|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

BIDV và gánh nặng trích lập dự phòng

18:48 | 23/03/2021
Chia sẻ
Chi phí dự phòng là nhân tố chi phối lợi nhuận của BIDV những năm qua. BIDV đặt mục tiêu giảm chi phí này nhằm đạt được mức tăng trưởng lợi nhuận 24-38%/năm trong giai đoạn 2021 - 2025.
ngan-hang-bidv-2 (1).jpg

Một điểm giao dịch của BIDV. (Ảnh: BIDV)

Dự phòng ăn mòn lợi nhuận, cổ đông lo lắng

Tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2021 của BIDV vừa qua, một cổ đông đã đặt câu hỏi cho ban lãnh đạo ngân hàng về tình trạng chi phí dự phòng luôn tăng theo các năm và ngốn hết lợi nhuận.

Theo cổ đông này, BIDV có tổng tài sản lớn nhất hệ thống, lợi nhuận kinh doanh thuần trước trích lập dự phòng rủi ro không thua kém Vietcombank. Tuy nhiên, sau khi trích lập dự phòng rủi ro, lợi nhuận của BIDV chỉ gần bằng quỹ trích lập dự phòng rủi ro của Vietcombank. Trong khi đó, quỹ trích lập dự phòng của BIDV lại lên tới hơn 23.000 tỷ đồng, tương đương với lợi nhuận của Vietcombank.

Thắc mắc của cổ đông này cũng là băn khoăn của nhiều đầu tư khi trong những năm gần đây, nhà băng này liên tục bị các đối thủ trong nhóm Big 4 vượt qua về khả năng sinh lời. Thậm chí, trong năm 2020, lợi nhuận của BIDV đã giảm xuống còn hơn 9.000 tỷ đồng, chưa bằng một nửa Vietcombank và kém cả 4 ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân là ACB, MB, VPBank và Techcombank.

Như chia sẻ của cổ đông trên, phần lớn lợi nhuận của BIDV bị ''ngốn'' bởi chi phí dự phòng rủi ro.

Đơn cử, năm 2020, trong khi 28 ngân hàng dành bình quân 39% lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh để trích lập dự phòng thì con số này tại BIDV lên tới gần 72%, cao hơn nhiều so với VietinBank (42%) và Vietcombank (30%). Điều này có nghĩa, cứ 100 đồng làm ra thì BIDV phải dành 72 đồng để dự phòng, trong khi VietinBank chỉ cần 42 đồng, Vietcombank là 30 đồng và bình quân ngành là 39 đồng.

z2395051786592_d8e6e7746b25103594f61a9821654831.jpg

Trích lập dự phòng ăn mòn lợi nhuận BIDV trong các năm qua. (Nguồn: Quang Hưng)

Việc trích lập dự phòng cụ thể nhiều hay ít của các ngân hàng chịu ảnh hưởng từ chất lượng dự nợ cho vay. Nói cách khác nếu nợ xấu càng nhiều thì gánh nặng trích lập của các ngân hàng càng tăng.

Thực tế, đến cuối năm 2020, BIDV tiếp tục đứng đầu ngành về quy mô nợ xấu với 21.342 tỷ đồng, tăng 9,5% so với cuối năm trước và bỏ xa hai ông lớn cùng nhóm quốc doanh khác là VietinBank (12.148 tỷ đồng), Vietcombank (9.917 tỷ đồng).

Đồng thời, tỷ lệ bao phủ nợ xấu của ngân hàng này cũng chỉ ở mức gần 90%, kém VietinBank (132%) và Vietcombank (370%).

Nói về lý do khiến BIDV mạnh tay trích lập dự phòng rủi ro thời gian qua, Chủ tịch Phan Đức Tú cho biết ngân hàng rất muốn giảm dự phòng, cải thiện lợi nhuận qua đó tác động tích cực đến giá cổ phiếu. Tuy nhiên, việc dự phòng tăng mạnh trong nhiều năm qua là kết quả của quá trình phát triển mạnh về quy mô để lại những khiếm khuyết.

"Trong suốt 4 năm qua, BIDV đặt mục tiêu làm sạch bảng cân đối tài sản, quan điểm đạt hiệu quả trong dài hạn nên trích lập khá nhiều dự phòng khiến lợi nhuận khiêm tốn so với tổng tài sản'', ông Tú cho biết.

Kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận 24-38%/năm khi giảm được dự phòng

Trong năm 2021, BIDV đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 13.000 tỷ đồng, tăng hơn 44% so với mức thực hiện của năm 2020.

Về cơ sở giúp đặt kỳ vọng lợi nhuận đạt 13.000 tỷ đồng trong năm 2021, ngoài việc gia tăng các nguồn thu, lãnh đạo ngân BIDV cũng dự báo mức trích lập dự phòng sẽ ở mức tương đương năm 2020 khoảng 24.000 tỷ đồng.

"Đúng ra, nếu không có COVID-19, hết năm nay BIDV có thể giảm dự phòng tín dụng và cải thiện lợi nhuận hơn nữa", ông Tú chia sẻ tại đại hội cổ đông.

Chủ tịch BIDV kỳ vọng bắt đầu từ năm 2021, trích lập dự phòng rủi ro của BIDV sẽ giảm dần, lợi nhuận sẽ tăng dần. Việc giảm trích lập dự phòng rủi ro sẽ rất rõ ràng 5 năm tới, lợi nhuận vì thế cũng sẽ tăng mạnh.

"Kế hoạch kinh doanh của BIDV 5 năm tới là tăng trưởng lợi nhuận 24-38%/năm. Hiện chúng tôi đang tập trung trích lập để đảm bảo tỷ lệ bao phủ nợ xấu 5 năm tới trên 130%", người đứng đầu BIDV cho biết.

Trong báo cáo cập nhật mới đây, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng cải thiện mạnh biên biên lợi nhuận trước thuế là chìa khóa cho sự tăng trưởng của BIDV. Với việc hoàn thành trước hạn việc trích lập và mua lại trái phiếu VAMC, ngân hàng có thể tiết kiệm 0,1 – 0,2 điểm % chi phí tín dụng.

Trên cơ sở đó, VDSC ước tính chi phí dự phòng của BIDV sẽ giảm 6% trong năm nay, dẫn đến cải thiện biên lợi nhuận trước thuế (từ 18% năm 2020 lên 24% năm 2021). Sự cải thiện này sẽ đóng góp hơn 80% mức tăng trưởng lợi nhuận ngân hàng trong 2021.

Quốc Thụy

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.