|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Bình Dương chấn chỉnh các dự án đầu tư, kinh doanh bất động sản

22:19 | 09/06/2021
Chia sẻ
Từ đầu năm 2021 đến nay, tỉnh Bình Dương đã và đang tổ chức rà soát, từng bước chấn chỉnh các dự án đầu tư, kinh doanh bất động sản, xử lý nghiêm các trường hợp huy động vốn bất hợp pháp, đầu tư và kinh doanh bất động sản vi phạm pháp luật, xét duyệt giá đất nhằm tạo một thị trường bất động sản công bằng giữa các nhà đầu tư, ngăn chặn kịp thời những rủi ro trong mua bán và kinh doanh bất động sản cho người dân.

Siết chặt quản lý

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Bàu Bàng, ông Nguyễn Văn Thương, đến tháng 6/2021, huyện có 25 dự án nhà ở ngoài khu công nghiệp với tổng diện tích quy hoạch là 451ha và chỉ có 9 dự án đã được UBND tỉnh cho phép giao dịch.

Tuy nhiên, có nhiều công ty đã tự ý môi giới, tiến hành rao bán rầm rộ khi chưa đủ các điều kiện pháp lý, thu tiền của người dân gây hoang mang dư luận và đã bị lực lượng chức năng của huyện rà soát, tham gia cùng cơ quan công an đưa các dự án ra điều tra như: Khu nhà ở Thành Phát City 1 (Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và phát triển địa ốc Ba Thành Phát), Khu dân cư Green City 1, 2 ,3 Khu dân cư Phúc Long (Công ty cổ phần Thương mại dịch vụ - xây dựng đầu tư phát triển địa ốc Bình Dương City Land).

Trong thời gian qua, nhằm đẩy mạnh việc thanh lọc, chấn chỉnh các dự án, điều chỉnh giá đất, UBND tỉnh Bình Dương cũng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các sở, ngành, địa phương liên quan đến việc kiểm tra, xử lý đối với các dự án nhà ở và các dự án đầu tư, xây dựng không phép, sai phép (Văn bản số 1518/UBND-KT ban hành 15/4/2021 về việc chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước về giá đất, Văn bản số 1333/UBND-KT ban hành 2/4/2021 về việc tăng cường quản lý thị trường bất động sản, Văn bản số 3888/UBND KTN ngày 07/8/2019...).

Sở Xây dựng cũng đã ban hành Văn bản số 1688/SXD-QLN ngày 24/5/2021 về việc tăng cường quản lý tình hình thị trường bất động sản trên địa bàn tỉnh Bình Dương theo chỉ đạo của UBND tỉnh gửi đến các sở có liên quan và UBND các huyện, thị, thành phố, các chủ đầu tư dự án kinh doanh bất động sản căn cứ nhiệm vụ của ngành, địa phương tổ chức thực hiện theo các nội dung chỉ đạo của UBND tỉnh tại Văn bản số Văn bản số 1333/UBND-KT ban hành 2/4/2021 và sẽ tiếp tục theo dõi trong qua trình tổ chức thực hiện, tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.

Ngoài ra, các địa phương đã tăng cường thanh tra, rà soát, kết hợp với cơ quan công an. Đến tháng 6/2021, lực lượng Thanh tra Sở xây dựng tỉnh Bình Dương đã ban hành 70 quyết định xử phạt sai phạm với các công trình, dự án với số tiền gần 5 tỷ đồng. 

Cùng đó, số liệu từ Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Bình Dương, lực lượng chức năng đã khởi tố, tạm giam để điều tra 18 vụ án, 11 bị can liên quan đến đất đai có dấu hiệu lừa đảo hàng chục tỷ đồng.

Trong năm 2020, UBND tỉnh Bình Dương đã chấp thuận chủ trương đầu tư 42 dự án, với quy mô sử dụng đất khoảng 112,81ha. 

Trong năm 2021, theo thống kê sơ bộ, sở ngành cũng đã tham mưu UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư chỉ có 9 dự án, với quy mô sử dụng đất khoảng 142,25 ha và đã thu hồi chủ trương đầu tư 2 dự án gồm: Dự án Khu tái định cư đường vào Trung tâm hành chính tỉnh; Dự án Khu nhà ở Tân Uyên – Bình Dương Fico.

Theo ông Phạm Xuân Ngọc, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương, tỉnh có vị trí địa lý sát Tp. Hồ Chí Minh, có hệ thống giao thông nối liền được quy hoạch bài bản. 

Trong những năm tới, tỉnh sẽ trở thành một trong những trung tâm công nghiệp lớn trong vùng, tập trung chuyển đổi công năng các khu công nghiệp ở khu vực phía Nam và thu hút đầu tư phát triển công nghiệp công nghệ cao ở phía Bắc; dịch vụ phát triển theo hướng phục vụ cho phát triển công nghiệp; phát triển các trung tâm thương mại cấp khu vực tại thành phố Thủ Dầu Một, thị xã Thuận An và Dĩ An, phát triển các trung tâm thương mại cấp huyện phục vụ các khu công nghiệp.

Vì vậy, việc thực hiện các giải pháp siết chặt quản lý nhà nước về quy hoạch, đầu tư, xây dựng và kinh doanh tại các dự án, đặc biệt là các đối tượng phân lô bán nền băm nát quy hoạch, thanh lọc các dự án, chủ đầu tư và doanh nghiệp yếu kém là dịp để doanh nghiệp thấy rõ điểm mạnh, điểm yếu, xem xét lại hoạt động kinh doanh, tập trung cho các dự án khả thi và chứng minh hiệu quả; tập trung vào các vấn đề về nhân sự và đào tạo để tạo đà cho thời gian tiếp theo.

