Biến động tỷ giá USD ở Việt Nam trước 3 lần Fed tăng lãi suất
Cụ thể ngày 16/12/2008, trước sự sụp đổ của một trong những ngân hàng đầu tư lớn nhất trên thị trường Mỹ lúc bấy giờ là Lehman Brothers đánh dấu cho sự suy thoái của nền kinh tế Mỹ, Fed đã ra quyết định hạ lãi suất xuống còn 0% - 0,25%.
Tại thời điểm này mục tiêu của Fed là hãm đà lao dốc của kinh tế Mỹ do tác động của cuộc khủng hoảng và lấy lại lòng tin đang lung lay của thế giới đối với hệ thống tài chính Mỹ khi đó. Duy trì mức lãi suất thấp này, Fed giúp kiềm chế lạm phát, duy trì nguồn vốn giá rẻ nhằm tác động thúc đẩy đầu tư và tăng trưởng.
Fed tăng lãi suất lần 1 - Tháng 12/2015 tăng thêm 0,25%
Cuối năm 2015, Fed quyết định tăng lãi suất lần đầu tiên sau một thời gian dài duy trì mức từ 0% - 0,25% lên mức 0,25% - 0,5%. Đồng thời với thông báo tăng lãi suất là định hướng lộ trình tăng lãi suất mạnh hơn kỳ vọng trong năm 2017.
Tổng hợp GDP của Mỹ (Nguồn: The New York Times) |
Tỷ lệ thất nghiệp Mỹ (Nguồn: The New York Times) |
Lý do của việc tăng lãi suất được Fed đưa là nền kinh tế Mỹ gần như đã hồi phục hoàn toàn với tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 5% và tăng trưởng trung bình đạt 2% trong 5 năm qua. Mặt khác, nợ công tăng cao cũng tạo ra áp lực khiến Fed phải tăng giá đồng USD.
Chính sách này của Fed nhìn chung không ảnh hưởng nhiều đến tỷ giá và thị trường ngoại hối tại Việt nam.
Một báo cáo được Chứng khoán Vietcombank (VCBS) công bố hồi giữa tháng này chỉ ra, trong khoảng 9 tháng đầu năm 2016, tỷ giá ở nhiều ngân hàng thương mại ít biến động và phổ biến vào khoảng 22.330 – 22.350 VNĐ/USD. Từ quý 4, đặc biệt từ đầu tháng 11, tỷ giá tại ngân hàng liên tục tăng, đến cuối tháng 12 phổ biến trong khoảng 22.790 – 22.800 VNĐ/USD. Qua đó, tỷ giá năm 2016 tăng khoảng 1,1%.
Mặt khác, đầu năm 2016, Ngân hàng Nhà nước chính thức áp dụng cơ chế điều hành tỷ giá trung tâm được công bố mỗi ngày, dựa trên cơ sở 3 yếu tố: diễn biến tỷ giá thị trường liên ngân hàng; diến biến tỷ giá trên thị trường quốc tế của một số đồng tiền các nước có quan hệ thương mại, vay, trả nợ, đầu tư lớn với Việt Nam và các cân đối kinh tế vĩ mô, tiền tệ, mục tiêu chính sách tiền tệ.
Cơ chế này đã giúp cho tỷ giá niêm yết và giao dịch hàng ngày biến động nhanh và sát cung cầu hơn, giúp giảm bớt bất lợi cho nền kinh tế trước những biến động tiền tệ trên thế giới và giữ được vai trò điều hành trung tâm của NHNN. Kết quả năm qua, tỷ giá trung tâm tăng khoảng 1,18%, tức gần bằng mức tăng ở các ngân hàng thương mại.
Fed tăng lãi suất lần 2 - Tháng 12/2016 tăng thêm 0,25%
Tháng 12/2016, Fed thực hiện điều chỉnh lãi suất lần 2 lên mức 0,5% - 0,75%. Đi kèm đó, Fed công bố kế hoạch nâng lãi suất 3 lần vào năm 2017, mỗi lần tăng 0,25%. Nhiều chuyên gia dự báo đến năm 2018, lãi suất Liên bang Mỹ có thể sẽ ở mức 2,125 %.
Tỷ giá trung tâm tiếp tục xu hướng tăng trong 2 tháng đầu năm. Tính đến cuối tháng 2, lên mức 22.232 VNĐ/USD, tăng khoảng 0,37% kể từ đầu năm và 1,45% so với cùng kỳ 2016. Diễn biến này được NHNN nhìn nhận là cách tiếp cận linh hoạt và chuẩn bị trước cho những áp lực về tỷ giá trong năm 2017.
Tuy nhiên, trên hệ thống ngân hàng thương mại lại ghi nhận nhiều biến động hơn khi tỷ giá giảm khá nhanh trong tháng 1 và có dấu hiệu nóng trở lại từ giữa tháng 2. Điều này cho thấy kỳ vọng của thị trường lên đồng USD đang tăng khi tỷ lệ nhập siêu tháng 2 tăng và tâm lý đầu cơ khi đồng USD trở nên mạnh hơn sau việc tăng lãi suất.
Fed tăng lãi suất lần 3 - Tháng 3/2017 tăng thêm 0,25%
Ngày 15/3/2017, Fed nâng lãi suất lần thứ 3 lên mức 0,75% - 1%. Chủ tịch Fed, bà Janet Yellen, tuyên bố đã đến thời điểm thay đổi mạnh định hướng chính sách tiền tệ, lãi suất đồng USD sẽ được điều chỉnh với tần suất dầy hơn so với năm 2015 và 2016.
Tỷ giá USD/VNĐ tính đến 24/3/2017 (Nguồn: Bloomberg) |
Theo diễn biến trên, tỷ giá USD/VNĐ đang có xu hướng giảm nhẹ trong ngắn hạn. Tại thời điểm hiện tại ngày 24/3, tỷ giá đang giữ ở mức 22.789 giảm 39 điểm so với mức 22.828 của ngày 15/3. Có thể nhận thấy, thị trường không có cú sốc đối với quyết định này của Fed. Những kỳ vọng về thay đổi tỷ giá có thể đã phản ánh vào trong quá trình tăng tỷ giá từ trước đó.
VBSC nhận định lộ trình nâng lãi suất của Fed trong năm 2017 sẽ tạo nhiều áp lực tăng lên tỷ giá đồng USD hay giảm giá VNĐ hơn so với năm trước. Mức giảm giá VNĐ được dự đoán trong khoảng từ 2% - 4%.