|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Bộ trưởng Bộ Công Thương: Phân bón giả tràn lan do quản lý chồng chéo

12:14 | 15/11/2016
Chia sẻ
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định có vấn đề rất lớn liên quan đến quản lý nhà nước về thị trường phân bón. Hiện nay, Bộ Công Thương quản lý phân bón vô cơ nhưng phân hữu cơ lại thuộc trách nhiệm Bộ Nông nghiệp, dẫn đến tình trạng chồng chéo, kém hiệu quả.
bo truong bo cong thuong phan bon gia tran lan do quan ly chong cheo
Phân bón giả gây thiệt hại cho kinh tế Việt Nam (Ảnh: Danviet.vn)

Trong phiên trả lời chất vấn sáng nay, nhiều đại biểu quan tâm đến tình trạng phân bón giả tràn lan, ảnh hưởng đến ngành nông nghiệp, nông sản và giá trị nông sản. Đại biểu Võ Đình Tín đoàn Đắk Nông yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công Thương giải trình và đưa ra phương án để lập lại trật tự thị trường phân bón.

Bộ trưởng Bộ Công Thương thừa nhận có sự tồn tại những sai phạm và vi phạm trong hoạt động kinh doanh phân bón, đặc biệt là phân bón giả, kém chất lượng.

Theo Bộ trưởng, Bộ Công Thương đã tổ chức, kiểm tra trong tháng 5 và tháng 6 đã có phát hiện một số vi phạm trong chứng nhận và sản xuất phân bón nên đã ban hành quyết định rút giấy phép. Biện pháp trước mắt là sẽ hoàn thành sớm về quy chuẩn, phân cấp về quản lý tại các địa phương, xem xét trách nhiệm, chính quyền địa phương và kinh doanh phân bón.

Lý giải về bản chất dẫn tới sự "lũng loạn" thị trường của phân bón giả, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, có vấn đề rất lớn liên quan đến quản lý nhà nước về thị trường phân bón.

Hiện nay, Bộ Công Thương quản lý phân bón vô cơ nhưng phân hữu cơ lại thuộc trách nhiệm Bộ Nông nghiệp, dẫn đến tình trạng chồng chéo, kém hiệu quả.

Bộ trưởng cho rằng, thị trường có quá nhiều loại phân bón. Bộ Nông nghiệp quản lý 5.000 hợp quy phân bón dành cho phân hữu cơ, Bộ Công Thương quản lý 5.700 hợp quy phân bón vô cơ, dẫn tới trên thị trường có quá nhiều loại phân bón.

Đồng ý với vấn đề mà Bộ Công Thương nêu ra, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Nguyễn Xuân Cường cho rằng, khe hở pháp lý lớn nhất ở việc phân chia quản lý giữa 2 Bộ. Bộ Nông nghiệp chỉ được quản lý phân hữu cơ, vi sinh, phân mùn. Bộ Công Thương quản lý phân vô cơ từ cấp phép đến kiểm tra thanh tra.

Trong khi đó, hầu hết các cơ sở đều sản xuất cả phân vô cơ và hữu cơ. "Khoảng trống để hoạt động gian dối diễn ra ở đây nếu hai Bộ không phối hợp chặt chẽ", Bộ trưởng Cường nói. Ông cho rằng cần nhìn ra bản chất tạo ra vấn đề sai phạm ở đây để chỉnh sửa quản lý.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp đề nghị đưa việc quản lý phân bón về một mối để Bộ chủ quản toàn sức tổ chức và chịu trách nhiệm.

Ngoài ra, việc chuyển đổi từ phương pháp quản lý hành chính theo danh mục phân bón sang quản lý theo tiêu chuẩn quốc gia nảy sinh một số bất cập. Bộ trưởng cung cấp thêm, các Bộ cùng Bộ Khoa học Công nghệ đang dần hoàn thiện bộ quy chuẩn về phân bón và sẽ đưa vào lưu hành trong thời gian tới.

Chia sẻ tại nghị trường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp cho biết, hiện nay nhu cầu sử dụng phân bón cả nước khoảng 10 - 11 triệu tấn mỗi năm. Trong nước sản xuất chỉ được khoảng 8 - 9 triệu tấn, còn lại phải nhập khẩu 2 - 2,5 triệu tấn.

Theo Bộ trưởng, bất cập là phân hữu cơ chỉ khoảng 1 triệu tấn. Trong khi tiềm năng sản xuất của nước ta rất lớn: có khoảng 50 triệu tấn rơm, rạ; 100 triệu tấn phế tải động vật và các loại mùn cám.

Vì vậy, Bộ trưởng cho rằng thời gian tới cần thúc đẩy sản xuất phân hữu cơ trong nước, giải quyết tình trạng phân bón chất lượng cho nông nghiệp.

Thái Hoàng