàn diện.
Muốn vậy phải phân cấp, phân quyền mạnh hơn cho TP trên tất cả các lĩnh vực, từ công tác quản lý quy hoạch đất đai, đầu tư xây dựng, đặc biệt là quản lý tài chính ngân sách, rồi thẩm quyền quyết định về các vấn đề tổ chức, bộ máy, biên chế, thu nhập của cán bộ công chức viên chức của TP.
Vừa tạo động lực, vừa là cơ chế chính sách để thu hút nguồn lực đầu tư xã hội vào tất cả các lĩnh vực để phát triển TP.
* Nhiều đánh giá cho thấy tinh thần nghị quyết số 16 về "Phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2020" của Bộ Chính trị chưa được thực hiện như mong muốn. Nghị quyết của Quốc hội lần này sẽ là bước cụ thể giúp cho TP có chính sách áp dụng ngay vào thực tế?
- Để triển khai nghị quyết 16 của Bộ Chính trị, Chính phủ đã xây dựng nghị định về đặc thù cho TP, trong đó đã có những quy định ưu đãi về cơ chế chính sách về tài chính, mức huy động vốn, đầu tư, đầu tư trở lại...
Nhưng phải thẳng thắn là cơ chế, mức tài chính đó chỉ mới tương đối phù hợp, chưa đáp ứng để TP phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, nhất là trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế và chịu sự tác động rất lớn của biến đổi khí hậu.
Hơn nữa, cơ chế hiện tại mới dừng ở mức nghị định của Chính phủ nên còn nhiều điểm TP muốn được trao quyền nhiều hơn nhưng lại vướng các quy định của các văn bản luật chuyên ngành.
Kỳ này, trên cơ sở kết luận của Bộ Chính trị, đề xuất của TP, Chính phủ trình nghị quyết về cơ chế cho TP.HCM.
Đột phá đầu tiên là khuôn khổ pháp lý cao hơn, trước kia chỉ là nghị định, lần này là nghị quyết của Quốc hội, gần như một đạo luật.
Nội dung phân cấp toàn diện hơn, trên tất cả các lĩnh vực, sâu và cụ thể nhất là lĩnh vực tài chính ngân sách.
Khi xây dựng dự thảo, chúng tôi thấy rằng cần phải đưa giải pháp toàn diện cụ thể, tạo động lực, đột phá hơn, đẩy mạnh vấn đề xã hội hóa các đơn vị sự nghiệp công lập...
Cần đầu tư nhiều hơn nữa các dự án hạ tầng góp phần phát triển cho TP.HCM. Trong ảnh: dự án cầu vượt vào sân bay Tân Sơn Nhất góp phần giảm kẹt xe - Ảnh: HỮU KHOA
Phải đáp ứng hài hòa
* Tỉ lệ thu ngân sách được giữ lại của TP.HCM đang bị giảm, trong khi đó một đồng vốn nhà nước (vốn "mồi") chi ra tại TP.HCM thu hút được nguồn lực xã hội hơn nhiều nơi khác. Điều này đang là mâu thuẫn trong cơ chế chính sách dành cho TP.HCM?
- Hiến pháp 2013 quy định: Quốc hội quyết định về ngân sách và ngân sách trung ương giữ vai trò chủ đạo.
Luật ngân sách nhà nước 2015, kể cả Luật ngân sách nhà nước năm 2002, đều quy định các địa phương có điều tiết về ngân sách trung ương, sau một thời kỳ ổn định phải tăng tỉ lệ điều tiết về trung ương.
Và ngược lại, các địa phương nhận hỗ trợ từ ngân sách trung ương sau một thời kỳ ổn định phải giảm tỉ lệ nhận điều tiết từ ngân sách trung ương. Đó là nguyên tắc chung.
Theo cơ chế điều tiết giữa ngân sách trung ương và TP.HCM giai đoạn 2011-2016, thu ngân sách được phân cấp cho TP năm đầu của thời kỳ ổn định xấp xỉ 30.000 tỉ đồng/năm (23%), đến năm 2016 lên 61.000 tỉ đồng/năm.
Trên cơ sở định mức tiêu chí phân bổ ngân sách chi đầu tư và chi thường xuyên mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, giai đoạn 2017-2020, tỉ lệ giữ lại ngân sách của TP giảm từ 23% xuống 18%.
Nhưng theo tính toán, đến năm 2020, quy mô ngân sách của TP.HCM vẫn tăng lên khoảng trên dưới 100.000 tỉ đồng. Nghĩa là tỉ lệ điều tiết tuy có giảm nhưng số tuyệt đối, quy mô ngân sách vẫn tăng lên.
* Vậy tại sao TP.HCM không được giữ lại tỉ lệ ngân sách cao hơn để sinh lợi nhuận nhiều hơn cho cả trung ương lẫn TP, thưa Bộ trưởng?
