|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Bộ Công Thương kiến nghị điều chỉnh mục tiêu phát triển nguồn điện gió đến năm 2025 là 11.630 MW

10:17 | 20/03/2020
Chia sẻ
Đây là qui mô công suất được ước tính trong phương án cao, một trong hai phương án cơ cấu công suất nguồn điện giai đoạn 2021-2030 của Bộ Công Thương nhằm đảm bảo cân đối cung cầu nguồn điện.

Hai phương án bổ sung nguồn điện giai đoạn 2021 - 2030

Bộ Công Thương vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về việc xem xét bổ sung qui hoạch các dự án điện gió.

Tại văn bản Bộ Công Thương cập nhật tiến độ nguồn điện theo Qui hoạch điện VII điều chỉnh cho thấy phần lớn các nguồn nhiệt điện chậm tiến độ 1-2 năm, đặc biệt là các nguồn nhiệt điện than miền Nam dự kiến vào năm 2018-2021. Ngoài ra  Việt Nam đã quyết định dừng đầu tư nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận giai đoạn đến 2030. 

Trong khi đó các tính toán cân bằng cung cầu cho thấy có khả năng xảy ra thiếu điện cho hệ thống điện miền Nam, cần thiết phải tính toán bổ sung các nguồn điện mới để đảm bảo cung ứng điện năng toàn quốc.

Theo báo cáo rà soát tống thể Qui hoạch điện VII điều chỉnh do Viện Năng lượng lập tháng 2/2020, công suất các nguồn điện để đảm bảo cân đối cung cầu điện cho giai đoạn 2021-2030 có hai phương án gồm phương án cơ sở và phương án cao.

Trong đó, với qui mô nguồn điện hiện nay, đến năm 2025 nguồn điện gió cần bổ sung qui hoạch ở phương án cơ sở là khoảng 6.030 MW, ở phương án cao là 11.630 MW. Còn đến năm 2030 nguồn điện gió cần bổ sung qui hoạch ở phương án cơ sở là khoảng 10.090 MW và ở phương án cao là 18.390 MW.

Bộ Công Thương cho rằng phương án cao có thể được coi như phương án điều hành để phát triển nguồn điện đủ dự phòng trong trường hợp phụ tải tăng cao, điều kiện khí hậu bất lợi hoạch các nguồn điện khác chậm tiến độ.

Số liệu của Bộ Công Thương cũng cho biết tính đến ngày 15/3/2020, ngoài các dự án đã được bổ sung qui hoạch, Bộ nhận được các đề xuất của UBND các tỉnh tổng cộng gần 250 dự án điện gió với tổng công suất khoảng 45.000 MW đề nghị bổ sung thêm qui hoạch.

Trong đó khu vực Bắc Trung Bộ đề nghj bổ sung 51 dự án, tổng công suất 2.919 MW. Khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ đề nghị 10 dự án, tổng công suất 4.193 MW. Khu vực Tây Nguyên thêm 91 dự án, tổng công suát 11.733,8 MW. Khu vực Đông Nam Bộ đề nghị 2 dự án, tổng công suất 602,6 MW và khu vực Tây Nam Bộ có 94 dự án muốn bổ sung, tổng công suất 25.541 MW.

Tuy nhiên xét về tính đáp ứng của lưới điện từng khu vực thì mỗi nơi có khả năng đáp ứng khác nhau. Đơn cử như Bắc Trung Bộ có thể bổ sung qui hoạch khoảng 941 MW nhưng khu vực Bình Định, Phú Yên của Nam Trung Bộ lại khó có khả năng bổ sung thêm công suất các dự án điện gió do lưới điện 220 kV khu vực này khá yếu...

Tổng hợp các số liệu, Bộ Công Thương cho hay khả năng lưới điện đến năm 2021 có thể hấp thụ được khoảng 7.000 MW trong trường hợp vận hành bình thường. 

Công suất này khá phù hợp với công suất điện gió tăng thêm ở phương án cao, có xét đến dự phòng khi tiến độ triển khai một số dự án nguồn và lưới điện không đáp ứng yêu cầu.

Xem xét điều chỉnh qui mô công suất và qui hoạch

Theo Bộ Công Thương một số công trinh lưới điện truyền thải cần thiết phải bổ sung, đẩy sớm các công trình lưới điện truyền tải nhằm giải tỏa các dự án điện gió, cụ thể nâng công suất TBA 500 kV Đắk Nông từ 2x450MVA lên 2x900 MVA. Nâng công suất TBA 500 kV Pleiku từ 2x450MVA lên 2x900MVA. Xây dựng mới đường dây 220 kV Bạc Liêu - Rẽ NĐ Cà Mau - Sóc Trăng, chiều dài 5 km. 

Đồng thời đẩy sớm tiến độ TBA 220 kV Bình Đại và đường dây 220 kV mạch kép từ TBA 220 kV Bình Đại - Bến Tre từ giai đoạn 2031-2035 sang giai đoạn 2021-2025.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cho rằng trong thời hạn 31/10/2021 là thời hạn các dự án điện gió được hưởng cơ chế theo Quyết định số 39/2019/QĐ-TTg không còn xa, vì thế Bộ kiến nghị Thủ tường Chính phủ đồng ý chủ trường điều chỉnh mục tiêu phát triển nguồn điện gió đến năm 2025 với qui mô công suất 11.630 MW nhằm đảm bảo cung cấp điện, phát triển điện đủ dự phòng trong trường hợp phụ tải tăng cao, điều kiện khí hậu bất lợi hoạch các nguồn điện khác chậm tiến độ.

Đồng thời xem xét quyết định bổ sung qui hoạch các dự án điện gió với phương án đấu nối và điều kiện giải tỏa công suất. Bên cạnh việc xem xét bổ sung qui hoạch hoặc đẩy sớm tiến độ các dự án lưới điện truyền tải đồng bộ nhằm giải tỏa công suất các dự án điện gió.

Giao UBND các tỉnh có dự án điện gió khẩn trương rà soát qui hoạch, kế hoạch sử dụng đát và các qui hoạch khác theo thẩm quyền. Bộ Công Thương sẽ phối hợp kiểm tra, giám sát các dự án nguồn điện từ năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió đã được bổ sung qui hoạch.

Ngoài ra yêu cầu EVN thực hiện đầu tư xây dựng các dự án lưới điện đồng bộ để giải tỏa công suất các dự án nguồn điện gió. Các dự án chưa được bổ sung qui hoạch sẽ tiếp tục được xem xét, nghiên cứu, thẩm định để bổ sung trong Qui hoạch điện VII, điều chỉnh nếu đủ điều kiện hoạch xem xét, cân đối trong Qui hoạch điện VIII.

Như Huỳnh