|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Bộ Tài chính: Đề nghị Bộ Công Thương có ý kiến về điều chỉnh chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam

21:00 | 04/11/2022
Chia sẻ
Ngày 4/11, Bộ Tài chính cho biết, nhằm tháo gỡ khó khăn trong hoạt động kinh doanh xăng dầu, đảm bảo nguồn cung cho hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân, trên cơ sở tổng hợp số liệu từ các đề xuất kiến nghị của 28 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, Bộ Tài chính đã có công văn số 1388/BTC-QLG gửi Bộ Công Thương xin ý kiến về việc điều chỉnh chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam.

Ảnh minh họa: Lê Ngọc Phước/TTXVN

Bộ Tài chính cũng đề nghị Bộ Công Thương khẩn trương có ý kiến gửi về Bộ Tài chính trong ngày 4/11 để kịp thời điều chỉnh trong kỳ điều hành gần nhất.

Trước đó, qua theo dõi tình hình, diễn biến thị trường xăng dầu, Bộ đã chủ động có các văn bản số 10856/BTC-QLG, 10859/BTC-QLG ngày 21/10/2022 và các văn bản số 11305/BTC-QLG và công văn số 11306/BTC-QLG ngày 2/11 đề nghị Bộ Công Thương và thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu phối hợp báo cáo các chi phí kinh doanh xăng dầu.

Tại buổi báo cáo, giải trình trong phiên thảo luận tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách trong Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV về một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, cho biết so với nhu cầu xăng dầu của Việt Nam khoảng 19,2 triệu tấn/năm, nguồn từ sản xuất trong nước và nguồn nhập khẩu không đạt kế hoạch đề ra. Trong quý III, nhập khẩu xăng dầu giảm 35 - 40% nên vẫn thiếu hụt nguồn cung.

Thời gian qua, để giúp ổn định giá các mặt hàng xăng dầu, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ trình Quốc hội thông qua việc giảm thuế bảo vệ môi trường với tổng mức giảm khoảng 28.000 tỷ đồng, giảm thuế nhập khẩu từ 20% xuống 10%. Chi phí xăng dầu, premium cũng đã được tăng 2 lần trong năm nay. Định mức chi phí vận chuyển và quản lý của 1 lít xăng RON92 đã vào khoảng gần 2.000 đồng.

Hiện nay, Bộ Tài chính đã có văn bản ngày 21/10/2022 xin ý kiến các công ty đầu mối, Bộ Công Thương để tiếp tục nâng chi phí định mức, tuy nhiên chưa nhận được nhiều ý kiến phản hồi.

Bộ trưởng cho biết, Bộ cũng sẽ đề nghị Chính phủ sửa Nghị định 95/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu theo hướng giao toàn bộ công tác quản lý mặt hàng xăng dầu về Bộ Công Thương, kể cả việc quyết định về giá và chi phí định mức để đảm bảo tăng cường điều hành chủ động nguồn cung; chủ động trong điều chỉnh chi phí định mức, tháo gỡ các khó khăn để đảm bảo nguồn cung xăng dầu tốt nhất cho đời sống và sản xuất kinh doanh.

Hiện tình trạng khan hiếm xăng dầu, đứt gãy nguồn cung và tạm đóng cửa một số cơ sở kinh doanh xăng dầu tiếp tục tái diễn ở TP Hồ Chí Minh trong những ngày gần đây. Ở Hà Nội, cục bộ một số nơi cũng xuất hiện tình trạng tương tự.

Thùy Dương

Top 10 địa phương IIP cao nhất 11 tháng: Phú Thọ bất ngờ dẫn đầu
Trong 11 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) so với cùng kỳ năm trước tăng ở 60 địa phương và giảm ở 43 địa phương trên cả nước cho thấy tín hiệu tích cực của ngành sản xuất. Trong đó các địa phương có IIP tăng cao chủ yếu nhờ hoạt động thuỷ điện hoặc chế biến, chế tạo tăng trưởng mạnh.