|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Bình Dương có thêm thành phố thứ tư

21:23 | 13/02/2023
Chia sẻ
Sau khi thành lập thành phố Tân Uyên, tỉnh Bình Dương có 4 thành phố, một thị xã và 4 huyện cùng 91 đơn vị hành chính cấp xã.

Chiều 13/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét việc thành lập, nhập, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính của 10 tỉnh gồm Bình Dương, Bắc Ninh, An Giang, Quảng Nam, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Bến Tre, Bắc Kạn, Đắk Lắk và Trà Vinh.

Các Nghị quyết về nội dung trên đã Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua, có hiệu lực từ ngày 10/4/2023. Riêng Nghị quyết về việc điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính giữa xã Ngũ Lạc và xã Long Khánh thuộc huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh có hiệu lực từ ngày 1/3/2023.

Cụ thể, với tỉnh Bình Dương, thành phố Tân Uyên được thành lập trên cơ sở nguyên trạng 191,76 km2 diện tích tự nhiên, quy mô dân số 466.053 người, 10 phường và 2 xã của thị xã Tân Uyên.

 

Sau khi thành lập thành phố Tân Uyên, tỉnh Bình Dương có 4 thành phố, một thị xã và 4 huyện cùng 91 đơn vị hành chính cấp xã.  

 

Tỉnh Bắc Ninh được thành lập thị xã Thuận Thành thuộc tỉnh Bắc Ninh trên cơ sở nguyên trạng 117,83 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 199.577 người của huyện Thuận Thành, trong đó thành lập 10 phường.

Thành lập thị xã Quế Võ thuộc tỉnh Bắc Ninh trên cơ sở nguyên trạng 155,11 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 219.929 người của huyện Quế Võ, trong đó thành lập 11 phường.

Bắc Ninh sẽ tăng 2 thị xã và 21 phường, giảm 2 huyện, 19 xã và 2 thị trấn. Tỷ lệ đô thị hóa đạt 51,32% (tăng 14,67% so với trước khi thành lập 2 thị xã và 21 phường).  

Ở An Giang, thị xã Tịnh Biên được thành lập trên cơ sở nguyên trạng huyện Tịnh Biên; thị trấn Đa Phước trên cơ sở xã Đa Phước thuộc huyện An Phú và thị trấn Hội An trên cơ sở xã Hội An thuộc huyện Chợ Mới.  

 

Với Quảng Nam, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất đưa 5 xã lên phường, gồm: Điện Thắng Bắc, Điện Thắng Trung, Điện Thắng Nam, Điện Minh, Điện Phương. Xã Quế Trung thuộc huyện Nông Sơn lên thị trấn.

Trong khi đó, xã Kim Long thuộc huyện Tam Dương và xã Tam Hồng thuộc huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc, được đưa lên thành thị trấn; xã Định Trung thuộc thành phố Vĩnh Yên lên phường.

Đối với tỉnh Vĩnh Phúc, phương án được đồng ý là thành lập thị trấn Kim Long trên cơ sở nguyên trạng 15,1 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 12.550 người của xã Kim Long thuộc huyện Tam Dương. 

 

Thành lập thị trấn Tam Hồng trên cơ sở nguyên trạng 9,3 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 16.506 người của xã Tam Hồng thuộc huyện Yên Lạc.

Thành lập phường Định Trung trên cơ sở nguyên trạng 7,44 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 12.450 người của xã Định Trung thuộc thành phố Vĩnh Yên.

Như vậy, tỉnh Vĩnh Phúc tăng 2 thị trấn và 1 phường, giảm 3 xã; có 9 đơn vị hành chính cấp huyện (gồm 2 thành phố, 7 huyện). Tỷ lệ đô thị hóa đạt 33,55% (tăng 3,49% so với trước khi thành lập 2 thị trấn và 1 phường).   

Ở Thái Nguyên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định đưa xã Hóa Thượng thuộc huyện Đồng Hỷ lên thị trấn; nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số xã Quân Chu vào thị trấn Quân Chu thuộc huyện Đại Từ.   

Ở Bến Tre có 3 đơn vị hành chính được đưa lên thị trấn gồm: Xã Tiên Thủy thuộc huyện Châu Thành; xã An Thủy thuộc huyện Ba Tri và xã Phước Mỹ Trung thuộc huyện Mỏ Cày Bắc.

Với tỉnh Bắc Kạn, xã Vân Tùng thuộc huyện Ngân Sơn được đưa lên thành thị trấn. Còn ở Đắk Lắk, xã Pơng Drang thuộc huyện Krông Búk lên thị trấn.

Ngoài ra, 3,13 km2 diện tích tự nhiên và 490 người của xã Long Khánh thuộc tỉnh Trà Vinh sẽ được đưa về ấp Mé Láng thuộc xã Ngũ Lạc quản lý.  

Tỉnh Đắk Lắk được thành lập thị trấn Pơng Drang trên cơ sở nguyên trạng 31,24 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 17.988 người của xã Pơng Drang thuộc huyện Krông Búk.

Tỉnh Đắk Lắk tăng 1 thị trấn, giảm 1 xã; có 15 đơn vị hành chính cấp huyện (gồm: thành phố Buôn Ma Thuột, thị xã Buôn Hồ và 13 huyện). Tỷ lệ đô thị hóa đạt 25,76% (tăng 0,94% so với trước khi thành lập thị trấn).  

Anh Đào