Bộ Công Thương: Tránh bị lừa đảo khi xuất khẩu sang Benin, lưu ý sống còn là không tin lời hứa
Theo Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Maroc, kiêm nhiệm thị trường Benin để tránh rủi ro, thiệt hại và tăng tính đảm bảo trong giao dịch thương mại với các đối tác tại Benin, các doanh nghiệp cần kiểm tra thẻ thương nhân của giám đốc công ty đóng tại Benin hoặc thẻ nhập khẩu chuyên nghiệp đích thực và phải còn giá trị.
Kèm theo giấy xác nhận của cơ quan có thẩm quyền. Đồng thời yêu cầu đối tác Benin cung cấp đầy đủ số điện thoại cố định, số Fax, số di động, email tin cậy, có giấy chứng nhận về tính chính danh của Phòng Thương mại hoặc cơ quan có thẩm quyền.
Ngoài ra mã nước của của Benin là +229 và số điện thoại có đầu 9 thường là số di động. Trong khi đó mã điện thoại cố định, số Fax của Thành phố Cotonou là + 21.
Dựa vào một số đặc điểm này có thể giúp doanh nghiệp ta nhận biết sơ bộ đối tác có nghiêm túc hay không, Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Maroc cho hay.
Theo đó, doanh nghiệp sẽ đề nghị cung cấp sao kê tài khoản ngân hàng. Sau đó có thể dựa trên thông tin sao kê để kiểm chứng về khách hàng. Bởi đôi khi đối tác Benin chỉ cung cấp tên ngân hàng uy tín nhưng sửa các thông tin còn lại như địa chỉ , số điện thoại, email, số fax…
Đặc biệt, tiếng Pháp là ngôn ngữ chủ yếu tại Benin. Các cơ quan công quyền không có thói quen trả lời thư điện tử, nên doanh nghiệp gọi điện trực tiếp bằng tiếng Pháp là giải pháp tối ưu nhất.
Ngoài ra, theo Thương vụ lưu ý sống còn mà các doanh nghiệp xuất khẩu xem xét lưu ý là không tin lời hứa và tùy loại hàng xuất khẩu phải yêu cầu đặt cọc tối thiếu 25 - 30%. Không đặt cọc không nên thực hiện.
Cạnh tranh không lành mạnh rủi ro sẽ rất cao và nhiều trường hợp không xử lí được.
Bởi thực tế đã có một doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu cá ngừ bị lừa đảo cách đây 6 năm. Hiện nay, Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Maroc vẫn đang tiếp tục hỗ trợ xử lí nhưng khả năng thành công hạn chế.