|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Bộ Công an làm rõ dấu hiệu vi phạm vụ đấu giá nghìn tỉ ở VTM

08:15 | 04/05/2020
Chia sẻ
Bộ Công an sẽ tiến hành xác minh làm rõ những dấu hiệu nghi vấn vi phạm pháp luật, gây thất thoát tài sản Nhà nước trong vụ đấu giá nghìn tỉ.

Bộ Công an sẽ tiến hành xác minh làm rõ những dấu hiệu nghi vấn vi phạm pháp luật, gây thất thoát tài sản Nhà nước trong vụ đấu giá nghìn tỷ.

Bộ Công an làm rõ dấu hiệu vi phạm vụ đấu giá nghìn tỉ ở VTM - Ảnh 1.

Làm rõ những khuất tất vụ đầu giá gần 1.600 tỷ đồng ở VTM. Ảnh: Hải Đăng.

Liên quan đến vụ đấu giá gần 7 triệu tấn quặng ở Công ty TNHH Khoáng sản và Luyện kim Việt Trung (VTM) mà Báo Nông nghiệp Việt Nam phản ánh, mới đây, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Cục Cảnh sát kinh tế, Bộ Công an) đã có văn bản gửi Tổng Công ty Thép Việt Nam về việc đề nghị cung cấp tài liệu để làm rõ.

Cụ thể, Cục Cảnh sát kinh tế đề nghị Tổng Công ty Thép Việt Nam cung cấp các tài liệu liên quan đến pháp nhân của Tổng Công ty. 

Cung cấp toàn bộ các tài liệu có liên quan đến việc chỉ đạo, phê duyệt của các cấp, cơ quan chức năng và Tổng Công ty về việc bán 2 triệu tấn quặng Limonit và gần 5 triệu tấn quặng Deluvi của mỏ Quý Xa do VTM quản lý.

Như Báo Nông nghiệp Việt Nam đã phản ánh, VTM là doanh nghiệp liên doanh giữa Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNSTEEL), Công ty Khoáng sản Lào Cai (LAMICO) và Công ty TNHH Khống chế cổ phần Gang thép Côn Minh, Trung Quốc (KISC).

Năm 2007, VTM được Bộ Tài nguyên - Môi trường cấp giấy phép khai thác 34,5 triệu tấn quặng sắt, công suất khai thác tối đa 3 triệu tấn/năm, thời gian khai thác đến hết năm 2020.

Trong nhiều năm liền, Thép Việt Trung là một trong 12 đại dự án thua lỗ của Bộ Công thương. Trong lúc các bộ, ban, ngành đang tìm cách để giải cứu thì VTM đã thực hiện việc bán gần 7 triệu tấn quặng có những dấu hiệu khuất tất. 

Người thể hiện quyết tâm của thương vụ này rõ nhất là ông Nguyễn Tiến Dũng, tân Tổng Giám đốc VTM.

Tháng 2/2020, Tổng Công ty Thép Việt Nam đã điều động ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty lên Lào Cai giữ chức Tổng Giám đốc Công ty TNHH Khoáng sản Luyện kim Việt Trung.

Ngay sau khi ngồi vào chiếc ghế này ông Dũng đã ký hàng loạt văn bản nhằm mục đích để VTM được phép bán gần 7 triệu tấn quặng. 

Lý do trong các văn bản do ông Dũng ký là hoạt động sản xuất kinh doanh của VTM bị ảnh hưởng rất lớn do thiếu nguồn vật tư, nhiên nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, sản phẩm làm ra không tiêu thụ được... 

Nợ ngân sách đến hết năm 2019 vẫn còn hơn 946 tỷ đồng tiền thuế, phí liên quan đến hoạt động khai thác, tiêu thụ quặng mỏ sắt Quý Xa.

Năm 2020 này cũng là thời điểm hết hạn giấy phép hoạt động, trước khi nộp hồ sơ xin gia hạn giấy phép hoạt động khoáng sản, VTM dự kiến phải nộp lũy kế phát sinh là 1.479 tỷ đồng trước 30/6/2020, nhà máy phải đối mặt với nguy cơ dừng sản xuất Nhà máy Gang thép Lào Cai...

Để thực hiện thương vụ trên, VTM đã ký hợp đồng với Công ty Đấu giá Hợp danh Quốc gia (có địa chỉ đăng ký tại phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) để bán toàn bộ số quặng tồn đọng.

Chỉ trong vòng ngày 21/4/2020, thời điểm cao điểm cả xã hội chống dịch Covid-19, toàn bộ gần 7 triệu tấn quặng của VTM đã được đấu giá thành công với mức trúng đấu giá tổng cộng hơn 1.600 tỷ đồng.

Căn cứ vào những văn bản do ông Nguyễn Vũ Hải, Giám đốc Công ty Đấu giá Hợp danh Quốc gia gửi VTM, công này đã tổ chức đấu giá lô quặng Deluvi nguyên khai với số lượng hơn 4,9 triệu tấn, đơn giá khởi điểm là 117.500 đồng/tấn, tổng thành tiền gần 584 tỷ đồng.

Tại phiên đấu giá ngày 21/4, người tham gia trả giá cao nhất, hợp lệ và trúng đấu giá là Công ty TNHH Tiến Đại Phát (phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội) do ông Ngô Tiến Cương đại diện pháp luật. Mức giá trúng toàn bộ lô quặng trên là hơn 653 tỷ đồng.

