|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết về xây dựng chính sách đặc thù cho TP HCM

09:34 | 03/01/2023
Chia sẻ
Ngày 2/1, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 31-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Trong đó, Nghị quyết đặt mục tiêu đến năm 2030, TP HCM trở thành thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình, năng động sáng tạo, có nguồn nhân lực chất lượng cao; là thành phố dịch vụ - công nghiệp hiện đại, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, văn hóa, giáo dục, khoa học - công nghệ của cả nước, hội nhập quốc tế sâu rộng, có vị thế nổi trội trong khu vực Đông Nam Á. Tăng trưởng bình quân đạt khoảng 8 - 8,5%/năm; GRDP bình quân đầu người khoảng 14.500 USD; kinh tế số đóng góp 40% vào GRDP.

Tầm nhìn đến năm 2045: TP HCM phát triển ngang tầm các đô thị lớn trên thế giới, trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ của Châu Á; là điểm đến hấp dẫn toàn cầu; kinh tế, văn hóa phát triển đặc sắc, người dân có chất lượng cuộc sống cao; là hạt nhân của vùng TP HCM và vùng Đông Nam Bộ, cực tăng trưởng của cả nước; nơi thu hút các định chế tài chính và tập đoàn kinh tế quốc tế.

Để làm được điều này, Nghị quyết yêu cầu chính quyền TP HCM phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành khẩn trương xây dựng, hoàn chỉnh Đề án ban hành Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết số 54 trình Quốc hội sớm nhất.

Đảng đoàn Quốc hội lãnh đạo ban hành Nghị quyết của Quốc hội để cho phép thí điểm cơ chế, chính sách vượt trội phát triển TP HCM; xem xét hoàn thiện thể chế, chính sách về đô thị đặc biệt, chính quyền đô thị; sửa đổi, bổ sung các luật, nghị quyết có liên quan để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện và giám sát thực hiện Nghị quyết mới.

Ban hành Chương trình hành động tổ chức thực hiện Nghị quyết; Đề án triển khai thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị, chọn TP HCM làm thí điểm; định kỳ hằng năm và khi cần thiết làm việc với TP HCM để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển Thành phố. Ưu tiên bố trí nguồn lực thực hiện các dự án đầu tư hạ tầng giao thông theo quy hoạch cấp quốc gia và do ngân sách trung ương bảo đảm.

Chỉ đạo các bộ, ngành phối hợp với TP HCM hoàn chỉnh Đề án ban hành Nghị quyết mới về thí điểm cơ chế, chính sách vượt trội phát triển TP HCM trình Quốc hội; ban hành Nghị định của Chính phủ cụ thể hóa tổ chức thực hiện Nghị quyết của Quốc hội.

Cũng như, phối hợp với Thành phố tổ chức triển khai thí điểm một số cơ chế, chính sách vượt trội; thực hiện phân cấp, phân quyền cho Thành phố trên một số lĩnh vực theo Chương trình hành động của Chính phủ; đề xuất nghiên cứu hoàn thiện thể chế pháp luật về đô thị đặc biệt và sửa đổi các luật, nghị định liên quan.

6 giải pháp xây dựng cơ chế đặc thù của TP HCM

Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị cũng đưa ra 6 giải pháp chủ yếu nhằm đưa TP HCM đạt được các mục tiêu đề ra.

Thứ nhất, tập trung phát triển kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh quốc tế, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực.

Thứ hai, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, quản lý và thực hiện quy hoạch; phát triển đô thị bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu; đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại.

Thứ ba, phát triển mạnh mẽ văn hóa, xã hội, giáo dục và đào tạo, chăm sóc sức khoẻ Nhân dân, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, xây dựng con người Thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình, xứng đáng với Thành phố mang tên Lãnh tụ Hồ Chí Minh.

Thứ tư, bảo đảm quốc phòng, an ninh; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế.

Thứ năm, tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Thứ sáu, ban hành chính sách, pháp luật vượt trội, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phát huy tính năng động, sáng tạo vì lợi ích chung của cán bộ Thành phố, đáp ứng yêu cầu phát triển Thành phố trong giai đoạn mới.

Trước đó, từ tháng 1/2018, TP HCM thực hiện thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù theo Nghị quyết 54 của Quốc hội. Thành phố được trao một số quyền ở 18 nội dung thuộc 5 lĩnh vực quản lý, gồm: Đất đai; đầu tư; tài chính - ngân sách nhà nước; cơ chế ủy quyền và thu nhập của cán bộ, công chức. Thời gian thí điểm 5 năm.

Tuy nhiên, Chính phủ kiến nghị cho phép TP HCM tiếp tục thí điểm một số cơ chế đặc thù đến hết năm 2023, thay vì cuối năm 2022. Nguyên nhân là TP HCM có 5 năm thí điểm thì năm đầu tiên dành cho xây dựng kế hoạch, công tác chuẩn bị triển khai. Sau đó, thành phố lại bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 trong hai năm 2020-2021 nên không có nhiều thời gian để phát huy toàn diện các cơ chế, chính sách của Nghị quyết này.

 

Hạ An