|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Bloomberg: Việt Nam đứng lên sau tổn thất TPP

09:19 | 17/02/2017
Chia sẻ
Nền kinh tế phụ thuộc xuất khẩu muốn thắt chặt quan hệ khu vực sau khi TPP đi vào ngõ cụt. 
bloomberg viet nam dung len sau ton that tpp
Cảng Hải Phòng. Ảnh: Bloomberg

Là một nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu, Việt Nam có thể hưởng lợi nhiều từ Hiệp định đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) hơn bất cứ quốc gia nào khác trong nhóm. Tuy nhiên, với việc Tổng thống Donald Trump đã rút nước Mỹ ra khỏi Hiệp định, Việt Nam quyết định hướng sang các láng giềng châu Á.

Kết cục của hiệp định này "sẽ thúc đẩy chúng tôi mở rộng ra các thị trường khác", ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Quốc hội nói với Bloomberg. "Chúng tôi còn rất nhiều tiềm năng để gia tăng kim ngạch xuất khẩu đến các thị trường trong khối ASEAN, và đến các nước mà Việt Nam đã ký hiệp định thương mại tự do như Nhật Bản", ông Kiên nói tiếp.

Hiện tại và cả trong tương lai gần, Mỹ vẫn là khách hàng lớn nhất với các sản phẩm đồ trang trí, đồ điện tử, đồ nội thất, da giày sản xuất ở Việt Nam. Trong vòng 5 năm, Việt Nam tăng gấp đôi kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ, lên đạt con số 38,5 tỷ USD tính đến năm 2016.

Từ rất lâu trước khi Trump ra quyết định chính thức rút lui khỏi Hiệp định, Việt Nam đã quay sang nuôi dưỡng các mối quan hệ khác. "Việt Nam năng động hơn các nước khác trong việc thúc đẩy hiệp định thương mại, và điều này giúp Việt Nam giảm thiểu rủi ro", Eugenia Victorino, chuyên gia kinh tế tại Ngân hàng Australia & New Zealand Banking Group ở Singapore nói.

Hiện nay, Việt Nam có 9 hiệp định thương mại tự do (FTA), bao gồm hiệp định với Ấn Độ, Hàn Quốc, Australia, New Zealand. Bảy hiệp định khác vẫn đang trong quá trình đàm phán.

"Chúng tôi không lo về kết cục của TPP", ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam nói. "Chúng tôi sẽ tìm cách thúc đẩy xuất khẩu đến khu vực EU".

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vẫn hy vọng có thể hồi sinh TPP. Ông Trần Việt Thái, Phó Giám đốc Viện nghiên cứu Chính sách đối ngoại nói, "Nếu hiệp định được tiếp tục nhưng dưới dạng nào đó khác, chính phủ có thể dùng những điều khoản của hiệp định để hiện đại hóa nền kinh tế".

"TPP không chỉ về tiếp cận thị trường. Nó là một động lực cải cách, từ cải cách tư pháp đến lao động, minh bạch và chống tham nhũng", ông nói. Hiện Australia là nước đang quan tâm tới việc hồi sinh một phiên bản khác của hiệp định với Việt Nam và các nước châu Á trong vùng.

Càng tham gia nhiều hiệp định thương mại, Việt Nam càng ít phải phụ thuộc vào Trung Quốc và Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) của nước này trong thương mại quốc tế. "Mỹ rút khỏi TPP đã để lại một khoảng trống và Trung Quốc đang muốn lấp đầy nó", ông Trần Việt Thái nói.

"Nhưng để dẫn đầu, cần phải có sự cho đi và nhận lại, và lúc này, Trung Quốc không muốn cho đi", ông nói tiếp, ngụ ý Trung Quốc vẫn ngần ngại trong việc mở cửa thị trường. "Không ai muốn cho đi trong bối cảnh chủ nghĩa dân túy và tinh thần chống thương mại tự do đang dâng cao".

Vân Vũ