Còn lại 2 lô quặng Limonit với tổng số lượng 1,8 triệu tấn cũng được đấu giá thành công ngay trong ngày 21/4 với cùng đơn giá 546.000 đồng/tấn. 

Đơn vị trúng là Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại Xuất nhập khẩu Việt Phát (địa chỉ tại phường Hạ Lý, quận Hồng Bàng, Hải Phòng) do ông Nguyễn Văn Bình đại diện pháp luật trúng 800.000 tấn với tổng số tiền là 428,8 tỷ đồng. 

Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Việt Phát (phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội) trúng 1 triệu tấn với giá 546 tỷ đồng.

Tổng cộng, phiên đấu giá gần 7 triệu tấn quặng giữa thời điểm dịch Covid-19 đang căng thẳng đã thành công với mức trúng cao nhất có thể đem về cho VTM xấp xỉ 1.600 tỷ đồng. 

Tuy nhiên, phiên đấu giá này có những vấn đề chưa rõ ràng, có thể gây thất thoát tài sản Nhà nước, hiện cơ quan chức năng đang vào cuộc kiểm tra làm rõ.

Vì sao VTM không thực hiện theo yêu cầu của Thủ tướng?

Nói về cuộc đấu giá nghìn tỷ có những dấu hiệu mờ ám, tại buổi làm việc với PV NNVN, ông Nguyễn Tiến Dũng, Tổng Giám đốc VTM thừa nhận, toàn bộ cuộc đấu giá đã diễn ra, tuy nhiên mới chỉ đến giai đoạn Công ty Đấu giá Hợp danh Quốc gia tổ chức xong, còn Hội đồng thành viên VTM chưa phê duyệt kết quả của phiên đấu giá này?

Một mặt “chối bỏ” việc tham gia vào quá trình đấu giá, “không quen biết gì những doanh nghiệp trúng đấu giá”, nhưng Tổng Giám đốc VTM cũng đã thừa nhận doanh nghiệp này đã có kết quả đấu giá và ngay khi có những vấn đề về tính pháp lý, Hội đồng thành viên VTM đã họp và quyết định hủy kết quả cuộc đấu giá nghìn tỷ nói trên.

Bộ Công an làm rõ dấu hiệu vi phạm vụ đấu giá nghìn tỉ ở VTM - Ảnh 2.

Tổng Giám đốc VTM Nguyễn Tiến Dũng thừa nhận có những vấn đề về pháp lý vụ đấu giá nghìn tỷ. Ảnh: Hải Đăng.

Theo tài liệu mà Báo Nông nghiệp Việt Nam có được, VTM đã thực hiện hợp đồng đấu giá để bán gần 7 triệu tấn quặng vào thời điểm sau khi cả Bộ Tài nguyên - Môi trường và Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đã có những văn bản phân tích rõ tình hình thực tế việc khai thác và kinh doanh quặng sắt ở doanh nghiệp này.

Cụ thể, trước phiên đấu giá nghìn tỷ 14 ngày, vào ngày 7/4/2020, Bộ Tài nguyên - Môi trường có văn bản gửi Thủ tướng nêu rõ: Công ty TNHH Khoáng sản và luyện kim Việt Trung khai thác mỏ sắt Quý Xa nhưng cung cấp chưa đến 30% công suất cho Nhà máy Gang thép Lào Cai, quặng sắt tinh tại mỏ xuất khẩu sang Trung Quốc nhưng chưa nhập đối lưu than coke.

Như vậy việc sử dụng, tiêu thụ quặng sắt tại mỏ sắt Quý Xa không phù hợp quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt, không đúng yêu cầu địa chỉ sử dụng quặng sắt...

Trước đó nữa, vào ngày 27/3/2020, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam gửi văn bản VTM yêu cầu: Trong thời gian chờ Thủ tướng cho ý kiến về sử dụng quặng sắt của mỏ theo quy hoạch và dự kiến nhu cầu nguyên liệu cho các nhà máy chế biến trong nước, đảm bảo sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên, đề nghị VTM điều chỉnh công suất khai thác của mỏ theo hướng chỉ cung cấp cho Nhà máy Gang thép Lào Cai.

Giải thích với PV NNVN về việc đưa ra các mức giá khởi điểm để thực hiện thương vụ nghìn tỷ giữa mùa Covid-19, ông Dũng cho rằng, do đặc thù của các loại quặng ở mỏ Quý Xa nên không có những mức giá cụ thể để tham chiếu, bản thân VTM lần đầu thực hiện việc đấu giá nên đã gặp một số vấn đề.

Tìm hiểu thêm chúng tôi được biết cùng thời điểm VTM hợp đồng đầu giá 2 lô quặng Limonit với tổng số lượng 1,8 triệu tấn thành công ngay trong ngày 21/4 với cùng đơn giá 546.000 đồng/tấn thì những hợp đồng mua bán quặng Limonit ở Mỏ sắt Tiến Bộ có đơn giá 736.000 đồng/tấn, cao hơn rất nhiều mức trúng giá các lô quặng của VTM.

Chính vì vậy, dư luận nghi ngờ đã có việc "đi đêm” mờ ám trong quá trình thực hiện vụ đấu giá này.

Hoàng Anh - Hải Đăng