Lựa chọn các nhà đầu tư phù hợp

Theo ông Võ Hoàng Ngân, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương, thời gian qua có nhiều nhà đầu tư lựa chọn Bình Dương là điểm đến cho việc đầu tư - kinh doanh bất động sản, điều này đã tạo cho Bình Dương có được hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, khang trang, hiện đại đáp ứng quá trình đô thị hóa và phát triển đô thị bền vững.

Bên cạnh đó, cũng còn nhiều nhà đầu tư lợi dụng kẽ hở của pháp luật, lòng tin của nhân dân để huy động vốn, lừa đảo, thu lợi bất hợp pháp làm ảnh hưởng đến lợi ích và quyền lợi của người dân mà các cấp, các ngành đã và đang quan tâm kiểm soát, xử lý vi phạm nghiêm minh nhằm tạo một môi trường kinh doanh bất động sản lành mạnh, công bằng giữa các nhà đầu tư.

Trong thời gian tới, tỉnh sẽ quan tâm lựa chọn các nhà đầu tư phù hợp theo từng phân khúc thị trường nhà ở, phát triển các loại hình nhà ở cho người dân theo những mức thu nhập khác nhau, đặc biệt là nhà ở cho người có thu nhập thấp, người lao động nhập cư, hộ nghèo, hộ chính sách xã hội, tạo điều kiện để người người có thể lựa chọn từng phân khúc nhà ở phù hợp với thu nhập để chọn nơi an cư, lập nghiệp.

Ông Võ Hoàng Ngân cho rằng, Bình Dương cũng cần quan tâm thêm tới các nhà đầu tư có tiềm lực về mạnh tài chính, năng lực kinh nghiệm trong đầu tư quản lý và phát triển đô thị tạo nên các khu vực phát triển đô thị hiện đại, kết nối đồng bộ xứng tầm với các đô thị được phân loại.

Tỉnh khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển các khu đô thị mới, từng bước nâng cấp cải tạo, chỉnh trang tại các đô thị hiện hữu; quan tâm định hướng quy hoạch, chuyển đổi các khu vực mô hình nhà ở liên kế thấp tầng sang nhà ở chung cư cao tầng tại các khu vực phía Nam của Tỉnh (các khu vực đô thị nén, mật độ dân số cao).

Bình Dương đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, tăng hiệu quả sử dụng đất, tạo quỹ đất phát triển giao thông công cộng và công trình ngầm, công viên, không gian công cộng hướng đến xây dựng đô thị bền vững theo hướng văn minh, hiện đại, hướng đến phát triển đô thị thông minh trong tương lai.

Cụ thể, đảm bảo theo các tiêu chí của Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Bình Dương đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 721/QĐ-UBND ngày 17/3/2020 với diện tích nhà ở bình quân toàn tỉnh là 31,5 m2/người (diện tích nhà ở tối thiểu 10,0 m2/người); trong đó, khu vực đô thị 33 m2/người, khu vực nông thôn 25 m2/người. Nâng tỷ lệ nhà ở kiên cố toàn tỉnh lên 65%, giảm tỷ lệ nhà ở thiếu kiên cố xuống còn 0,5%.

Bình Dương tiếp tục chuyển đổi công năng khu, cụm công nghiệp phía Nam để phát triển đô thị nhằm phục vụ chỉnh trang đô thị; phát triển mô hình công nghiệp - dịch vụ ở các huyện phía Bắc của tỉnh.

Tỉnh triển khai phát triển mô hình nhà ở xã hội nhằm phục vụ nhu cầu phát triển nhà ở công vụ; nhà ở người thu nhập thấp tại đô thị, nhà ở công nhân, nhà ở sinh viên, nhà xã hội khác và một phần nhu cầu nhà ở tái định cư tại các đô thị.

Binh Dương cần phát triển thêm khoảng 2,7 triệu m2 sàn và tiếp tục tập trung nguồn vốn triển khai hoàn thành hạ tầng kỹ thuật các khu nhà ở tái định cư, sắp xếp đất ở cho người dân được tái định cư xây dựng nhà ở.

Bình Dương cũng phát triển nhà ở thương mại; đẩy mạnh phát triển nhà ở chung cư tại các khu vực đô thị nén ở khu vực phía Nam của tỉnh; thực hiện việc quản lý và quỹ đất 20% trong các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị mới để xây dựng nhà ở xã hội.

Tỉnh tăng tỷ lệ nhà chung cư trong các dự án phát triển nhà ở tại đô thị lên 30%. Tỷ lệ nhà cho thuê bằng 8,5% so với tổng diện tích nhà ở tăng thêm tại khu vực đô thị. Quỹ đất ở tại khu vực đô thị và nông thôn tăng thêm khoảng 1.200 ha.

Huyền Trang

'Tăng trưởng GDP 2025 đạt 8%, 2026 - 2030 đạt 10%, Việt Nam sẽ thoát bẫy thu nhập trung bình'
Theo TS. Cấn Văn Lực, năm 2025 phải phấn đấu để đạt mức tăng trưởng ít nhất 8% và giai đoạn 2026 - 2030 tăng trưởng hai con số khoảng 10% thì Việt Nam mới có thể vượt bẫy thu nhập trung bình, đạt mục tiêu đến 2045 trở thành nước thu nhập cao và có nền tảng công nghiệp hiện tại.