Bộ Tài chính đề xuất bãi bỏ, giảm một số loại phí cho doanh nghiệp
Mới đây, Bộ Tài chính đề xuất giảm và bãi bỏ một số khoản phí thẩm định điều kiện hoạt động bưu chính. Đây là kết quả của việc trong thời gian vừa qua, Bộ Tài chính tiếp tục rà soát để giúp doanh nghiệp giảm chi phí, nâng cao sức cạnh tranh quốc gia, được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao.
Đề xuất bãi bỏ, giảm một số loại phí
Loại phí này hiện quy định là 1 triệu đồng/lần. Ngoài ra, dự kiến giảm mức phí thẩm định thay đổi các nội dung khác trong giấy phép, từ 3 triệu đồng/lần xuống còn 1,5 triệu đồng/lần. Mức phí thẩm định cấp lại giấy phép bưu chính khi bị mất hoặc hư hỏng không sử dụng được, giảm từ 2,5 triệu đồng/lần xuống còn 1 triệu đồng/lần.
Trước đó, Bộ Tài chính đã ban hành thông tư, trong đó quy định giảm một số mức phí cung cấp thông tin doanh nghiệp, lệ phí đăng ký doanh nghiệp. Ví dụ, phí công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp được giảm từ 300.000 đồng xuống còn 100.000 đồng/lần.
Phí cung cấp thông tin doanh nghiệp theo tài khoản từ 125 bản/tháng trở lên giảm từ 5 triệu đồng/tháng xuống còn 4,5 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, một số đối tượng được miễn lệ phí đăng ký doanh nghiệp và phí cung cấp thông tin doanh nghiệp lần đầu, trong đó có doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh.
Nhìn lại năm 2019, ngay từ tháng đầu năm, Bộ Tài chính đã ban hành thông tư bãi bỏ một số thông tư trong lĩnh vực thuế xuất nhập khẩu. Tính chung cả năm, Bộ đã ban hành 9 thông tư sửa đổi, bổ sung trong lĩnh vực phí, lệ phí.
Trước đó, trong 2 năm (2017-2018), Bộ Tài chính đã ban hành 16 thông tư miễn, giảm nhiều loại phí, lệ phí cho doanh nghiệp. Về mức giảm, tùy theo từng khoản phí, lệ phí, mức giảm trong khoảng từ 5% - 25% so với mức hiện hành, cá biệt có một số khoản phí điều chỉnh mức giảm lớn hơn từ 60% - 90%.
Tạo cơ hội cho doanh nghiệp nâng sức cạnh tranh
Theo ông Phạm Đình Thi – Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính), việc bãi bỏ quy định thu một số khoản phí, lệ phí đã giảm chi phí cho doanh nghiệp. Mức miễn, giảm phí, lệ phí tuy không nhiều, nhưng thể hiện sự chia sẻ giữa nhà nước và doanh nghiệp.
Tuy về ngắn hạn có thể giảm thu ngân sách, nhưng về dài hạn doanh nghiệp kinh doanh thuận lợi sẽ tạo ra nhiều nguồn thu thuế và nhiều việc làm cũng như sự phát triển bền vững của nền kinh tế.
Thực hiện chủ trương Chính phủ kiến tạo, lấy doanh nghiệp là đối tượng phục vụ, trong lĩnh vực quản lý của mình, bên cạnh việc rà soát để giảm phí, lệ phí cho doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã không ngừng cải cách thủ tục, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý thu nộp thuế; nghiên cứu giảm thời gian, hồ sơ, giấy tờ và chi phí thực hiện thủ tục hành chính liên quan trực tiếp tới người dân và doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã hoàn thiện cơ chế, chính sách, bãi bỏ rào cản, quy định điều kiện kinh doanh không cần thiết, bất hợp lý; đồng thời, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật để bãi bỏ quy định hết hiệu lực hoặc đã được sửa đổi, nhằm bảo đảm tính thống nhất, minh bạch, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh thực hiện.
Trong thời gian tới, đây vẫn là hướng ưu tiên của Bộ Tài chính để tiếp tục thực hiện các nghị quyết của Chính phủ để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh quốc gia.
Quy định miễn, giảm mức thu một số khoản phí, lệ phí thời gian qua của Bộ Tài chính đã nhận được sự đồng thuận của cộng đồng doanh nghiệp và các hiệp hội ngành nghề. Đây là động thái thiết thực, cụ thể, thể hiện sự đồng hành của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cùng chung sức hỗ trợ doanh nghiệp, tiết giảm chi phí đầu vào, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Theo ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội, việc Bộ Tài chính liên tục trong những năm gần đây rà soát các quy định để tiếp tục giảm phí, lệ phí cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, các đối tượng doanh nghiệp nhỏ và vừa mới chuyển đổi từ hộ kinh doanh là hết sức cần thiết.
Việc cắt giảm thủ tục hành chính cũng như miễn, giảm một số khoản phí, lệ phí chính là tiền bạc, là cơ hội để các doanh nghiệp nhỏ và vừa thêm sức cạnh tranh.
Ông Mạc Quốc Anh cho rằng, hiện vẫn còn dư địa để cơ quan quản lý tiếp tục rà soát, cắt giảm một số khoản phí, lệ phí cho các doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, thử thách như hiện nay.
Thực hiện chủ trương Chính phủ kiến tạo, lấy doanh nghiệp là đối tượng phục vụ, trong lĩnh vực quản lý của mình, bên cạnh việc rà soát để giảm phí, lệ phí cho doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã không ngừng cải cách thủ tục, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý thu nộp thuế; nghiên cứu giảm thời gian, hồ sơ, giấy tờ và chi phí thực hiện thủ tục hành chính liên quan trực tiếp tới người dân và doanh nghiệp.