|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Bí quyết 'tỏa sáng' của các CEO Ấn Độ tại Thung lũng Silicon: Học tập và xây dựng văn hóa doanh nghiệp phù hợp là chìa khóa thành công

14:53 | 29/06/2022
Chia sẻ
Đến từ một quốc gia tại châu Á, song các CEO người Ấn Độ lại đang điều hành những công ty công nghệ lớn nhất thế giới tại Thung lũng Silicon.

Khi Satya Nadella nhậm chức CEO của Microsoft vào tháng 2/2014, ông đã thừa hưởng “một nền văn hóa độc hại” tại một trong những công ty lớn nhất thế giới. Bill Gates, người sáng lập công ty, nổi tiếng là người hay mắng mỏ nhân viên, và Steve Ballmer, người kế nhiệm Gates, tiếp tục chiến thuật kinh doanh cứng nhắc, thứ khiến các đối tác không hề ưa thích.

Microsoft đã thua trong cuộc chiến trên thị trường smartphone và nền tảng công nghệ mà công ty đã xây dựng trong hàng thập kỷ dành cho máy tính cũng đang dần được thay thế bằng các dịch vụ đám mây.

Vốn là người đến từ Ấn Độ, và với niềm tin vào Phật giáo, ông Satya Nadella đã quyết tâm biến Microsoft thành một công ty chấp nhận thứ mà ông gọi là “learn-it-all”, ám chỉ việc cần học mọi thứ, trái ngược với thế giới quan “know-it-all”, ám chỉ việc phải biết mọi thứ của công ty lúc bấy giờ.

Ông Satya Nadella cũng khẳng định những hành động hung hăng, ngông nghênh sẽ không còn xuất hiện tại Microsoft. Không bao giờ chịu đựng sự tức giận hoặc la mắng trong các cuộc họp điều hành, không bao giờ lớn giọng hoặc thể hiện sự tức giận quá mức đối với nhân viên hoặc các lãnh đạo, không bao giờ viết email phàn nàn tỏ thái độ bực tức, Satya Nadella không ngừng nỗ lực để thay đổi môi trường làm việc tại Microsoft.

Kết quả của sự thay đổi văn hóa và những thay đổi về chiến lược đã giúp nâng giá trị vốn hóa thị trường của Microsoft thêm khoảng 300 tỷ USD kể từ khi Satya Nadella trở thành CEO.

Các CEO người Ấn Độ điều hành hàng loạt tập đoàn công nghệ lớn bậc nhất thế giới. (Ảnh: News Bytes).

Điều tương tự cũng đúng với Sundar Pichai, người thừa hưởng một công ty có vấn đề về văn hóa làm việc. Google từng được biết đến với văn hóa công sở dễ dãi, nơi các mối quan hệ tình ái giữa CEO và nhân viên tạo ra căng thẳng nội bộ. Bằng phong cách “Ấn Độ”, nhẹ nhàng và khiêm tốn, Pichai đã điều hướng công ty đi vào một vùng an toàn.

Ngoài ra, nhiều CEO người Ấn Độ tại Thung lũng Silicon như Shantanu Narayen của Adobe và Jayshree Ullal của Arista Networks cũng đạt được thành công như vậy. Thậm chí, không chỉ trong lĩnh vực công nghệ, các CEO người Ấn Độ cũng đã để lại dấu ấn của họ ở trong những lĩnh vực khác, bao gồm Indra Nooyi tại PepsiCo và Ajay Banga tại Mastercard.

Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra là làm thế nào mà các CEO người Ấn Độ lại được ngồi vào những vị trí cấp cao như vậy? Điều gì đã giúp họ thành công trong lĩnh vực công nghệ nói riêng và các lĩnh vực khác nói chung?

Theo nghiên cứu của giáo sư AnnaLee Saxenian của Đại học California, tính đến năm 1999, người nhập cư chiếm 1/3 lực lượng lao động khoa học và kỹ thuật ở Thung lũng Silicon, và các CEO người Ấn Độ đã điều hành khoảng 7% các công ty công nghệ cao tại đây.

Năm 2006, nhóm nghiên cứu nhận thấy rằng tỷ lệ các startup do người nhập cư thành lập đã tăng lên 52,4%, với khoảng 15,5% các CEO gốc Ấn Độ điều hành các công ty công nghệ tại Thung lũng Silicon, mặc dù số lao động người Ấn Độ chỉ chiếm khoảng 6% lực lượng lao động tại đây.

Văn hóa và giáo dục là chìa khóa cho sự thành công

Giáo dục đã mang lợi thế cho những người Ấn Độ. Dù vậy, điều này cũng chưa thể giải thích cho lý do Microsoft, Google, IBM và Twitter lại chọn các CEO người Ấn Độ thay vì những người Mỹ có trình độ tương đương. Câu trả lời có thể liên quan tới yếu tố văn hóa

Ở một đất nước có hơn một tỷ dân, hầu hết đều bị cản trở bởi nạn tham nhũng tràn lan, cơ sở hạ tầng yếu kém và hạn chế cơ hội, để tồn tại một cách bình thường đã là điều khó khăn chứ chưa nói đến việc phát triển bản thân.

Chính điều này đã giúp người Ấn Độ học cách kiên cường, chiến đấu với vô số chướng ngại vật và tận dụng tối đa những gì họ có. Tinh thần kinh doanh, cùng với sự sáng tạo và cần cù là một phần của cuộc sống.

Trong bối cảnh không có mạng lưới an sinh xã hội, các giá trị và sự hỗ trợ của gia đình là tất cả, và gia đình có vai trò rất quan trọng, các thành viên trong gia đình cung cấp mọi hình thức hỗ trợ và chỉ dẫn cho những thành viên gặp khó khăn. Ngoài ra, họ cũng không ngại khó khăn, di chuyển tới các vùng đất mới, học tập và chia sẻ với mọi người.

Đây là những đặc điểm mà bất kỳ hội đồng quản trị của công ty nào cũng đánh giá cao, đặc biệt khi những CEO tiền nhiệm là những người có phần bảo thủ, cứng nhắc và rất nghiêm khắc. Chính những đặc điểm này cho phép một CEO người Ấn Độ thay đổi văn hóa công ty.

Đây có thể là lý do hội đồng quản trị Twitter nhất trí thông qua đề xuất của Jack Dorsey bổ nhiệm Parag Agrawal, một người sinh ra ở Ấn Độ làm người thay thế ông. Đó là một sự chuyển đổi văn hóa mà Twitter cần.

Twitter từng nhận phải một loạt chỉ trích về văn hóa làm việc độc hại và sự vô cảm với các hành vi lạm dụng trên nền tảng này. Ngoài ra, nhiều người nghi ngờ khi Jack Dorsey tại vị, liệu ông có tập trung toàn ý cho Twitter hay không, bởi ông cũng là CEO của một công ty khác, Square.

 

Theo đánh giá từ tác giả Vivek Wadhwa của tạp chí Fortune, tất cả những yếu tố này góp phần giúp các CEO người Ấn Độ “tỏa sáng” rực rỡ trên bầu trời đầy sao tại Thung lũng Silicon.

Quốc Anh

31 doanh nghiệp chốt quyền chia cổ tức trong tuần tới, Dược Hậu Giang có tỷ lệ cao nhất
Trong tuần từ 23/12 đến 27/12, thị trường chứng khoán có 31 doanh nghiệp chốt ngày giao dịch không hưởng quyền để nhận cổ tức tiền mặt.