|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Bộ Công Thương ban hành Kế hoạch thực hiện Hiệp định CPTPP, lộ trình 2 giai đoạn

08:28 | 09/03/2019
Chia sẻ
Bộ Công Thương vừa ban hành quyết định liên quan đến Kế hoạch thực hiện Hiệp định Đối tác Toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) với lộ trình triển khai gồm 2 giai đoạn, giai đoạn 1 năm 2019 và giai đoạn 2 từ năm 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2035.
Bộ Công Thương ban hành Kế hoạch thực hiện Hiệp định CPTPP, lộ trình 2 giai đoạn - Ảnh 1.

Hiệp định CPTPP mang lại cơ hội cho ngành xuất khẩu trong nước. (Ảnh minh họa. Nguồn: internet)

Cụ thể, Bộ Công Thương sẽ triển khai Kế hoạch làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 năm 2019 và giai đoạn 2 từ năm 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2035.

Trong đó, giai đoạn 1 bao gồm các nhiệm vụ chính như tập trung hoàn tất các công việc liên quan đến ban hành các văn bản pháp luật cần thiết để thực hiện Hiệp định CPTPP; xây dựng và triển khai kế hoạch tuyên truyền, tập trung vào việc tuyên truyền, giới thiệu các thông tin về Hiệp định CPTPP; xây dựng và vận hành Cổng thông tin điện tử về FTA.

Đồng thời, xây dựng và vận hành các đầu mối triển khai các nội dung liên quan đến Bộ Công Thương để thực hiện và tham gia Hiệp định CPTPP; Xây dựng các chương trình phát triển thị trường cho các mặt hàng xuất khẩu có tiềm năng và lợi thế của Việt Nam vào thị trường các nước CPTPP; xây dựng, củng cố cơ chế phối hợp liên ngành, địa phương trong các vụ việc phòng vệ thương mại;…

Giai đoạn 2 bao gồm các nhiệm vụ chính như tiếp tục triển khai các công việc liên quan đến việc sửa đổi, ban hành văn bản pháp luật cần thiết để thực hiện Hiệp định CPTPP; tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các biện pháp kỹ thuật phù hợp với các cam kết quốc tế để hỗ trợ cho sự phát triển của các doanh nghiệp, sản phẩm Việt Nam và bảo vệ người tiêu dùng; tiếp tục triển khai các nhiệm vụ liên quan đến việc xây dựng Đề án cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại;…

Mục tiêu của Kế hoạch là tập trung hỗ trợ tất cả các Bộ, ngành, địa phương xây dựng và triển khai Kế hoạch hành động thực hiện Hiệp định CPTPP. Bên cạnh đó, vận dụng và phát huy có hiệu quả các ưu đãi của Hiệp định, từ đó tận dụng tối đa các cơ hội và hạn chế tối thiểu các thách thức của Hiệp định CPTPP trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, góp phần tích cực vào quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam, thúc đẩy sự phát triển kinh tế -xã hội của đất nước, tạo công ăn việc làm và xóa đói giảm nghèo…

Phạm vi của Kế hoạch sẽ tập trung triển khai thực hiện tại các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Trước đó, tháng 1/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt Kế hoạch thực hiện Hiệp định Ðối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Theo đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ưng cần cụ thể hóa và tổ chức triển khai thực hiện những nhiệm vụ cơ bản.

Cụ thể, tăng cường phổ biến về Hiệp định CPTPP cho các đối tượng có liên quan thông qua các phương tiện truyền thông; thiết lập đầu mối thông tin về Hiệp định CPTPP nói riêng và các hiệp định thương mại tự do (FTA) nói chung; xây dựng các chương trình hỗ trợ, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các ngành hàng, doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ, nông dân, phù hợp với cam kết quốc tế; tập trung cơ cấu lại công nghiệp, tạo nền tảng cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa;…

Thu Hà