- Lập luận trên về mặt nào đó rất đúng. Nhưng việc điều tiết ngân sách phải theo quy định của Hiến pháp, Luật ngân sách.
Thứ hai, trong vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương, những vấn đề như chi cho đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội lớn, quốc phòng, an ninh, cho biển đảo, an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo... là rất lớn. Trung ương phải chịu tất cả các khoản chi cho các địa phương nhận ngân sách từ trung ương.
Cho nên phải đảm bảo cân đối hài hòa giữa các địa phương. Thứ hai là các địa phương trong một chủ thể là đất nước Việt Nam có quan hệ máu thịt với nhau, không thể nào rạch ròi được, kể cả kinh tế, chính trị xã hội, an ninh - quốc phòng...
Có những nơi rất khó khăn, đặc biệt là các tỉnh miền núi, biên giới, địa bàn phải bảo vệ chủ quyền như Trường Sa.
Những nơi đó thu ngân sách không đáng bao nhiêu, nhưng nhiệm vụ chi thì vẫn phải đảm bảo vì đây là vấn đề chủ quyền quốc gia. Cho nên phải đáp ứng hài hòa yêu cầu TP.HCM vì cả nước và cả nước vì TP.HCM.
Động lực lớn
* Trong nghị quyết này, Bộ trưởng đánh giá những vấn đề nào có tính đột phá để giúp TP.HCM phát triển?
- Đầu tiên là thủ tục hành chính nhanh hơn, có động lực hơn và rõ trách nhiệm hơn. Nhiều vấn đề nếu theo quy định pháp luật hiện hành là thuộc thẩm quyền Thủ tướng nhưng lần này Chính phủ mạnh dạn đồng ý phân cấp cho TP.HCM, thông qua HĐND TP hoặc UBND TP.
Thứ hai là cho TP.HCM thí điểm những chính sách, pháp luật mới ngoài khung cho phép hiện hành.
Đơn cử là thí điểm luật thuế tài sản, những khoản phí trong khung mà hiện nay cả nước chưa sử dụng hết khung.
Và với cách làm đó, TP thu được bao nhiêu thì đều để lại 100%. Có nhiều chính sách nhưng chỉ mấy chính sách đó cũng đã thể hiện sự quyết tâm của Bộ Chính trị, Chính phủ tạo động lực cho TP.HCM phát triển.
* Có định lượng được phần ngân sách hay nguồn lực tạo ra từ những chính sách "mở" mà đề án lần này dự kiến sẽ dành cho TP.HCM?
- Các cơ chế này phải có lộ trình thực hiện để ra được nguồn lực, ngân sách cụ thể cho TP.HCM.
Ví dụ các công trình dự án nhóm A sử dụng vốn TP từ trước đến nay đều phải đưa lên Thủ tướng phê duyệt, sau đó chọn nhà thầu, thời gian rất dài vì qua nhiều bước, nhưng bây giờ giao cho TP quyết định, thời gian rút ngắn rất nhiều. Thời gian đó cũng là nguồn lực, tạo ra của cải, tiền bạc.
Thứ hai là thí điểm thuế tài sản cũng tạo ra nguồn thu lớn, nhưng nó còn phụ thuộc vào đối tượng, thời gian, mức độ thu.
Hoặc các khoản phí, lệ phí trong khung cho TP thu tăng thêm và thu bao nhiêu đều để lại hết cho TP.
Nhưng thu được bao nhiêu còn tùy thuộc vào thời gian, lộ trình thu, việc này còn chờ quá trình tổ chức thực hiện.
Rõ ràng TP và trung ương đều đủ cơ sở để kỳ vọng đó sẽ là động lực lớn cho TP phát triển mạnh hơn nữa.
Trước khi gửi dự thảo nghị quyết này đến các bộ, ngành góp ý kiến, chúng tôi đã có buổi làm việc với Thường trực Thành ủy TP.HCM, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM để hoàn tất dự thảo, cơ bản các bên đồng thuận và kỳ vọng vào nghị quyết này.
Cần lộ trình thực hiện
* Sau khi nghị quyết được thông qua, lộ trình triển khai sẽ tiến hành ra sao?
- Nghị quyết rất nhiều nội dung, có những nội dung làm ngay được, nhưng có những nội dung phải có thời gian nghiên cứu và qua các cấp có thẩm quyền.
Ví dụ thí điểm làm thuế tài sản, khi Quốc hội đồng ý rồi nhưng mức độ, thời gian, đối tượng phải có thời gian, thẩm quyền nhất định mà có thể phải ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội để quyết.
Sau đó Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ báo lại Quốc hội trong kỳ họp gần nhất.
Nghĩa là phải có lộ trình và thủ tục. Ngay ở Chính phủ cũng phải rà lại một số nghị định, làm rõ những gì dành cho TP thuộc thẩm quyền Chính phủ và những vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội.
Các cơ quan liên quan sẽ chấp hành tuyệt đối, tất cả vì sự phát triển của TP.HCM và cả nước.