|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

BIDV chào bán khoản nợ gần 1.300 tỉ đồng của Vinaxuki

08:01 | 21/02/2020
Chia sẻ
Tài sản đảm bảo cho khoản nợ là hàng trăm nghìn m2 đất tại Mê Linh, Hà Nội, máy móc thiết bị nhà máy và quyền khai thác mỏ quặng tại Đăk Nông.
BIDV chào bán khoản nợ gần 1.300 tỉ đồng của Vinaxuki - Ảnh 1.

Ảnh minh họa (Nguồn: Người đưa tin)

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV - BID) vừa phát đi thông báo về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản là khoản nợ của CTCP Ô tô Xuân Kiên Vinaxuki (Công ty Vinaxuki) và Công ty TNHH MTV Ô tô Xuân Kiên Vinaxuki Thái Nguyên (Công ty Vinaxuki Thái Nguyên).

Tài sản bảo đảm cho khoản nợ gồm: Quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất tại xã Tiền Phong, huyện Mê Linh, Hà Nội với tổng diện tích đất là hơn 138,8 nghìn m2; Máy móc thiết bị tại Nhà máy Vinaxuki Mê Linh; Quyền khai thác mỏ quặng Antimon và dây chuyền tuyển quặng tại Thôn 15, xã Đắk Drông, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông; Tài sản gắn liền với đất của Nhà máy Vinaxuki Thái Nguyên tại Khu B-KCN Nam Phổ Yên, Thái Nguyên.

Giá khởi điểm được BIDV rao bán bằng gốc cộng lãi vay tính đến thời điểm BIDV thông báo cho công ty dịch vụ đấu giá triển khai phiên đấu giá đầu tiên. Trong đó, tổng dư nợ gốc và lãi tính đến hết ngày 15/9/2019 là hơn 1.265 tỉ đồng (chính xác là 1.265.111.125.606 đồng).

CTCP Ô tô Xuân Kiên thành lập năm 2004 và được biết đến là một doanh nghiệp lớn trong ngành công nghiệp ô tô Việt Nam. Công ty ban đầu là nhà máy khuôn mẫu và phụ tùng ô tô; sau đó, được cấp giấy phép sản xuất, lắp ráp xe ô tô các loại. Vinaxuki là một nhãn hiệu ô tô của Công ty Cổ phần Ô tô Xuân Kiên và được giới thiệu 1 năm sau đó.

Thời "hoàng kim" của Vinaxuki gắn liền với mô hình sản xuất và kinh doanh xe tải, nhất là các dòng xe tải hạng nhẹ. Những sản phẩm do Vinaxuki làm ra lúc đó đã có tỉ lệ nội địa hoá lên đến 30%, nhờ vậy giá thành cũng vì thế được hạ thấp và giúp tăng khả năng cạnh tranh so với xe nhập khẩu,  

Tuy nhiên, giấc mơ chiếc xe hơi được sản xuất hoàn toàn Việt Nam đã đẩy Vinaxuki đến bờ vực phá sản với các khoản nợ cả nghìn tỉ đồng.

Thông tin trên Vietnamnet, ông Bùi Ngọc Huyên, Chủ tịch Vinaxuki, cho biết đã phải bán nhà cửa, vét từng đồng lấy tiền trả lãi để được tái cơ cấu từ vốn vay ngắn hạn sang dài hạn. Nhưng các ngân hàng cũng không cho vay nữa. Sau đó, Vinaxuki bị đưa vào nợ xấu nhóm 4 và yêu cầu bàn giao tài sản để ngân hàng bán.

Năm 2017, Vinaxuki từng đề nghị vay tiền của VDB để mua lại nợ xấu của các ngân hàng cho vay dự án nội địa hoá ô tô con đã bị bán lại cho VAMC. Tuy nhiên, Bộ Tài chính từ chối và cho rằng không có cơ sở để thực hiện.

Quốc Thụy